Chính sách tiền tệ cân đối nhiều mục tiêu

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bài toán kích thích kinh tế và kiểm soát lạm phát đặt ra nhiều khó khăn với chính sách tiền tệ.

Tín dụng chảy vào đâu?
Đến ngày 15/6, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 5,1% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 2,26%). Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên. Có 3/5 lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức tăng tín dụng của toàn nền kinh tế bao gồm xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và DN ứng dụng công nghệ cao.
Dự kiến đến cuối tháng 6, tín dụng nông nghiệp, nông thôn ước tăng 4,8%; tín dụng DN nhỏ và vừa tăng 3,9%; tín dụng xuất khẩu tăng 9%; tín dụng công nghiệp hỗ trợ tăng 6,94% và lĩnh vực DN ứng dụng công nghệ cao tăng 14,5%.
Ảnh minh họa.
Theo Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế: “Với các giải pháp tổng thể của Chính phủ, cùng với giải pháp của ngành ngân hàng đã tạo đà phục hồi tăng trưởng tín dụng, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, dự kiến đến cuối tháng 6 tăng trưởng tín dụng có thể đạt khoảng từ 5,5 - 6%”.
Ngoài ra, NHNN đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phục hồi sản xuất kinh doanh; tiếp tục phối hợp với bộ, ngành liên quan đề xuất, triển khai chính sách cho vay hỗ trợ trả lương cho người lao động do bị ngừng việc, gián đoạn sản xuất vì ảnh hưởng của Covid-19. 
“Bóng ma” lạm phát và áp lực tăng trưởng
Xu hướng lạm phát tăng được dự báo sẽ tiếp tục trong ít nhất vài tháng tới do sự tăng giá phi mã của một số mặt hàng đầu vào phục vụ cho sản xuất. Riêng trong quý 1/2021, 80% hàng hóa đã tăng cao trở lại về trên mốc trước dịch khi Covid-19 đã tạo ra cú sốc lớn với giá hàng hóa, tiêu biểu phải kể đến dầu thô với mức tăng 40% so với cùng kỳ… đòi hỏi chính sách nới lỏng tiền tệ hết sức thận trọng.
Trong khi đó, theo các chuyên gia, Việt Nam đang trải qua đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ tư, lây lan trong nước từ cuối tháng 4/2021 và đang ảnh hưởng đến nhiều vùng miền, đặc biệt là các đầu tàu kinh tế. Mục tiêu tăng trưởng cũng đang đặt ra thách thức lớn. Bài toán kích thích kinh tế và kiểm soát lạm phát đặt ra nhiều khó khăn với chính sách tiền tệ.
Tổng phương tiện thanh toán (M2) còn gọi là cung tiền của nền kinh tế. Đây là một chỉ số tiền tệ quan trọng để NHNN kiểm soát lạm phát và ổn định thị trường tiền tệ. Đến ngày 15/6, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 3,96% so với cuối năm 2020 và tăng 14,27% so với cùng kỳ năm 2020. Tín dụng toàn nền kinh tế tăng 5,1% so với cuối năm 2020. Đến cuối năm 2020, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đã đạt hơn 9,192 triệu tỷ đồng. Như vậy, ước tính từ đầu năm đến nay, hệ thống TCTD đã bơm thêm hơn 460.000 tỷ đồng tín dụng ra nền kinh tế.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa Việt Nam tuy cung nhiều tiền ra nền kinh tế, nhưng lại chưa gây ra lạm phát. Nguyên nhân là do vòng quay của tiền chậm lại, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, cung hàng hóa chậm lại, người dân chi tiêu tằn tiện, khu vực dịch vụ gần như đóng băng…
Ở khía cạnh khác, hiện NHNN mới chỉ thực hiện hạ lãi suất suất điều hành và chưa có kế hoạch mua lại tài sản như trái phiếu. Cùng với đó, các chính sách điều hành linh hoạt, phù hợp với từng thời điểm đã cho thấy sự hiệu quả của nhà điều hành góp phần ổn định các chỉ báo kinh tế vĩ mô như tỷ giá, lạm phát hay lãi suất trong các năm gần đây.
“Tỷ giá sẽ dao động trong khoảng 0,5% trong năm 2021. Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho biết lãi suất huy động có thể đi ngang hoặc tăng nhẹ trong các tháng cuối năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay sẽ còn dư địa giảm thêm nhưng mức giảm sẽ không dàn trải trên toàn hệ thống”, nhóm nghiên cứu tại VCBS dự báo.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: NHNN điều hành linh hoạt để đạt được mục tiêu kép. “Chính sách tiền tệ của NHNN vẫn được điều hành theo định hướng chủ đạo hỗ trợ đà phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ “vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế”, đảm bảo vận hành thông suốt và ổn định thị trường tiền tệ" - Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Ngành ngân hàng sẽ kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông, chứng khoán; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế “tín dụng đen". Về cơ bản mặt bằng lãi suất chung sẽ vẫn ổn định, lãi suất cho vay đối một số lĩnh vực ưu tiên có thể điều chỉnh giảm nhẹ.
“Tình hình tăng trưởng tín dụng khá mạnh, có đến khoảng 10 ngân hàng đang mong muốn nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng nhưng NHNN vẫn đang cân nhắc, bảo đảm tăng trưởng có chất lượng, hài hòa với nền kinh tế”, Phó Thống đốc nói.

Theo Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, để giải quyết được bài toán kiềm chế lạm phát và hỗ trợ phát triển kinh tế, cần sử dụng công cụ chính sách tài khóa nhiều hơn, bởi chính sách tài khóa không chịu tác động của lạm phát nhiều như chính sách tiền tệ. Nếu đợt dịch này tác động mạnh đến nền kinh tế Việt Nam, Chính phủ có thể xem xét thúc đẩy nhu cầu trong nước bằng cách áp dụng chính sách tài khóa thích ứng hơn, trong đó có các biện pháp tăng cường hỗ trợ cho DN và người dân bị ảnh hưởng.