Chính thức khởi công nhà ga sân bay Long Thành và T3 Tân Sơn Nhất

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà ga sân bay Long Thành (Đồng Nai) và Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) chính thức khởi công vào chiều nay 31/8, tổng mức đầu tư của hai nhà ga này là hơn 46.000 tỷ đồng.

Chiều ngày 31/8, Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) chính thức khởi công nhà ga hành khách và công trình xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay thuộc dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành).

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và TP Hồ Chí Minh cùng lãnh đạo các tỉnh Đồng Nai, Quảng Nam, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu... đã đến dự và bấm nút khởi công công trình quan trọng của sân bay Long Thành. 

Chiều cùng ngày 31/8, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất cũng được lệnh khởi công. Đây là 1 trong 3 cửa ngõ hàng không quốc tế lớn nhất, có vai trò quan trọng trong hệ thống mạng cảng hàng không toàn quốc. Với vai trò là cảng hàng không trung tâm, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã góp phần tích cực trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của TP Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam nói riêng, cả nước nói chung.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự lễ khởi công 3 gói thầu quan trọng, trong đó có gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách - Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự lễ khởi công 3 gói thầu quan trọng, trong đó có gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách - Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1

Phát biểu tại buổi lễ khởi công nhà ga sân bay Long Thành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông là một trong ba khâu đột phá chiến lược của Đảng và Nhà nước ta. Thực tiễn đã chứng minh, giao thông vận tải nói chung và sân bay, bến cảng nói riêng mang lại hiệu quả rõ nét về phát triển kinh tế - xã hội. Giao thông phát triển đến đâu sẽ mở ra không gian phát triển đến đó, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch được hình thành, quỹ đất được khai thác hiệu quả.

Theo Thủ tướng, là bộ phận quan trọng trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng hàng không có tính đặc thù cao, phức tạp và hội nhập quốc tế sâu. Phát triển kết cấu hạ tầng vận tải hàng không nhằm tăng cường, mở rộng các phương thức vận tải để chia sẻ, kết nối liên thông trong và ngoài nước. Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ (cả vùng trời, vùng biển và đất liền). Tuy nhiên, việc phát triển hạ tầng hàng không đòi hỏi đầu tư đồng bộ, hiện đại, bền vững, phù hợp với xu thế phát triển của hàng không thế giới, trong đó các cảng hàng không đóng vai trò đầu mối.

Cũng theo Thủ tướng, trong những năm qua, hạ tầng hàng không ở nước ta được nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới với nhiều nguồn lực đầu tư của nhà nước và xã hội hóa, tuy nhiên vẫn chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng, phát triển của quốc gia và quốc tế; nhiều sân bay đã trở nên quá tải cả trên bầu trời và dưới mặt đất, nhất là sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo công suất thiết kế nhà ga hành khách sân bay Long Thành, ở giai đoạn 1, sau khi đưa vào khai thác, sân bay Long Thành sẽ là sân bay hiện đại hàng đầu trong khu vực với công suất phục vụ 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm
Theo công suất thiết kế nhà ga hành khách sân bay Long Thành, ở giai đoạn 1, sau khi đưa vào khai thác, sân bay Long Thành sẽ là sân bay hiện đại hàng đầu trong khu vực với công suất phục vụ 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm

“Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1” và Dự án “xây dựng nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất” là 2 dự án đặc biệt lớn, có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống mạng cảng hàng không quốc gia, thuộc công trình quan trọng liên quan đến an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung” – Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất gồm các hạng mục: nhà ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không và hệ thống cầu cạn phía trước cũng được khởi công. Công trình có tổng mức đầu tư 10.990 tỷ đồng, dự kiến thi công trong 20 tháng, khai thác từ quý II/2025.

Riêng nhà ga hành khách gồm một tầng hầm và 4 tầng nổi, tổng diện tích sàn xây dựng 112.500 m2. Nhà ga có 90 quầy thủ tục hàng không, 20 quầy gửi hành lý tự động, 42 kiosk check in, 27 cửa ra tàu bay (13 cửa ống lồng và 14 cửa bằng xe bus), 6 đảo xử lý hành lý đi và 10 đảo trả hành lý đến, 25 cửa kiểm soát an ninh hành khách.

Hai dự án này sau khi hoàn thành sẽ góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm vận chuyển lớn trong khu vực và trên thế giới, mở ra không gian phát triển mới với “hệ sinh thái kinh tế sân bay”, tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thủ tướng ghi nhận và biểu dương Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng, TP Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và các bộ, ngành có liên quan đã chủ động, tích cực phối hợp cùng tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là các thủ tục về đấu thầu, đất đai, đầu tư, vốn và đã hoàn thành các thủ tục theo quy định để khởi công 3 gói thầu quan trọng này.

Thủ tướng đề nghị bà con Nhân dân trong vùng ảnh hưởng, tác động của dự án tiếp tục đồng hành, vì lợi ích quốc gia; ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi để dự án hoàn thành thuận lợi, đúng kế hoạch. Chính phủ, các ban chỉ đạo với trách nhiệm và quyền hạn sẽ hết sức ủng hộ và hỗ trợ để chủ đầu tư, nhà thầu hoàn thành hai dự án có ý nghĩa rất quan trọng này.

Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất có tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng
Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất có tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng

Cùng với đó, Thủ tướng đã nêu rõ 6 yêu cầu các chủ thể tham gia triển khai dự án phải nghiêm túc quán triệt bảo đảm chất lượng, tiến độ; an toàn, kỹ thuật, mỹ thuật, môi trường sinh thái; không được đội vốn bất hợp lý, không chia nhỏ gói thầu; chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí ở tất cả các khâu; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân, doanh nghiệp; kịp thời khen thưởng khi làm tốt và kịp thời xử lý khi xảy ra sai phạm.

 

Sân bay Long Thành công suất 100 triệu hành khách, 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Toàn bộ vốn đầu tư dự án khoảng 336.630 tỷ đồng (khoảng 16 tỷ USD). Trong đó, giai đoạn một đầu tư 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD). Trong đó, dự án nhà ga sân bay Long Thành xây trên khu đất rộng 150 ha, thiết kế hai luồng đi và đến tách biệt, gồm 1 tầng trệt và 3 lầu, đỉnh mái cao gần 46m, bố trí 40 vị trí đỗ máy bay. Nhà ga dự kiến hoàn thành và khai thác trong năm 2026.

Nhà ga hành khách sân bay Long Thành lấy hình ảnh hoa sen làm ý tưởng chính, được sử dụng xuyên suốt trong quá trình thiết kế, áp dụng vào mái, phối cảnh từ góc nhìn mặt chính nhà ga, nội thất khu vực sảnh làm thủ tục, được bố trí theo dạng tập trung gồm khu vực trung tâm và 3 cánh. Dự kiến sau khi hoàn thành tất cả các giai đoạn, Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ đạt công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm và trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam và hướng tới trở thành một trong những cảng hàng không trung chuyển nhộn nhịp trong khu vực.

Đơn vị thực hiện nhà ga sân bay Long Thành là Liên danh Vietur, gồm 10 thành viên, trong đó có một số nhà thầu trong nước như: Ricons, Newtecons, Sol E&C, Vinaconex, CC1, với đơn vị đứng đầu là Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng Ic Istas (Ic Istas) của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ giới thiệu đã xây dựng sân bay Pulkovo ở Nga, Varna Burgas ở Bulgaria, còn lại là các cảng hàng không ở quê nhà Thổ Nhĩ Kỳ. Phía doanh nghiệp nội có Vinaconex từng trúng nhiều gói thầu trong lĩnh vực cảng hàng không. ATAD cũng có kinh nghiệm thi công kết cấu thép cho nhiều sân bay trong nước.