Quảng Ngãi sẵn sàng cho đột phá hạ tầng giao thông
Kinhtedothi - Thực trạng hạ tầng giao thông chưa đồng bộ đang tạo áp lực lớn cho Quảng Ngãi. Trong khi đó, các dự án cao tốc, đường sắt, sân bay… đã được tỉnh chủ động chuẩn bị kỹ lưỡng, chờ chủ trương từ Trung ương để sẵn sàng bứt phá.
Quốc lộ 24, tuyến giao thông huyết mạch dài khoảng 180km nối khu vực Tây Nguyên với duyên hải miền Trung, đồng thời kết nối phía Đông và phía Tây tỉnh Quảng Ngãi, đến nay vẫn còn nhiều đoạn chưa được đầu tư mở rộng.
Mặt đường hẹp, xuống cấp, nhiều khúc cua gấp và điểm khuất tầm nhìn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Địa hình đèo dốc phức tạp cộng với tình trạng sương mù dày đặc vào mùa mưa càng khiến việc lưu thông khó khăn hơn.

Quốc lộ 24 vẫn chưa được đầu tư đồng bộ và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn giao thông.
Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Phúc Nhân cho biết, tỉnh đang đề xuất bố trí 50 tỷ đồng để duy tu, sửa chữa đoạn tuyến còn dang dở dài hơn 50km, nhằm đảm bảo an toàn giao thông và thông suốt hàng hóa.
Không chỉ riêng Quốc lộ 24, hạ tầng giao thông toàn tỉnh hiện vẫn tồn tại nhiều điểm nghẽn. Sau sáp nhập, Quảng Ngãi có hơn 1.560km đường từ cấp huyện trở lên, trong đó gồm 6 tuyến quốc lộ dài 541km và 24 tuyến đường tỉnh dài hơn 866km. Sở Xây dựng cũng rà soát lại toàn bộ hệ thống đường huyện để có hướng quản lý, duy tu, bảo dưỡng.
Đáng chú ý, các công trình hiện có vẫn chưa đủ tạo đột phá phát triển. Vì vậy, tỉnh đang tích cực chuẩn bị cho việc triển khai loạt dự án giao thông trọng điểm có tính liên kết vùng và chiến lược dài hạn như: cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, sân bay Măng Đen và sân bay Lý Sơn.

Sân bay Măng Đen kết nối với cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum được kỳ vọng là bệ phóng cho miền Tây tỉnh Quảng Ngãi.
“Chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh phân công nhiệm vụ rõ ràng cho các sở, ngành và đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng để sẵn sàng cho dự án đường sắt tốc độ cao. Bộ khung triển khai cơ bản đã hình thành, chỉ chờ Trung ương "bật đèn xanh" là có thể khởi động”- Phó Giám đốc Sở Xây dựng Võ Phiến cho hay.
Riêng với cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum, tỉnh đang phối hợp với Ban Quản lý dự án 85 xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, xác định hướng tuyến và các yếu tố kỹ thuật liên quan. Cùng lúc đó, địa phương cũng đã rà soát, bổ sung mỏ khoáng sản vào quy hoạch để chủ động nguồn vật liệu, nhất là đất đắp, đá, cát phục vụ thi công, tránh tình trạng khan hiếm khi khởi công.
Đối với hai dự án sân bay Măng Đen và Lý Sơn, Quảng Ngãi đã làm việc với Bộ Xây dựng để trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung vào quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc lập hồ sơ đang được thực hiện theo trình tự rút gọn để đẩy nhanh tiến độ.
Song song đó, các đồ án quy hoạch phục vụ phát triển hạ tầng, đô thị cũng được triển khai đồng bộ. Trong đó có quy hoạch phân khu Măng Đen 1 và 6 phân khu tại Khu kinh tế Dung Quất, chương trình phát triển đô thị Lý Sơn và quy hoạch Khu đô thị Đảo Ngọc...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Ngọc Sâm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Ngọc Sâm khẳng định: “Dự án cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum có ý nghĩa chiến lược, là đòn bẩy lớn nhất thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh. Các sở, ngành phải tham mưu gấp rút hồ sơ đề xuất nghiên cứu tiền khả thi và học hỏi kinh nghiệm từ địa phương khác để khi triển khai sẽ đạt hiệu quả cao nhất”.
Tại buổi làm việc mới đây với lãnh đạo tỉnh, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, cũng nhấn mạnh: Quảng Ngãi cần sớm hoàn thiện hồ sơ đầu tư tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum, trình Chính phủ để đưa ra Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 10 tới.

Sáp nhập là cơ hội để Quảng Ngãi bứt phá
Kinhtedothi-Tiếp xúc cử tri Quảng Ngãi sau kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh: việc sáp nhập không chỉ là tái cơ cấu bộ máy mà là cơ hội vàng để phát triển toàn diện.

Quảng Ngãi: ổn định tổ chức cơ quan quân sự sau sáp nhập
Kinhtedothi-Sau sắp xếp tổ chức theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, các cơ quan quân sự ở Quảng Ngãi đã nhanh chóng ổn định bộ máy, đi vào hoạt động nền nếp, giữ vững thế trận quốc phòng toàn dân trong tình hình mới.

Quảng Ngãi: gõ cửa từng nhà, gom dữ liệu nông thôn
Kinhtedothi-Từ đầu tháng 7, Quảng Ngãi đồng loạt ra quân thực hiện cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp 2025. Dữ liệu thu thập lần này sẽ là cơ sở quan trọng cho hoạch định chính sách phát triển nông nghiệp - nông thôn phù hợp với giai đoạn mới, đặc biệt sau khi địa phương mở rộng địa giới hành chính.