Theo đó, mức lương tối thiểu mới sẽ tăng lên chia theo 4 vùng I, II, III, IV. Vùng I là 2.350.000 đồng/tháng (mức lương theo Nghị định 70 hiện nay là 2.000.000 đồng/tháng), vùng II là 2.100.000 đồng/tháng (1.780.000 đồng/tháng), vùng III là 1.800.000 đồng/tháng (1.550.000 đồng/tháng), và vùng IV là 1.650.000 đồng/tháng (1.400.000 đồng/tháng).
Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay khoảng từ 250.000 - 350.000 đồng/tháng. Bất cứ tổ chức, cá nhân nào có thuê mướn lao động đều phải trả là 1.650.000 đồng/tháng, mức lương tối thiểu ở các huyện ngoại thành hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM đều ở mức 2.350.000 đồng/tháng.
Từ 1/1/2013 sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ 1.650.000 đến 2.350.000 đồng/tháng.
Nghị định 103/2012/NĐ-CP cũng quy định rõ, mức tiền lương thấp nhất trả cho người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.
Mức lương tối thiểu vùng được quy định là cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận tiền lương, bảo đảm mức tiền lương tính theo tháng trả cho người lao động chưa qua đào tạo làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ số ngày làm việc tiêu chuẩn trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
Các doanh nghiệp đã xây dựng và ban hành thang lương, bảng lương thì căn cứ vào mức lương tối thiểu vùng để điều chỉnh các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, các mức lương trong hợp đồng lao động cho phù hợp với các thỏa thuận và quy định của pháp luật lao động.
Đối với doanh nghiệp chưa xây dựng thang lương, bảng lương thì căn cứ vào mức lương tối thiểu vùng để tính các mức lương khi xây dựng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, tính các mức lương ghi trong hợp đồng lao động và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.
Nghị định cũng khuyến khích các doanh nghiệp trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng quy định.
Đối tượng áp dụng bao gồm doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam); Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động; Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này).