Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chỉnh trang 180 tuyến phố theo Chương trình 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội: Mắc vì thiếu thiết kế đô thị

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang bắt tay thực hiện Chương trình 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025” (Chương trình 03). Một trong những chỉ tiêu quan trọng của Chương trình đang được 10 quận tích cực triển khai là chỉnh trang hè, đường phố với 180 tuyến. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay là các tuyến phố hầu như chưa có đồ án thiết kế đô thị để làm căn cứ triển khai việc chỉnh trang theo chiều sâu.

Có tiền nhưng không thể chỉnh trang
Một trong những nội dung chính của Chương trình 03 mà Hà Nội đang thực hiện là chỉnh trang đô thị. Trong đó, thiết kế các tuyến phố hiện đại, đồng bộ, giàu bản sắc nhằm định hình bộ mặt đô thị văn minh là nhiệm vụ chủ lực. Tuy nhiên, một vấn đề nan giải đối với các quận của Hà Nội hiện nay là số lượng đồ án thiết kế đô thị các tuyến phố để làm công cụ triển khai việc chỉnh trang lại hầu như chưa có. Do đó, chính quyền các quận đang gặp khó khăn trong việc lập dự án đầu tư cải tạo, chỉnh trang các tuyến phố theo chiều sâu.
Thiếu thiết kế đô thị, các tuyến đường mới mở luôn rơi vào cảnh lộn xộn, thiếu mỹ quan. Trong ảnh: Tuyến đường Vành đai 2 mở rộng đoạn Đại La - Minh Khai
Thực tế thời gian qua, các quận đã rất tích cực thực hiện đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật như lát đá vỉa hè, hạ ngầm đường dây điện, viễn thông, đồng bộ cây xanh, hệ thống chiếu sáng, đảm bảo các tiêu chí công nhận tuyến phố văn minh đô thị. Tuy nhiên, đó mới chỉ là cải tạo chỉnh trang đơn thuần mặt ngoài tuyến phố, còn việc cải tạo theo chiều sâu, bài bản theo công cụ quản lý là đồ án thiết kế đô thị thị thì hầu như chưa thực hiện được.
Theo Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định, các tuyến hè, đường phố được đề xuất cải tạo, chỉnh trang giai đoạn 2021 - 2025 trên địa quận Hoàn Kiếm có 26 tuyến. Trong năm 2021, quận đã thực hiện chỉnh trang được 11 tuyến theo phương án chỉnh trang mặt ngoài tuyến phố. Còn hầu như chưa có tuyến nào được thực hiện theo đồ án thiết kế đô thị.
“Hiện nguồn đầu tư công trung hạn của quận đã bố trí, bên cạnh đó có 5 nhà đầu tư sẵn sàng tài trợ khoảng 60 tỷ đồng để làm thiết kế đô thị các tuyến phố trên địa bàn toàn quận. Nhưng việc triển khai thiết kế đô thị như thế nào, tiến độ ra sao quận lại không thể chủ động mà phải đợi các đơn vị chuyên môn là Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) và Viện Quy hoạch xây dựng” - Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định cho hay.
Trong khi đó, Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho biết, theo thống kê thì hiện TP có khoảng 801 đồ án thiết kế đô thị, quy hoạch chi tiết cần phải làm trong thời gian tới. Do đó, các quận, huyện cần chủ động khẩn trương thực hiện ngay các thiết kế đô thị, nếu không sẽ khó hoàn thành chỉ tiêu cải tạo, chỉnh trang 180 tuyến phố.
Xác định mô hình cụ thể cho từng tuyến phố
Theo nhiều chuyên gia kiến trúc, quy hoạch, thiết kế đô thị là yêu cầu bức thiết trong phát triển đô thị và quản lý quy hoạch, kiến trúc không gian cảnh quan đối với Hà Nội hiện nay. Nhất là hầu hết các tuyến đường mới mở qua khu vực đô thị cũ do không có thiết kế đô thị nên tình trạng xây dựng lộn xộn không ngăn chặn được. Điển hình trên tuyến Vành đai 2 (đoạn cầu Mai Động - Ngã Tư Vọng) đang được mở rộng làm đường trên cao, khi dự án mở rộng đến đâu thì tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo xuất hiện ở đó.
Đại diện Sở QH-KT Hà Nội cho hay, tuyến đường Vành đai 2 hiện vẫn chưa có quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị hai bên. Mặc dù, Sở đã ban hành văn bản hướng dẫn tạm thời về quản lý xây dựng, kiến trúc công trình hai bên tuyến đường làm cơ sở để UBND các quận, chủ động xem xét, hướng dẫn chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân cải tạo, chỉnh trang và cấp phép xây dựng công trình hai bên tuyến đường. Thế nhưng, trên thực tế cho thấy tồn tại không ít bất cập trong xây dựng nhà cửa của người dân trên tuyến đường này khiến bộ mặt hai bên tuyến phố trở lên lôm nhôm.
Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, KTS Phạm Thanh Tùng đánh giá, thực hiện Chương trình 03 của Thành ủy Hà Nội là cơ hội để chỉnh trang, tái thiết lại bộ mặt đô thị vốn còn nhiều hạn chế trong thời gian vừa qua. Thực hiện tốt thiết kế đô thị sẽ cho ra những khu phố tiện nghi, dãy phố có nhịp điệu kiến trúc, hài hòa về màu sắc, những không gian xanh, không gian công cộng phục vụ cho cuộc sống con người, từ kiểu dáng đèn đường, biển quảng cáo, biển báo, thùng rác, chỗ nghỉ chân... Đặc biệt, khi có thiết kế đô thị sẽ không có chỗ cho những nhà siêu mỏng, siêu méo xây dựng một cách vô lối như đã và đang xảy ra. Đồng thời sẽ không có chuyện nhà xây cao tầng bị cắt ngọn, không có chuyện kiện tụng, thanh tra vì xây dựng không phép và trái phép.
Phó Chủ tịch UBND TP, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Chương trình 03 Dương Đức Tuấn cho rằng, đối với Chương trình 03 có nhiệm vụ trọng tâm là chỉnh trang đô thị, trong đó xác định 4 quận lõi nội đô là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa là những địa phương chủ lực thực hiện nhiệm vụ này. Yêu cầu quản lý quy hoạch, kiến trúc là phải có thiết kế đô thị, hiện nay số lượng đồ án thiết kế đô thị toàn TP còn rất ít, chỉ vài tuyến phố có thiết kế đô thị. Do đó, thời gian tới nhiệm vụ đặt ra đối với các quận này là cần quan tâm, đi sâu vào thiết lập hệ thống công cụ thiết kế đô thị nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý đầu tư xây dựng, cấp phép xây dựng, nhất là phục vụ cho công tác chỉnh trang đô thị.
Hiện nay, trong công tác quy hoạch có 2 loại đồ án là thiết kế đô thị nằm trong đồ án quy hoạch (thường áp dụng cho các khu vực phát triển mới) và thiết kế chỉnh trang tại các khu vực đô thị đã ổn định quy hoạch hay còn gọi là thiết kế “can thiệp” (phù hợp áp dụng cho khu vực các quận lõi nội đô Hà Nội).
“Trong 180 tuyến phố được đề xuất trong Chương trình 03, tuyến nào thuộc diện thiết kế quy hoạch hay chỉ là thiết kế chỉnh trang cần được các quận xác định cụ thể để thực hiện có hiệu quả” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn lưu ý.
 Theo danh mục đề xuất các tuyến đường, tuyến phố để cải tạo, chỉnh trang trong giai đoạn 2021 - 2025 theo Chương trình 03 gồm: Hoàn Kiếm 26 tuyến; Đống Đa 30 tuyến; Hai Bà Trưng 20 tuyến; Ba Đình 22 tuyến; Tây Hồ 6 tuyến; Cầu Giấy 12 tuyến; Thanh Xuân 7 tuyến; Hoàng Mai 33 tuyến; Hà Đông 18 Tuyến; Nam Từ Liêm 6 tuyến.

Ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều đô thị khác, lúc này nhận rõ hơn bao giờ hết, bên cạnh quy hoạch phát triển đô thị, cần bắt tay vào thiết kế đô thị “can thiệp”. Chính đây là một giải pháp cơ bản cho việc khắc phục tình trạng lộn xộn và thiếu thẩm mỹ của các đô thị ở nước ta.
GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính