Lĩnh án tù vì thả rông chó gây hậu quả nghiêm trọng
Ngày 25/12, TAND Vĩnh Tường Vĩnh Phúc mở phiên tòa xét xử công khai vụ án hình sự đối với bị cáo Phùng Thị Sơn (SN 1987, trú huyện Vĩnh Tường) về tội “Vô ý làm chết người”.
Bị cáo Phùng Thị Sơn bị cáo buộc thiếu giám sát quản lý khi thả rông 2 con chó béc giê, không rọ mõm, không trông giữ dẫn đến việc chó tấn công khiến bé gái 5 tuổi là P.D.M (SN 2015, cùng nơi cư trú) đang chơi ngoài đường thiệt mạng vào ngày 20/11.
Tại phiên tòa, đại diện người bị hại là anh Phùng Quốc Huy (bố của cháu P.D.M) đã xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Do có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nên HĐXX đã tuyên án bị cáo lĩnh mức án 2 năm 6 tháng tù. Sự việc là hồi chuông cảnh tỉnh phải siết chặt công tác quản lý Nhà nước về việc nuôi chó tại hộ gia đình.
Liên quan đến vụ việc, UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tăng cường các biện pháp quản lý nuôi chó tại gia đình.
Nhiều bất cập trong quản lý về nuôi nhốt chó
Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, những năm qua công tác quản lý Nhà nước về nuôi chó tại hộ gia đình trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập: chưa có quy định cụ thể, chưa lập sổ theo dõi chó nuôi, người dân chưa tự giác đăng ký chó nuôi, chưa chấp hành tốt việc xích, nhốt và tiêm phòng vắc-xin dại; khi thả chó ra ngoài không có người quản lý trực tiếp, không đeo dây dẫn, không đeo rọ mõm cho chó theo đúng quy định.
Tình trạng bất cập trên là nguyên nhân dẫn đến những vụ việc chó thả rông đuổi cắn, tấn công người, thậm chí còn gây thiệt hại về tính mạng của nạn nhân, như sự việc đau lòng trên.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu UBND các huyện, thành phố thành lập Ban chỉ đạo hoặc Tổ công tác; mỗi xã, phường, thị trấn thành lập Tổ đội công tác (kiêm nhiệm an ninh, dân phòng) hàng ngày tuần tra xử lý, bắt nhốt chó thả rông ngoài hộ gia đình không có dây xích, không có rọ mõm, không có người quản lý trực tiếp.
Yêu cầu các hộ gia đình và người nuôi chó thực hiện nghiêm việc đăng ký khai báo chó nuôi, nhốt, xích hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình, không thả rông, nhất là ở các khu đô thị, nơi đông dân cư. Khi cho chó ra đường phải có dây dẫn, rọ mõm đề phòng cắn người và gây tai nạn giao thông; đồng thời, phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, mất vệ sinh ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh.
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã phường tổ chức thống kê chính xác số chó nuôi, lập sổ theo dõi chó nuôi để quản lý chặt chẽ theo quy định. Các tổ đội công tác đề xuất các chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó, tiêm phòng vắc-xin và đề xuất việc xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm.
Yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chủ trì, cùng Sở Tư Pháp và các sở ngành, UBND các huyện thành phố nghiên cứu đề xuất trình UBND tỉnh ban hành quy định thống nhất về quản lý nuôi chó, mèo trên địa bàn; giúp UBND tỉnh kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chỉ đạo tại công văn này; thiết lập hệ thống thông tin nắm bắt kịp thời các diễn biến về quản lý nuôi chó và sự việc phức tạp xảy ra, đề xuất việc xử lý và chỉ đạo xử lý đối với các tập thể và cá nhân vi phạm theo thẩm quyền.