Chúc mừng năm mới

Chợ Chuộng: phiên chợ độc lạ có một không hai ở Thanh Hóa

Hiền Thinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Dù không quen biết, nhưng ai đến chợ Chuộng cũng vui vẻ khi bị ném cà chua, trứng vào người. Bởi, theo quan niệm, ai càng bị ném nhiều thì năm đó sẽ càng gặp nhiều may mắn.

Hàng ngàn người tham gia phiên chợ độc lạ có một không hai ở Thanh Hóa
Hàng ngàn người tham gia phiên chợ độc lạ có một không hai ở Thanh Hóa

Sáng 3/2 (mùng 6 Tết), hàng nghìn người đã đổ về bãi đất trống ven bờ sông Hoàng (thuộc TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) để tham gia phiên chợ độc đáo, chỉ họp một lần duy nhất trong năm - chợ Chuộng. Đây là phiên chợ được xem là kỳ lạ bậc nhất xứ Thanh, nơi người dân "choảng nhau" bằng cà chua, trứng để cầu may mắn trong năm mới.

Cứ vào ngày mùng 6 Tết hàng năm, hàng nghìn người lại kéo nhau tới chợ Chuộng.
Cứ vào ngày mùng 6 Tết hàng năm, hàng nghìn người lại kéo nhau tới chợ Chuộng.

Chợ Chuộng nằm trên khu đất rộng khoảng 3.000 m2, giáp ranh giữa huyện Đông Sơn trước đây (nay là TP Thanh Hóa) và huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Phiên chợ này còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như "chợ choảng", chợ giải xui hay chợ cầu may. Theo quan niệm dân gian, ai càng bị ném nhiều cà chua thì năm đó sẽ càng gặp nhiều may mắn, thuận lợi.

Người dân nô nức tham gia phiên chợ ném cà chua để cầu may dịp đầu năm.
Người dân nô nức tham gia phiên chợ ném cà chua để cầu may dịp đầu năm.

Mặc dù thời tiết năm nay lạnh giá, người dân vẫn nô nức đổ về phiên chợ để hòa mình vào không khí náo nhiệt. Những quả cà chua được bày bán nhiều nhất vì trở thành "vũ khí" chính trong cuộc "choảng nhau" cầu may. Bên cạnh đó, chợ còn bán nhiều mặt hàng truyền thống như bánh đa gấc, bánh cuốn, bánh đúc, rau quả, tạo nên khung cảnh mua bán tấp nập.

Cà chua là một trong những mặt hàng được bán nhiều tại phiên chợ.
Cà chua là một trong những mặt hàng được bán nhiều tại phiên chợ.
Phiên chợ tạo cơ hội cho người dân địa phương tăng thêm thu nhập từ việc buôn bán nông sản, đặc sản vùng miền và các sản phẩm thủ công, góp phần phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa truyền thống.
Phiên chợ tạo cơ hội cho người dân địa phương tăng thêm thu nhập từ việc buôn bán nông sản, đặc sản vùng miền và các sản phẩm thủ công, góp phần phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa truyền thống.

Theo truyền thuyết, chợ Chuộng xuất hiện từ thời khởi nghĩa Lam Sơn. Trong một lần bị giặc Minh truy đuổi đến ven bờ sông Hoàng, nghĩa quân Lam Sơn lâm vào tình thế nguy cấp. Người dân địa phương đã tổ chức họp chợ ngay tại bãi sông, cải trang binh sĩ thành dân thường, giấu vũ khí trong các gánh rau, quán hàng.

Đa số người tham gia phiên chợ ném nhau này là các bạn trẻ. 
Đa số người tham gia phiên chợ ném nhau này là các bạn trẻ. 

Khi quân giặc ập đến, thấy quang cảnh nhộn nhịp, chúng mất cảnh giác. Lợi dụng cơ hội này, nghĩa quân bất ngờ phát động phản công, đánh bại kẻ thù nhờ sự mưu trí và lòng dũng cảm. Để tri ân dân làng, nhà vua đã ban thưởng hậu hĩnh. Từ đó, người dân tổ chức phiên chợ Chuộng vào ngày mùng 6 Tết hàng năm như một cách tưởng nhớ sự kiện lịch sử, đồng thời mang ý nghĩa cầu may mắn, giải hạn đầu năm.

Dù bị ném cà chua vào người nhưng ai cũng vui vẻ.
Dù bị ném cà chua vào người nhưng ai cũng vui vẻ.

Trải qua nhiều thế kỷ, chợ Chuộng vẫn giữ được nét đặc sắc riêng, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân Thanh Hóa. Không chỉ là nơi giao thương, phiên chợ còn mang đậm tính chất tâm linh và cộng đồng, thu hút người dân địa phương cũng như du khách thập phương.

Lực lượng chức năng đảm bảo an ninh, trật tự khu vực tổ chức họp chợ.
Lực lượng chức năng đảm bảo an ninh, trật tự khu vực tổ chức họp chợ.

Dù mỗi năm chỉ họp một ngày duy nhất, chợ Chuộng vẫn là điểm đến không thể bỏ lỡ đối với những ai muốn tìm hiểu về phong tục độc đáo của xứ Thanh, nơi mà những trận "choảng nhau" lại mang đến niềm vui, tiếng cười và lời chúc may mắn đầu năm.

Ngoài cà chua, tại đây cũng bày bán nhiều món ăn truyền thống như bánh đa gấc, rau củ quả các loại.
Ngoài cà chua, tại đây cũng bày bán nhiều món ăn truyền thống như bánh đa gấc, rau củ quả các loại.
Sau những trận "choảng nhau", cà chua rơi rải rác khắp nơi.
Sau những trận "choảng nhau", cà chua rơi rải rác khắp nơi.