"Chợ cóc" lấn át chợ chính
Là một chợ truyền thống lâu đời, thế nhưng nhiều gian hàng của chợ Hạ Long 2 (phường Yết Kiêu, TP Hạ Long, Quảng Ninh) khá thưa khách. Một trong những nguyên nhân khiến chợ truyền thống rơi vào tình trạng ế ẩm, đìu hiu là sự “bành trướng” của chợ tự phát, "chợ cóc" trên phố Lê Lai ngay sát chợ Hạ Long 2 khiến các tiểu thương kinh doanh trong chợ truyền thống đứng ngồi không yên.
Theo ghi nhận của PV, vào giờ cao điểm, khác với cảnh nhộn nhịp kẻ đến người đi, lời mời chào của tiểu thương xen lẫn lời ngã giá của khách hàng tạo nên không gian chợ náo nhiệt thì nhiều gian hàng bán rau củ, thịt, cá, hải sản tại tầng 1 của chợ Hạ Long 2 lại khá thưa khách. Các tiểu thương tại khu chợ truyền thống Hạ Long 2 đều lắc đầu, thở dài.
Một số tiểu thương bán hàng tại chợ truyền thống Hạ Long 2 cho biết, "chợ cóc" hoạt động từ lâu, người bán ở đó không mất các khoản tiền phí, thuê chỗ ngồi nên giá bán một số mặt hàng rẻ hơn một chút. Vì vậy, khách đổ dồn về "chợ cóc" mua hàng không chỉ vì giá cả rẻ hơn mà còn do tiện ngay mặt đường, không phải mất tiền gửi xe như đi vào chợ Hạ Long 2.
Bà Trần Thị Nga – tiểu thương tại chợ Hạ Long 2 búc xúc chia sẻ: “Chúng tôi đóng thuế năm khoảng 5 triệu đồng/1 năm. Ngoài ra 1 tháng, chúng tôi phải mất thêm 300.000 tiền vệ sinh và tiền bảo vệ, 150.000 tiền điện đêm. Tiền điện, tiền nước dùng bao nhiêu thì đóng bấy nhiêu. Mặc dù chúng tôi đóng tiền đầy đủ, tuân thủ đúng như quy định hoạt động chợ nhưng hiện giờ, các tiểu thương buôn bán trong đây không khác gì tù nhân vì bị vây kín bởi chợ tự phát. Trong khi ngoài kia, chợ tự phát không phải đóng bất kì loại phí nào mà vẫn ngang nhiên được phép hoạt động. Trước thực trạng trên, chúng tôi đã nhiều lần có đơn kiến nghị lên chính quyền địa phương, thậm chí chúng tôi đã từng có đơn kiến nghị gửi đến UBND TP Hạ Long để yêu cầu giải quyết. Tuy nhiên, chủ tịch UBND TP có giải quyết được một thời gian xong đâu lại vào đấy. Bây giờ, chúng tôi chẳng biết phải kêu ai, đi kiện cũng đã kiện rồi cũng không được giải quyết”.
Chị Đào Thị Sáng bán rau trong chợ Hạ Long 2 đã được 8 năm cho biết, lâu nay buôn bán èo uột, người bán nhiều hơn người mua. Thường buổi sáng còn thi thoảng có khách ghé vào chợ mua mặt hàng ở "chợ cóc" không bán nhưng buổi chiều là vắng như chùa Bà Đanh.
“Có hôm tôi ngồi cả ngày lèo tèo vài khách đến hỏi, phải bán rẻ vì sợ ế, để lâu rau héo, hỏng lại vứt đi. Bà con bán hàng trong chợ rất bức xúc vì sao lại để tồn tại cái "chợ cóc" kia vừa xả rác ra nhếch nhác, mất trật tự đô thị lại không thu được tiền thuế”, chị Sáng bức xúc.
Buôn bán khó khăn, một số tiểu thương trong chợ Hạ Long 2 phải treo biển bán Kiốt, thậm chí, chọn phương án ra ngoài "chợ cóc" để bán hàng. Bà con tiểu thương nhiều lần than phiền, kiến nghị lên Ban quản lý chợ Hạ Long 2, UBND phường Yết Kiêu và TP Hạ Long về tình trạng "chợ cóc" kế bên hoạt động trái phép.
Khó xử lý dứt điểm
Vào những giờ cao điểm, con đường nơi họp chợ luôn chật cứng người và xe cộ. Người mua, kẻ bán chen chúc nhau, nhiều người dừng, đỗ xe máy bất cứ chỗ nào hay xếp hàng hai, hàng tư trên đường để ngồi chọn mua hàng gây ách tắc giao thông, nhếch nhác, mỹ quan đô thị. Do phố Lê Lai là đường cụt nên khách đi chợ đỗ luôn xe dưới lòng gây mất trật tự giao thông. Bên cạnh đó, hàng hóa tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, mọi khoảng trống được tận dụng triệt để.
Theo ông Nguyễn Khắc Tùng – Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư An Hưng Plaza, chợ Hạ Long 2 mà đơn vị này quản lý là chợ loại 1. Hiện, chợ có khoảng 900 tiểu thương đăng ký kinh doanh với 56 ngành hàng, tại tầng 1 chủ yếu là các gian hàng về thực phẩm.
Nói về tình trạng "chợ cóc" ngang nhiên hoạt động gây mất mỹ quan, trật tự đô thị và an toàn giao thông, ông Tùng cho biết, bên ban quản lý chợ có phối hợp với lực lượng trật tự đô thị phường Yết Kiêu giải toả lòng đường, vỉa hè và cũng đã phản ánh lên UBND TP Hạ Long trong cuộc họp giao ban.
“Mỗi đợt TP Hạ Long phát động chiến dịch giải toả lòng đường, vỉa hè, "chợ cóc" này ngừng hoạt động. Tuy nhiên, hết chiến dịch, chợ hoạt động trở lại, lúc đầu chỉ cầm chừng và ngày càng sôi động”, ông Tùng nói.
Trao đổi với PV Kinh tế & Đô thị, ông Lê Hoàng Hiệp – Phó Chủ tịch UBND phường Yết Kiêu cho biết, lực lượng trật tự đô thị của phường mỏng, thiếu phương tiện để tác nghiệp, hàng tháng có chiến dịch giải toả "chợ cóc" được vài lần nhưng không xử lý được dứt điểm.
Việc thu giữ hàng hoá và xử phạt những người buôn bán vi phạm cũng gặp khó khăn vì giá trị hàng hoá thấp hơn số tiền nộp phạt nên chẳng ai đến nộp phạt để lấy hàng về. Vì vậy, lực lượng chuyên trách của phường vẫn chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, nhắc nhở.
Mặc dù, lực lượng trật tự đô thị phường Yết Kiêu cắm chốt trực ngay đầu chợ phải phát loa thông báo và đi nhắc nhở giải phóng lòng đường. Tuy nhiên, khi lực lượng này rời đi thì tình trạng họp "chợ cóc", đỗ xe dưới lòng đường đi mua hàng lại tái diễn.