70 năm giải phóng Thủ đô

Chợ “cóc”, chợ tạm hoạt động: Nguy cơ bùng phát và lây lan dịch bệnh

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Mặc dù Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội, tuy nhiên, tại một số địa bàn vẫn xảy ra tình trạng chợ “cóc”, chợ tạm ngang nhiên hoạt động. Việc người dân không tuân thủ các biện pháp phòng dịch, tập trung đông người, không giữ khoảng cách an toàn tại những địa điểm này còn dẫn đến nguy cơ bùng phát và lây lan dịch bệnh Covid-19.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, TP Hà Nội đã yêu cầu chính quyền các quận, huyện khẩn trương rà soát, xử lý nghiêm tình trạng chợ “cóc”, chợ tạm. Trong thời gian thực hiện , việc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 tại nhiều địa bàn đã triển khai thực hiện nghiêm túc, song ở một số nơi còn có hiện tượng lơ là.

Chợ cóc ở xã Minh Cường (huyện Thường Tín) hoạt động sáng 12/8 tại thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp

Mặc dù trên địa bàn huyện Thường Tín có nhiều ổ dịch Covid-19, tuy nhiên, thời gian qua, tại nhiều khu vực vẫn tồn tại các chợ “cóc”. Tại khu vực đường Quốc lộ 1A đoạn qua xã Văn Tự (huyện Thường Tín), hàng trăm tiểu thương cùng người mua hàng ở tại chợ “cóc” nằm trên hành lang giao thông đường Quốc lộ 1A, liền kề với chợ Nguộn thuộc thôn Nguyên Hanh. Khu vực chợ “cóc” này bán đủ các loại mặt hàng rau, củ, quả, thịt cá Những ngày gần đây, nhiều người Hà Nội đi chợ “cóc” từ 4-5h sáng để tránh tụ tập đông người, đồng thời không bị quản lý chặt bởi lực lượng kiểm soát ở các chốt kiểm dịch. gây mất an toàn giao thông và đặc biệt, vi phạm các công điện, chỉ thị của UBND TP khi đang thực hiện giãn cách xã hội.

Cách chợ “cóc” xã Văn Tự hơn 2km là chợ “cóc” nằm ven chợ Nghệ (xã Minh Cường, huyện Thường Tín) cũng trong cảnh tương tự, bởi các tiểu thương đều bám theo hành lang đường Quốc lộ 1A buôn bán đủ các loại hàng rau, củ, quả, thịt cá. Chợ “cóc” bám đường giao thông là chuyện không lạ, nhưng cả hai chợ “cóc” này tồn tại vào thời điểm giãn cách xã hội khi trên địa bàn huyện Thường Tín có tới 9 ổ dịch Covid-19 mới thực sự là điều nguy hiểm.

Đáng chú ý, nhiều người Hà Nội đi chợ “cóc” từ 4-5 giờ sáng để tránh tụ tập đông người; đồng thời không bị quản lý chặt bởi lực lượng kiểm soát ở các chốt kiểm dịch, như tại khu vực phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng); khu vực chợ Phùng Khoang; ngõ 402 đường Mỹ Đình... Thời gian qua, chợ Phùng Khoang tạm thời đóng cửa do có F0, tuy nhiên, nhiều tiểu thương đã bày bán rau, củ, quả ngoài khu vực chợ vào đêm và sáng sớm tại mặt đường Nguyễn Trãi. Nhiều người dân cũng như các tiểu thương không đảm bảo giãn cách theo đúng quy định.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Đặng Đình Ngọc (Văn phòng Luật sư Kết Nối, Hà Nội) cho rằng, Hà Nội đang thực hiện giãn cách để phòng chống dịch bệnh Covid 19. Theo đó, người dân phải thực hiện nghiêm quy tắc 5K, không tụ tập quá 5 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh chỉ được bán các mặt hàng thiết yếu, bố trí khoảng cách các quầy hàng hợp lý đảm bảo việc giãn cách… Tuy nhiên, tại một số địa điểm trong TP, vẫn xuất hiện tình trạng người dân tập trung đông người thực hiện việc mua bán hàng hóa, chủ yếu là lương thực, thực phẩm, nhất là tại các vị trí như ven đường giao thông, trên vỉa hè hoặc thậm chí là dưới lòng đường.

Nhiều người Hà Nội đi chợ “cóc” từ 4-5 giờ sáng để tránh tụ tập đông người; đồng thời không bị quản lý chặt bởi lực lượng kiểm soát ở các chốt kiểm dịch. Ảnh: Zing

Đây là những khu chợ “cóc”, chợ tạm, là những địa điểm kinh doanh tự phát mà người dân tự lập ra và mang hàng hóa đến đó buôn bán, không theo bất cứ một quyết định thành lập nào của cơ quan tổ chức có thẩm quyền. Sự tồn tại của những chợ “cóc” như thế này lâu nay đã làm mất mỹ quan đô thị, cản trở giao thông và tiềm ẩn nguy cơ về an toàn thực phẩm. Hơn nữa, hiện nay trong tình hình dịch bệnh, việc người dân không tuân thủ các biện pháp phòng dịch của cơ quan nhà nước, tập trung đông người, không giữ khoảng cách an toàn tại những địa điểm này còn dẫn đến nguy cơ bùng phát và lây lan dịch bệnh Covid-19.

Những chợ “cóc” chợ tạm nói trên không được coi là chợ đúng nghĩa vì nó không nằm trên quy hoạch cũng như không được cơ quan tổ chức nào thành lập và cũng không ai cho phép người dân đến đó buôn bán. Do vậy, TP Hà Nội cho phép chợ dân sinh hoạt động để kinh doanh hàng hóa thiết yếu cũng không phải nói đến các khu “chợ” này. Việc tập trung buôn bán ở các chợ “cóc”, chợ tạm là hành vi tập trung đông người vi phạm biện pháp giãn cách xã hội trong phòng, chống dịch bệnh. Những người buôn bán tại đó còn tìm cách “né” lực lượng chức năng kiểm tra bằng cách hoạt động vào sáng sớm.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho hay, căn cứ quy định pháp luật, những người có hành vi tập trung quá 5 người khi không được phép, không đeo khẩu trang tại nơi công cộng, không giữ khoảng cách tối thiểu 2m có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1 - 3 triệu đồng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Người nào mắc bệnh mà vẫn đến những khu chợ “cóc”, chợ tạm làm lây lan dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015. Hình phạt cao nhất cho người phạm tội này là phạt tù 12 năm.

Bên cạnh đó, việc để xảy ra tình trạng “họp chợ” trái phép như trên một phần do cơ quan nhà nước mà trực tiếp là chính quyền phường, xã chưa quản lý chặt chẽ. Thông thường, việc tập trung buôn bán này diễn ra ở những nơi đông người qua lại, ven các phố mà chính quyền lại không chấn chỉnh kịp thời cho thấy sự thiếu sát sao, nắm tình hình chưa tốt; cán bộ cơ sở vẫn chưa quyết liệt trong việc phát hiện xử lý vi phạm. Các tổ trưởng tổ dân phố, tổ tự quản tại những nơi để xảy ra tình trạng họp chợ trái phép như trên cũng cần xem lại trách nhiệm của mình.