Cuộc di cư của những gánh hàng rong Nằm sát khuôn viên chợ Ngã Tư Sở kéo dài đến cây xăng số 111 đường Láng, chợ cóc này nhộn nhịp từ đêm đến sáng. Có mặt tại đây vào buổi sáng sớm, phóng viên chứng kiến cảnh bày bán với đủ loại mặt hàng từ thịt cá, gia cầm, rau quả… người mua kẻ bán nhộn nhịp kín cả hai bên vỉa hè, lòng đường mới thấy được sự lộn xộn, nhếch nhác.
Phế phẩm gia cầm, cá sau khi giết mổ vứt bỏ tràn lan trên vỉa hè hoặc miệng cống sát lề đường, ruồi nhặng bu bám. Nước thải từ việc giết mổ lênh láng trên nền gạch, bê tông bốc mùi hôi tanh. Rác rưởi từ hàng rau, hàng hoa chất đống bên lề đường. Khi thấy lực lượng chức năng đến dẹp đuổi, những người bán hàng nhốn nháo bê thúng, mẹt hoặc cho hàng lên xe máy, xe thồ chạy toán loạn như ong vỡ tổ. Khi lực lượng làm nhiệm vụ rút đi là ngay lập tức hàng hóa lại được bày kín vỉa hè, lòng đường. Theo người dân sống tại phố Cầu Mới, việc hình thành chợ cóc này là do việc “di cư” của những người buôn bán tại chợ rau đêm Ngã Tư Sở trên đường Nguyễn Trãi. Sau khi cầu vượt Ngã Tư Sở được xây dựng, để đảm bảo giao thông, chợ rau đêm này bị dẹp gọn. Theo đó, những người buôn bán dịch dần vào phố Cầu Mới, có người thì thuê những hộ dân nhà mặt phố để kinh doanh, có người rong ruổi gặp chỗ trống nào thì bày bán. Năm 2010, sau khi có chủ trương phá chợ Ngã Tư Sở để xây trung tâm thương mại, chủ đầu tư đã lập chợ tạm tại khu vực phố Cầu Mới để bố trí cho các tiểu thương di dời ra đó. Tuy nhiên, sau thời gian bỏ hoang do tiểu thương không đồng thuận việc di dời, chợ tạm đã được phá dỡ để phục vụ dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông. Cũng từ đó, chợ cóc này đã phình to, lan rộng trên hầu khắp tuyến phố Cầu Mới và nhộn nhịp hơn nhiều so với chợ chính Ngã Tư Sở ngay sát cạnh. Xử lý như “đá ném ao bèo” Liên quan đến tình trạng này, ông Hoàng Mạnh Dũng – Phó Chủ tịch phường Ngã Tư Sở cho biết, chính quyền phường đã nhiều lần ra quân giải tỏa nhưng việc làm này chỉ giống như “đá ném ao bèo” do nhu cầu mua bán của người dân trên địa bàn đối với chợ dân sinh trong khu vực vẫn rất lớn, trong khi đó chợ Ngã Tư Sở ngày càng xuống cấp, thu hẹp không thu hút được bà con tiểu thương vào buôn bán. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Mạnh Dũng, phường đã xây dựng kế hoạch cụ thể với quyết tâm đến cuối 2016 sẽ xử lý triệt để điểm chợ cóc này. Cụ thể, ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền, phường sẽ bố trí 4 điểm chốt giải tỏa việc họp chợ với sự tham gia của các lực lượng như công an phường, tự quản, bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ, đoàn thanh niên. Đồng thời, UBND phường sẽ phối hợp với Ban quản lý chợ Ngã Tư Sở, các ban ngành kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, tái lấn chiếm vỉa hè lòng đường để kinh doanh buôn bán. Thực tế cho thấy, để xử lý tình trạng họp chợ tràn lan gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị là việc mà các địa phương nói chung và phường Ngã Tư Sở nói riêng vẫn thường xuyên thực hiện. Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là nhiều điểm chợ cóc dù đã bị xóa, các hộ kinh doanh ký cam kết không tái diễn vi phạm, nhưng khi lực lượng chức năng rút đi, chợ cóc lại mọc lên. Do đó, có thể khẳng định việc kiểm tra, xử lý vi phạm chỉ là biện pháp cắt ngọn, chứ không phải là biện pháp giải quyết tận gốc tình trạng này. Điều quan trọng nhất, chính quyền các địa phương phải khẩn trương tổ chức quy hoạch lại chợ, nâng cấp, sửa chữa những chợ đã và đang xuống cấp để đáp ứng nhu cầu của tiểu thương, của người dân.
Người bán, kẻ mua nhộn nhịp ngay tại lòng đường, vỉa hè phố Cầu Mới. |