Trong quá khứ, để xử lý vấn nạn này đã có rất nhiều đợt ra quân tốn công, tốn của được thực hiện nhưng không đem lại hiệu quả. Và sau mỗi đợt ra quân, "chợ cóc”, chợ tạm dường như lại được bổ sung thêm một loại vaccine để thích nghi với cơn “bạo bệnh”.
Mèo vẫn hoàn mèo
"Chợ cóc” là khẩu ngữ để từ ám chỉ những chợ nhỏ, chợ tạm, thường họp một cách tự phát trong thời gian ngắn, không cố định ở một chỗ. Tuy nhiên, cùng với thời gian, dưới tác động của tốc độ đô thị hóa, định nghĩa này đã phần nào bị thay đổi. Hiện, "chợ cóc” đã tồn tại và phát triển với quy mô lớn, kéo dài từ sáng đến chiều, len lỏi khắp phố phường. Theo ghi nhận của phóng viên, sau gần một tháng cao điểm ra quân xử lý vi phạm trật tự đô thị, bộ mặt đô thị đã có những chuyển biến tích cực, nhưng việc xử lý triệt để chợ tạm, "chợ cóc” và những hệ lụy phát sinh vẫn chưa có nhiều chuyển biến như mong đợi.
Tại khu vực chợ “cóc” trên phố Cầu Mới, Vĩnh Hồ (phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa), hàng quán vẫn thản nhiên lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, gây cản trở giao thông. Chưa hết, trong quá trình mua bán, các phế phẩm từ việc giết mổ cá, gia cầm được người bán vứt bỏ bừa bãi ngay trên vỉa hè hoặc sát lề đường khiến khu vực này chở nên nhếch nhác và mất vệ sinh. Không những thế, nước thải từ việc giết mổ cũng được người bán đổ ngay tại đây khiến đoạn đường này bốc mùi hôi tanh. Thậm chí, rác thải từ hàng rau, hàng hoa chất đống cũng được vô tư chất bên lề đường. Tương tự, tại khu vực chợ “cóc” tại ngõ 66 Kim Giang (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai), hàng quán, lều lán vẫn thản nhiên án ngữ phần lớn diện tích ngõ, khiến khu vực này thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, mất VSMT.
Tiểu thương “chi bạo” để đối phó công an
Tại "chợ cóc” trên phố Cầu Mới, Vĩnh Hồ (quận Đống Đa), ngõ 143 Quan Hoa (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy), ngõ 66 Kim Giang (quận Hoàng Mai… trong đợt cao điểm ra quân lập lại trật tự đô thị, tiểu thương thay vì bày bán hàng hóa tràn lan ra vỉa hè để quảng cáo như trước, đã chia các loại hàng hóa vào từng túi nilon cỡ lớn và chỉ bày tượng trưng vài mặt hàng ra vỉa hè. “Rau thơm trong một túi, củ quả trong một túi, các loại rau để trong một túi… Ai cần gì thì lấy ra, chứ bày hết ra như cũ, lúc công an đuổi thì sao chạy kịp”, một người bán rau thâm niên gần chục năm ở chợ Vĩnh Hồ chia sẻ. Theo ghi nhận, để thuận tiện cho việc di chuyển, thay vì dùng bàn như trước, nhiều cửa hàng bán thịt lợn, thịt gia cầm cũng đã chuyển sang dùng… mẹt. Tương tự, tại "chợ cóc” trên phố Cầu Mới, hàng hóa các loại, dụng cụ hành nghề như dao, thớt, xô, chậu… cũng được các tiểu thương chất đống lên xe máy, xe đạp… Chỉ cần thấy bóng dáng của các lực lượng chức năng, "chợ cóc” sẽ ngay lập tức "nhảy" đi chỗ khác. Và ngay khi các lực lượng chức năng rút đi, những vi phạm này lại tiếp tục tái diễn.
Tuy nhiên, “đỉnh cao” trong việc đối phó với lực lượng chức năng có lẽ phải kể đến các tiểu thương đang kinh doanh buôn bán trên phố Phan Văn Trường (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) - nơi được ví là “thiên đường” mua sắm của học sinh, sinh viên, người lao động nghèo. Để bù đắp lại khoảng diện tích lấn chiếm lòng đường, vỉa hè đã bị giải tỏa, nhiều hộ kinh doanh thay vì bày cả đôi giày, dép thì nay chỉ bày… một chiếc để khách thử, nếu ưng mới mang chiếc còn lại ra. Chưa hết, theo tìm hiểu của phóng viên, để đối phó trước những đợt kiểm tra, các tiểu thương còn góp tiền thuê người theo dõi lực lượng chức năng từ sáng đến tối (!?).
Khẩn trương quy hoạch lại chợ
Liên quan đến tình trạng các hộ kinh doanh tìm mọi cách để chống đối, qua mặt các lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương khẳng định, ngoài việc tuyên truyền nhắc nhở, kiểm tra xử lý vi phạm để người dân hiểu tự giác thay đổi thói quen, lực lượng chức năng sẽ bố trí lực lượng chốt trực tại chỗ để kịp thời xử lý những trường hợp cố tình vi phạm. Tuy nhiên, lãnh đạo các địa phương khẳng định, để xử lý dứt điểm tình trạng này, điều quan trọng nhất là phải tổ chức quy hoạch, sắp xếp lại chợ tạm để phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân. Ông Hoàng Mạnh Dũng - Phó Chủ tịch UBND phường Ngã Tư Sở nêu vấn đề, nhu cầu mua bán của người dân trên địa bàn đối với chợ dân sinh trong khu vực vẫn rất lớn. Trong khi đó, chợ Ngã Tư Sở ngày càng xuống cấp và thu hẹp nên không thu hút được bà con tiểu thương vào buôn bán. Do đó, tình trạng dẹp chỗ này phình chỗ khác, tranh thủ sự vắng mặt của các lực lượng chức năng để vi phạm vẫn diễn ra khá phổ biến. Vì vậy, ngoài việc tăng cường kiểm tra thì việc sắp xếp, quy hoạch chợ, cải tạo những chợ hiện có là việc làm hết sức cần thiết để tạo hiệu quả lâu dài, bền vững.
Liên quan đến vấn đề sắp xếp chợ, ông Nguyễn Chu Hùng - Phó Chủ tịch UBND phường Kim Giang (quận Thanh Xuân) cho biết, hiện tại chợ tạm ngõ 64 Kim Giang (phường Kim Giang) có khoảng 19 hộ đang buôn bán, phường đã đối thoại chủ trương với các hộ, vận động, đưa các hộ vào chợ Kim Giang của quận quản lý, đảm bảo cho công tác phòng cháy chữa cháy. Ban đầu, các hộ cũng ý kiến về mục đích chính quyền giải tỏa chợ tạm ở ngõ 64 Kim Giang; phường đã giải thích mục đích giải tỏa nhằm thực hiện chủ trương của TP và đã được người dân đồng thuận. Tuy nhiên, lãnh đạo phường Kim Giang cũng nêu vấn đề, chợ tạm ngõ 64 Kim Giang (phường Kim Giang) giáp ranh với ngõ 66 Kim Giang có khu vực chợ tạm của phường Đại Kim (quận Hoàng Mai). Do đó, để tạo sự thống nhất, tránh sự so bì thì rất cần sự phối hợp của chính quyền 2 phường để tránh tình trạng phường này ra quân giải tỏa, các hộ kinh doanh lại “né” sang địa bàn phường khác.
Trong khi đó, theo Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu, đòi lại vỉa hè, giải tỏa chợ tạm, chợ “cóc” thì dễ, nhưng duy trì được kết quả đã đạt được mới khó. Muốn cuộc chiến này thực sự có hồi kết, phải giải quyết vấn đề từ gốc rễ. Một trong những vấn đề đó là việc hiện nay, một số lượng lớn người dân đang bám vào vỉa hè để sinh sống. Vì thế, nhằm tạo điều kiện cho các hộ bán hàng trên các tuyến đường sau khi giải tỏa theo kế hoạch, chính quyền các địa phương nên kiên định thực hiện chủ trương sắp xếp, quy hoạch lại chợ.
Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu: Giúp người dân có địa điểm kinh doanh ổn định, lâu dài Để người dân có địa điểm kinh doanh ổn định, lâu dài, UBND quận Thanh Xuân đang đưa ra giải pháp các hộ dân trên địa bàn của các phường có nhu cầu thuê địa điểm kinh doanh trong chợ liên hệ trực tiếp với Ban quản lý chợ của phường đó để được hướng dẫn thủ tục thuê. Và sau khi ký hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh trong chợ, UBND quận sẽ xem xét miễn tiền thuê địa điểm, trợ giúp trong những tháng đầu. Ví dụ, tại chợ phường Thanh Xuân Bắc, phần chợ chính nhà mái tôn chia làm 4 dãy với 225 quầy và 22 chỗ ngồi tạm, mỗi quầy có diện tích từ 3 - 4m2, hiện tại có 195 quầy đang kinh doanh, còn lại 29 quầy chưa có người thuê. Đối với các hộ có đơn xin thuê địa điểm kinh doanh, nếu đúng ngành hàng còn ô quầy thì sắp xếp theo ngành hàng. Đối với các hộ hàng rong sắp xếp xuống sân dưới của chợ Thanh Xuân Bắc; các hộ hàng rau thuộc chỗ ngồi tạm nhà mái tôn chỉ kinh doanh buổi sáng nên buổi chiều có thể sắp xếp được từ 20 - 25 hộ hàng rong. Đối với các ngành hàng công nghệ phẩm, sẽ sắp xếp vào tầng 1 của trung tâm dịch vụ thương nghiệp. Sau khi các hộ ký hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh trong chợ sẽ được Ban quản lý chợ miễn tiền thuê địa điểm trong 3 tháng đầu. Hiện nay, số chợ “cóc” còn tồn tại trên địa bàn sau đợt ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ là 6 điểm. Nguyên nhân là do đặc điểm trên địa bàn quận có nhiều đường ngõ, nhiều khu nhà tập thể, các khu vực "chợ cóc” hoạt động thường không có thời gian cố định nên sau khi UBND phường, công an các phường đã tổ chức kiểm tra giải quyết thì một số khu vực vẫn tái diễn vi phạm. Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Trịnh Hữu Tuấn |