Chớ coi thường chấn thương lệ đạo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chấn thương lệ đạo không hiếm gặp. Gần như ngày nào cũng có người bị tai nạn đứt lệ đạo đơn thuần hoặc phối hợp với các tổn thương khác đến cấp cứu tại Bệnh viện Mắt T.Ư.

Chủ yếu do tai nạn lao động

Chấn thương lệ đạo đa phần gặp ở nam giới, tuổi thanh niên hoặc trung niên. Các nguyên nhân rất đa dạng, trong đó tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt (chiếm 70%), TNGT (25%), ngoài ra còn gặp tai nạn do hỏa khí (5%). Chấn thương mi hay đi kèm với chấn thương lệ đạo nhất, bởi mi mắt như một “người lính gác cổng” cho cơ quan thị giác, mọi tác nhân sang chấn hay gây bệnh đều đi qua mi rồi mới xâm nhập được vào nhãn cầu. Rất nhiều trường hợp may mắn nhờ có mi và động tác nhắm mi mà con mắt được bảo toàn, cũng có những trường hợp cả mi và nhãn cầu đều tổn hại do tác nhân sang chấn quá mạnh. Nhẹ thì mi cũng sây sát bầm máu, nặng hơn thì bị rách. Chấn thương nhổ mi mắt ra khỏi chỗ bám của nó rất hay kèm theo đứt lệ quản, thường gặp trong những chấn thương mi nặng do trâu húc, chó cắn...
Khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Mắt Hà Nội. 	Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Mắt Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Chấn thương lệ đạo tùy theo dạng đơn thuần hay phối hợp sẽ có các triệu chứng: Chảy máu (các vết thương mắt sẽ chảy máu khá nhiều do tính chất mạch nuôi, vòng nối tuần hoàn phong phú); biến dạng (tùy tác nhân sang chấn, độ trầm trọng của chấn thương có thể làm giảm hay mất khả năng dẫn lưu nước mắt, triệu chứng sẽ là chảy nước mắt; gây phòi cơ, mỡ trong hốc mắt ra ngoài, di lệch xương hốc mắt làm mất cân đối vùng mặt). Cảm giác của bệnh nhân có thể là tê bì, dị cảm vùng quanh mắt tổn thương, song thị do kẹt cơ vận nhãn vào vùng vỡ của hốc mắt, mắt bị lồi ra hay thụt vào so với mắt bên kia. Nếu có chấn thương nhãn cầu phối hợp thì càng nặng hơn, làm mắt mờ, chảy máu nhiều, nhiều biến chứng và di chứng hơn, tỷ lệ mù lòa cũng cao tương ứng. Bệnh nhân bị đa chấn thương, chấn thương sọ - mặt đi kèm không phải là hiếm. Trong hoàn cảnh đó sẽ có các dấu hiệu đe dọa tính mạng, hôn mê, sốc... Vỡ xương chính mũi làm chảy máu mũi ồ ạt thường kèm theo vỡ ngách lệ mũi, gây di chứng tắc lệ đạo đoạn trong xương mũi...

Biến chứng nguy hiểm

Chấn thương vào phần nào của phần phụ nhãn cầu cũng có những hậu quả, biến chứng và di chứng. Mi mắt có chức năng che chắn, bảo vệ nhãn cầu, giàn nước mắt trên bề mặt nhãn cầu, thẩm mỹ... do đó tổn thương mi có thể gây sẹo xấu, hở mi, hếch mi ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Nhãn cầu không được mi che chắn có thể bị khô, loét, viêm nhiễm... gây mù lòa về sau.

Hệ thống dẫn nước mắt nếu bị cắt đứt sẽ gây chảy nước mắt kéo dài, phiền toái cho bệnh nhân, xấu về thẩm mỹ. Đã đành thừa nước mắt còn hơn là thiếu nước mắt, nhưng chảy nước mắt liên tục làm bệnh nhân rất ngại ra chỗ đông người, việc chấm chùi liên tục có thể làm viêm da mi, lật mi. Biến loạn của phim nước mắt do lệ đạo bị nghẽn tắc cũng làm thay đổi khúc xạ giác mạc, gây ảnh hưởng đến thị giác ban đêm, điều khiển phương tiện giao thông khó khăn.

Nếu hốc mắt bị gãy, vỡ, lún gây biến dạng trầm trọng cho vẻ cân đối của khuôn mặt; gây kẹt thần kinh, cơ, mạch máu vào chỗ vỡ... ảnh hưởng đến chức năng mắt. Nhẹ thì mắt có thể bị lác hay nhìn đôi (song thị), mắt có thể bị lún vào sâu hay lồi ra, có thể vỡ kẹt vào vị trí nứt xương... rất nguy hiểm cho nhãn cầu. Đáng sợ nhất là mù lòa do tổn hại thần kinh mắt đoạn sau nhãn cầu. Chấn thương phần phụ nhãn cầu nếu kèm theo vỡ nhãn cầu hay dị vật... thì các tổn thương càng nghiêm trọng hơn, xử lý phức tạp hơn, khả năng mù lòa cũng cao hơn.

Các chấn thương lệ đạo thường gây chảy máu nhiều nên việc băng bó, sơ cứu hay khâu cầm máu khá quan trọng, tránh để sốc do mất máu. Hạn chế chấn thương lệ đạo hay bất cứ loại chấn thương gì cũng cần nói ngay đến ý thức tự đề phòng tai nạn của mọi người. Phải trang bị các phương tiện bảo hộ lao động như mũ bảo hiểm, kính bảo hộ, hệ thống che chắn của máy móc. Việc đeo kính bảo hộ khi lao động, kính trắng khi đi đường hạn chế tai nạn hay giảm bớt tính nghiêm trọng của tai nạn khá nhiều.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần