Cho con học ngoại ngữ đâu phải chỉ để thi?

Thành Thực
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần đây, dư luận rất hoan nghênh khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 chỉ với 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc là ngữ văn và toán.

Tuy nhiên, dư luận cũng băn khoăn về việc tại sao không bắt buộc thi ngoại ngữ? Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ, học sinh sẽ không còn động lực và hứng thú với việc học môn này.

Đặc biệt, cũng vì không phải thi môn ngoại ngữ, học sinh vùng sâu, vùng xa có thể buông môn học này và dẫn đến khoảng cách trình độ tiếng Anh giữa các vùng miền đã rộng sẽ còn bị nới rộng hơn.

Giải thích về vấn đề này, một lãnh đạo Bộ GD&ĐT trả lời báo chí cho rằng, tuy ngoại ngữ không phải là môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc, nhưng các em vẫn phải học trong suốt thời gian từ lớp 3 cho đến lớp 12. Thêm nữa, lên bậc cao đẳng, đại học, ngoại ngữ là môn bắt buộc chuẩn đầu ra.

Vị lãnh đạo nói trên còn cho biết, học ngoại ngữ phải có bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Kỳ thi tốt nghiệp THPT vì thi trên giấy nên chỉ kiểm tra được kỹ năng đọc, nên kết quả phiến diện…

Chúng tôi nhận thấy, việc thi hay không thi ngoại ngữ trong kỳ thi THPT hiện nay là có kết quả như nhau, nhưng không thi sẽ giảm áp lực cho học sinh, nhất là những em học môn này. Hơn nữa, điều quan trọng là học ngoại ngữ không để đi thi lấy điểm số.

Mới đây, trên trang cá nhân, Hoàng Ngọc Quỳnh, giảng viên chuyên ngành Marketing của Đại học Lancaster, Vương quốc Anh, chia sẻ với các bạn trẻ rằng: giỏi cả bốn kỹ năng tiếng Anh không phải để thi IETS hay TOEIC lấy điểm cao. Giỏi tiếng Anh là để tạo cho mình những cơ hội mà bạn không thể có nếu tiếng Anh kém. Các cơ hội đó là: có việc làm tốt hơn; khám phá thế giới rộng lớn; tiếp xúc được với nhiều nền văn hóa khác nhau; kết bạn với nhiều người ở nhiều quốc gia; mở mang tri thức từ kho tàng tri thức của nhân loại…

Chừng đó lý do đã đủ cho các học sinh cố gắng học ngoại ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng hay chưa? Với rất nhiều em, trong độ tuổi học phổ thông, với nhiều lý do, chưa thể học giỏi tiếng Anh. Nhưng các em có thể học ở một thời điểm nào đó trong đời nếu thấy cần thiết. Những em còn lại, học tiếng Anh dù không phải thi cử nhưng cũng nên cố gắng học, để tạo thêm nhiều cơ hội cho mình trong cuộc sống.

Như vậy, bỏ thi ngoại ngữ, theo chúng tôi, không làm mất động lực học môn này ở học sinh. Với bất kỳ môn học nào cũng vậy, động lực học không phải và không nên là thi cử, điểm số.

Vấn đề cuối cùng là, trong việc dạy - học ngoại ngữ, cần hướng vào thực chất. Chất lượng dạy - học nên bảo đảm, không hình thức chạy theo điểm số, tránh việc học sinh học cả 10 năm học (từ lớp 3 đến lớp 12) nhưng đại đa số chỉ biết vài từ, vài câu lõm bõm (dù điểm thi vẫn đạt trung bình trở lên).

Điều dễ nhận thấy, tại các TP lớn, rất nhiều trung tâm dạy ngoại ngữ được mở và đang ăn nên làm ra chính là bù lấp khoảng trống dạy - học ngoại ngữ trong trường phổ thông. Đây cũng chính là điều ngành GD&ĐT cần nghĩ đến và nhìn vào thực chất của vấn đề.