Chờ đến bao giờ?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước xây dựng và thực hiện Chương trình phát triển nhà ở để giải quyết nhu cầu cho các đối tượng dân cư trên địa bàn, trong đó có nhà ở dành cho người có thu nhập thấp (TNT).

Khu nhà thu nhập thấp Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Khu nhà thu nhập thấp Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Việc triển khai xây dựng mô hình này là việc làm có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị, xã hội, đòi hỏi sự quan tâm của các nhà quản lý. Tuy nhiên, dù đã bàn giao nhà nhiều năm, nhưng đến nay chưa có dự án nào được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (sổ đỏ).

Quyền lợi của người dân bỏ ngỏ

Khu nhà CT1 Ngô Thì Nhậm (quận Hà Đông) là dự án nhà TNT triển khai đầu tiên tại Hà Nội và bàn giao sớm nhất trên cả nước. Đặc biệt, dự án mở bán với giá hơn 8 triệu đồng/m2 vào thời điểm thị trường BĐS còn sôi động, đã thu hút được sự quan tâm của những người TNT có nhu cầu ở thực. Toàn bộ 328 căn hộ của dự án được đưa vào sử dụng từ tháng 4/2011, đến nay vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Các dự án nhà TNT Đặng Xá I, Đặng Xá II (huyện Gia Lâm), Kiến Hưng (quận Hà Đông), Sài Đồng (quận Long Biên), Đại Mỗ và Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) cũng trong hoàn cảnh tương tự.

Nếu như những hộ dân mua nhà TNT Đặng Xá II (huyện Gia Lâm) và Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) cảm thấy phấn khởi khi được vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi 5 – 6% của gói 30.000 tỷ đồng, được giảm thuế VAT xuống còn 5% thì những hộ dân mua nhà TNT các dự án đầu tiên lại cảm thấy ngậm ngùi. Các dự án nhà CT1 Ngô Thì Nhậm, Đặng Xá I, Kiến Hưng, Sài Đồng, Đại Mỗ mở bán khi những chính sách ưu đãi dành cho người có TNT… chưa ra đời. Chính vì vậy, các hộ dân lại càng mong có sổ đỏ để giải quyết những khó khăn về tài chính.

 Chuyển về nhà TNT Đại Mỗ từ tháng 1/2013, anh Nguyễn Thanh Tâm, một cư dân sống ở đây cho biết, các căn hộ tại dự án Đại Mỗ vẫn chưa được cấp sổ đỏ. “Khi mua nhà, vợ chồng tôi chỉ có 200 triệu đồng, trong khi căn hộ có giá hơn 900 triệu đồng. Thời điểm mua nhà, đóng tiền vào tháng 12/2011, đúng vào giai đoạn các ngân hàng siết chặt vay vốn, chúng tôi phải vay bên ngoài với lãi suất lên tới 23 – 25%; còn lãi suất hiện tại 15 – 17%. Đến thời điểm này, khoản nợ mua nhà vẫn còn hơn 500 triệu đồng, trong khi hai vợ chồng làm công ăn lương, phải dồn mọi nguồn thu để trả lãi 6 triệu đồng/tháng, phải nuôi 2 con nhỏ. Giá như căn hộ tôi mua được cấp sổ đỏ, được ngân hàng tạo điều kiện vay vốn, lãi suất cũng sẽ bớt đi phần nào” - anh Tâm chia sẻ.

Tại một dự án nhà TNT khác, có vợ chồng rơi vào bế tắc vì nợ nần. Để mua được căn hộ hơn 50m2, hai vợ chồng phải dồn hết lực của cả hai bên nội ngoại, anh em, bạn bè. Bỗng nhiên một ngày, người vợ phát hiện chồng có khoản nợ… trên trời rơi xuống, vì kinh doanh, làm ăn thua lỗ. Khoản nợ hơn 200 triệu đồng, nhưng tất cả các ngân hàng đều từ chối cho vay vì không có tài sản thế chấp, trong khi căn hộ đang ở chưa được cấp sổ đỏ. Mọi cánh cửa đều đóng lại. Không thể chịu được lãi suất chợ đen, hai vợ chồng phải thế chấp chính căn hộ TNT theo giá “lúa non” để trả nợ, chờ đến thời điểm được phép chuyển nhượng mới sang tên.

Kẻ cười, người khóc

Lãnh đạo Sở TN&MT khẳng định, chỉ cần người mua nhà TNT nhận được biên bản bàn giao nhà từ chủ đầu tư là có thể được làm thủ tục cấp sổ đỏ. Thậm chí, người mua nhà có thể rút hồ sơ từ chủ đầu tư để tự làm sổ đỏ. Thế nhưng, tại các dự án nhà TNT, mọi việc không đơn giản như vậy.

Hàng ngàn căn hộ tại các dự án nhà TNT bàn giao cho khách hàng đã lâu, nhưng mới chỉ có dự án CT1 Ngô Thì Nhậm có giá chính thức, đã quyết toán xong với các sở, ngành. “Dự án đã xong các thủ tục, nhưng vẫn đang chờ ý kiến từ Sở TN&MT. Tới đây, chúng tôi sẽ tiến hành thủ tục cấp sổ đỏ cho các hộ dân” - ông Nguyễn Văn Đa - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai - chủ đầu tư dự án CT1 Ngô Thì Nhậm thông tin. Trong khi đó, cùng chủ đầu tư Vinaconex Xuân Mai, dự án nhà TNT Kiến Hưng vẫn đang giá tạm tính, chưa quyết toán xong, dù các căn hộ đưa vào sử dụng gần 3 năm.

Tại dự án Đặng Xá I, các hộ dân ở đây cho biết, chủ đầu tư đã tiến hành nhận hồ sơ từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin về sổ đỏ. Tại dự án Đại Mỗ, chủ đầu tư thông tin chuẩn bị tiến hành thủ tục, nhưng các hộ dân nghi ngờ tính khả thi, bởi dự án vẫn đang giá tạm tính, chưa quyết toán xong với các sở, ngành.

Trong khi các dự án chung cư TNT gặp khó khăn, thì các chung cư thương mại lại được tạo mọi điều kiện trong việc cấp sổ đỏ. Dù được biết đến với cái danh "dự án nhà TNT đầu tiên của TP Hà Nội", nhưng các hộ dân tại chung cư CT1 Ngô Thì Nhậm vẫn đang chờ sổ đỏ, trong khi cư dân mua chung cư thương mại tại dự án này, cùng chủ đầu tư, lại được cấp sổ đỏ cách đây 3 năm. Phần nào đó, sự thiếu quan tâm của cơ quan chức năng và chủ đầu tư đã khiến các hộ dân mua nhà TNT cảm thấy tủi thân (!).

Việc cấp sổ đỏ cho người mua nhà tại các dự án nhà TNT đã được UBND TP quy định cụ thể tại Điều 35 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND ngày 24/4/2013. Tuy nhiên, nếu không có sự chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc từ UBND TP, Sở TN&MT, không biết đến bao giờ các hộ dân mua nhà TNT mới được cầm sổ đỏ trong tay?
Theo Điều 35, Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND ngày 24/4/2013 của UBND TP Hà Nội: Để cấp sổ đỏ cho người mua nhà ở xã hội, chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội có trách nhiệm nộp thay người đề nghị cấp sổ đỏ 1 bộ hồ sơ tại Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội, hồ sơ gồm: Các giấy tờ (bản sao) liên quan đến DN kinh doanh BĐS; DN đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xây dựng để bán; chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội… Người mua mua nhà ở xã hội phải có giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng và đủ điều kiện mua nhà theo quy định tại Điều 37, 38 Nghị định số 71/2010/NĐ-CP của Chính phủ.
Để có thể cấp được sổ đỏ cho các cư dân mua nhà TNT, chủ đầu tư phải quyết toán xong với các sở, ngành, đưa ra giá bán nhà chính thức; đồng thời, cơ quan chức năng phải giúp chủ đầu tư đẩy nhanh thủ tục. Ngoài ra, việc cấp sổ đỏ cho các hộ dân phải tách ra khỏi những sai phạm của chủ đầu tư, có sự tháo gỡ từ cơ quan Nhà nước.
GS.TSKH Đặng Hùng Võ nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT