Chờ đợi gì từ “siêu dự án” cao tốc Bắc – Nam trong năm 2022?

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Siêu dự án” cao tốc Bắc – Nam phía Đông đang “bứt tốc” ngay trong những ngày đầu năm mới 2022 ở cả dự án thành phần giai đoạn 1 và giai đoạn 2.

Hầm Tam Điệp thuộc đoạn tuyến Mai Sơn - QL45, cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 (Ảnh: Trần Huy Hùng).
Hầm Tam Điệp thuộc đoạn tuyến Mai Sơn - QL45, cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 (Ảnh: Trần Huy Hùng).

Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông đang triển khai song song 2 giai đoạn. Trong khi các dự án thành phần thuộc giai đoạn 1 (2017 – 2020) đang đồng loạt thi công và sắp “về đích" thì giai đoạn 2 (2021 – 2025) cũng đang rốt ráo hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để sớm khởi công.

“Nóng” trên công trường

Các công trường thi công dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 1 đang thật sự “nóng”. “Nóng” ở cả không khí lao động của đội ngũ công nhân, kỹ sư đến sự quan tâm, chỉ đạo rất sát sao của các nhà thầu, chủ đầu tư, Bộ GTVT và đặc biệt là của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến “vi hành” xuyên Tết vừa qua.

Chuyến “vi hành” của Thủ tướng bắt đầu vào ngày 3/2 (tức Mùng 3 Tết) bằng cuộc họp đầu tiên của Thường trực Chính phủ. Liên tiếp nhiều ngày sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp có mặt tại 9 công trường giao thông trọng điểm, trong đó phần lớn thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam.

Ngày 4/2, Thủ tướng dự lễ khánh thành đoạn tuyến cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn dự án cao tốc Bắc- Nam phía Đông giai đoạn 1. Tại đây, Thủ tướng một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của “siêu dự án” này khi đánh giá cao tốc Bắc – Nam phía Đông chính là một trong những đột phá của hạ tầng giao thông, cần tập trung đầu tư.

Để dự án đảm bảo đúng tiến độ, Thủ tướng nhấn mạnh công tác GPMB phải được đặc biệt quan tâm. Muốn làm tốt GPMB, không chỉ Bộ GTVT, các cấp chính quyền, địa phương mà phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong đó, vai trò của người dân là tối quan trọng. Phải để người dân hiểu và cùng góp sức, mọi chuyện sẽ trở nên thuận lợi hơn rất nhiều.

Sau cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn, Thủ tướng tiếp tục trực tiếp ra công trường, kiểm tra công tác thi công các dự án cao tốc khác như: Mai Sơn - QL45; Nghi Sơn - Diễn Châu; Nha Trang - Cam Lâm; Cam - Vĩnh Hảo; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Phan Thiết - Dầu Giây; Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2.

Đi đến bất kỳ dự án nào, Thủ tướng cũng chỉ ra những vấn đề cốt lõi cần tập trung thực hiện cũng như khẩn trương khắc phục nhằm đảm bảo tiến độ của dự án nói riêng và tiến độ chung của toàn cao tốc Bắc – Nam phía Đông nói chung.

Ngoài vấn đề mặt bằng, việc đảm bảo vật liệu để thi công là vấn đề đặc biệt quan trọng đối với dự án cao tốc Bắc – Nam. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương rà soát lại, sửa đổi ngay trong năm 2022 những quy định chưa phù hợp. Vấn đề thiếu vật liệu phục vụ thi công cao tốc Bắc – Nam phải được giải quyết triệt để nhằm đảm bảo cho tiến độ dự án không bị ảnh hưởng.

 

Chúng tôi sẽ nỗ lực để đưa vào khai thác sớm ngày nào tốt ngày đó như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, vì các dự án này đều có tính kết nối cao, khi hoàn thành sẽ là động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng cả nước”. - Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu phải có cơ chế thưởng – phạt rõ ràng, phân minh đối với chủ đầu tư các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam. Đó là “làm tốt thì phải thưởng, làm chưa tốt phải phạt”. “Chúng ta đã thi công xuyên Tết và tinh thần là xuyên tiếp. Tổ chức thay ca, thay kíp, 3 ca 4 kíp để đẩy nhanh tiến độ. Song song với đẩy nhanh tiến độ là nâng cao chất lượng và kiểm soát an toàn lao động" – Thủ tướng yêu cầu.

Đầu tư công, chỉ định thầu giai đoạn 2

Trong khi các dự án thành phần của giai đoạn 1 đang tích cực “đua tiến độ” để “về đích” sớm, công tác triển khai giai đoạn 2 của dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông cũng đang được đẩy nhanh nhất có thể.

 GPMB và vật liệu thi công là hai yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam (Ảnh: VGP).
 GPMB và vật liệu thi công là hai yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam (Ảnh: VGP).

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP triển khai Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Một trong những điểm đáng chú ý trong Nghị quyết chính là việc Thủ tướng quyết định chỉ định thầu trong hai năm 2022 và 2023 đối với gói thầu xây lắp các dự án thành phần, kèm theo yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng) và các gói thầu quan trọng khác nếu thấy cần thiết về tư vấn liên quan đến dự án, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật... trên cơ sở đề xuất của Bộ trưởng Bộ GTVT và kết quả thẩm định của Bộ KH&ĐT.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ đảm bảo tuyệt đối chất lượng công trình khi áp dụng chỉ định thầu cho cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 1. “Chúng tôi ban hành hồ sơ có tiêu chí cụ thể về trình độ, năng lực, kinh nghiệm của các nhà thầu tư vấn. Ai đáp ứng được yêu cầu thì được đưa vào danh sách xem xét tuyển chọn. Do đó, chỉ định thầu có chất lượng không kém hình thức đấu thầu nhưng rút ngắn được thời gian, đảm bảo được yêu cầu" – ông Nguyễn Văn Thể nói.

TS Nguyễn Việt Hùng – Chuyên gia kinh tế cho rằng, điều quan trọng nhất trong công tác lựa chọn nhà thầu không phải là hình thức đấu thầu mà là năng lực của cơ quan quản lý dự án và cơ quan nào giám sát quá trình chỉ định thầu các dự án. Nếu xét về mặt hồ sơ, hồ sơ chỉ định thầu và hồ sơ đấu thầu rộng rãi không khác biệt nhiều.

Theo TS Nguyễn Việt Hùng, kết quả chỉ định thầu các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2 cần phải thẩm định kỹ như kết quả đấu thầu rộng rãi dù rằng việc làm này sẽ có thể mất thêm một ít thời gian nhưng lại rất cần thiết để lường trước các rủi ro có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Việt Hùng cho rằng cần xây dựng quy chế về chỉ định thầu 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam cũng như phải làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư dự án, cơ quan giám sát thực hiện dự án. Chuyên gia kinh tế này nhấn mạnh, chỉ định thầu chỉ là biện pháp được thực hiện trong bối cảnh đặc biệt nhằm đảm bảo mục tiêu kích cầu đầu tư công, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch. Còn đối với các dự án đầu tư công, đấu thầu rộng rãi vẫn luôn là hình thức đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, minh bạch nhất và đương nhiên đây vẫn là công cụ tốt nhất.

 

“Phương án chỉ định thầu công tác xây lắp nên sử dụng hình thức chỉ định tổng thầu cho từng dự án.Tổng thầu sẽ lựa chọn các nhà thầu phụ và nêu trong hồ sơ dự thầu, chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư về chất lượng, tiến độ” - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, PGS.TS Trần Chủng