Chờ đón lễ vinh danh Đờn ca tài tử

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 11/2, tại Hội trường Thống Nhất TP Hồ Chí Minh sẽ diễn ra Lễ đón bằng Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại với nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT).

Lễ đón nhận vừa thể hiện niềm tự hào của người dân Nam Bộ khi lần đầu tiên phía Nam có loại hình văn hóa được thế giới công nhận vừa là sự khẳng định giá trị trường tồn của các loại hình âm nhạc truyền thống Việt Nam. 

Nhẹ gánh nỗi lo bảo tồn

PGS, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan - nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam - đơn vị sưu tầm, nghiên cứu và lập hồ sơ nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ tâm sự: "Với kinh nghiệm sưu tầm, nghiên cứu và lập hồ sơ nhiều loại hình nghệ thuật, chưa bao giờ tôi thấy loại hình nào có nhiều thuận lợi như ĐCTT. Bởi vì hiện nay, ở Nam Bộ, ĐCTT vẫn là "đặc sản" văn hóa được hầu hết người dân trong vùng "nghiền". Không có một làng nào không có ĐCTT. Nó cũng chứng tỏ sức sống văn hoá cộng đồng ở Nam Bộ rất lớn".

Nếu như, các loại hình di sản phi vật thể từng được thế giới công nhận như ca trù, quan họ... tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng để phục dựng, bảo tồn và phát huy, thì ở góc độ này, ĐCTT không làm đau đầu những nhà nghiên cứu âm nhạc. Nghệ thuật ĐCTT không quy định thời hạn chơi, vì vậy, trong quá trình nghiên cứu lập hồ sơ, các cán bộ của Viện Âm nhạc Việt Nam rất bất ngờ khi đi khắp vùng Nam Bộ, từ TP Hồ Chí Minh tới Bạc Liêu, Mỹ Tho, Đồng Tháp, Cần Thơ… đều có thể bắt gặp những "gánh" hát ĐCTT, những câu lạc bộ ĐCTT chuyên nghiệp.
Biểu diễn Đờn ca tài tử Nam Bộ.
Biểu diễn Đờn ca tài tử Nam Bộ.
 
Người ta coi ĐCTT là loại hình nghệ thuật âm nhạc cổ muộn, ra đời khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Tuy không có lợi thế về tuổi đời như nhiều loại hình di sản văn hóa khác, nhưng thế mạnh của ĐCTT nằm ở chỗ được nhân dân nuôi dưỡng. Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cho biết: "Vì yêu mến loại hình nghệ thuật này, nên cho đến nay, dù chưa nhận được nhiều cơ chế, chính sách từ các cấp quản lý văn hóa, nhưng ĐCTT vẫn luôn được người dân bảo tồn và phát huy tốt". Từ năm 1997, liên hoan ĐCTT được Viện Âm nhạc Việt Nam tổ chức đã góp phần khơi mạch nguồn của loại hình nghệ thuật độc đáo này. Rồi việc nghiên cứu, lập hồ sơ di sản ĐCTT đã được thổi bùng lên cảm hứng dành cho thứ nghệ thuật này khắp thôn, ấp, làng, xã các tỉnh phía Nam. Liên tiếp sau đó, các tỉnh, thành phố đã có ý thức tổ chức các cuộc liên hoan, thành lập các câu lạc bộ ĐCTT, tạo nên "sân chơi" nghệ thuật cổ truyền rộn ràng trong dân. Và việc ĐCTT được UNESCO vinh danh khẳng định giá trị truyền thống của cha ông đã, đang và sẽ luôn được gìn giữ và phát huy. Đáng nói là, trong buổi lễ đón nhận bằng của UNESCO tại TP Hồ Chí Minh ngày 11/2, Bộ VHTT&DL cũng sẽ công bố những hành động quốc gia nằm trong nội dung đã cam kết với UNESCO để bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật Đờn ca tài tử.

Hồi hộp chờ Lễ nhận bằng

Ngay từ cuối tháng 1/2014, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên đã phối hợp với đại diện Cục Di sản văn hoá, Viện Âm nhạc Việt Nam và đại diện UBND, Sở VHTT&DL của 21 tỉnh, thành phía Nam tổ chức nhiều cuộc họp triển khai kế hoạch liên tịch tổ chức Lễ đón nhận Bằng của UNESCO vinh danh ĐCTT Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Bởi đây là lần đầu tiên phía Nam có loại hình di sản văn hóa phi vật thể được thế giới công nhận. Hơn thế, ĐCTT lại lan rộng tại 21 tỉnh thành, nên đơn vị nào cũng muốn dành phần thể hiện tấm lòng với di sản.
Chờ đón lễ vinh danh Đờn ca tài tử - Ảnh 1
Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên nhấn mạnh: "Lần đầu tiên, phía Nam có loại hình nghệ thuật được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. ĐCTT được vinh danh đã nhận được sự ủng hộ và tự hào của không chỉ nhân dân trong nước mà còn cả kiều bào nước ngoài. Đây cũng là sự kiện mang ý nghĩa chính trị, nhân văn sâu sắc… việc tổ chức đón Bằng vinh danh phải tổ chức trang trọng, nổi bật được tầm quan trọng của di sản này". 

Và ngay sau lễ vinh danh với nhiều tiết mục biểu diễn nghệ thuật ĐCTT đặc sắc với sự góp mặt của nhiều gương mặt nghệ nhân, tay đàn nổi tiếng hiện nay, các tài tử đờn, tài tử ca của 21 tỉnh, TP Nam Bộ sẽ hội tụ tại Bạc Liêu trong Festival Đờn ca tài tử lần đầu tiên diễn ra vào tháng 4 tới. Đây là một trong những hoạt động góp phần bảo tồn, tôn vinh, quảng bá và phát huy giá trị di sản đáng quý này trong đời sống.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần