Chợ truyền thống trên 100 tuổi
Năm 1889, chợ Đồng Xuân được người Pháp xây dựng trên vùng đất bãi bồi của sông Tô Lịch, gồm 5 dãy nhà, mặt trước là các vòm cuốn theo kiến trúc Pháp. Lịch sử của chợ gắn liền với sự hình thành và phát triển thương mại của đất Thăng Long - nơi tập trung giao thương lớn nhất xứ Bắc kỳ thời thuộc Pháp.
Tuy nhiên, chợ Đồng Xuân đi vào lòng người Hà Nội bởi nơi đây đã diễn ra những trận chiến đấu anh dũng trong 60 ngày đêm Hà Nội rực lửa chống thực dân Pháp xâm lược cuối năm 1946, đầu năm 1947, trong đó nổi bật là trận đánh chợ Đồng Xuân ngày 14/2/1947. Nhờ đó, góp phần bảo vệ cho cơ quan T.Ư rút lui an toàn, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi, và Thủ đô được giải phóng hoàn toàn vào ngày 10/10/1954.
Đến thời kỳ cả nước kháng chiến chống Mỹ, xây dựng chủ nghĩa xã hội, chợ Đồng Xuân vẫn là đầu mối bán buôn lớn nhất của khu vực phía Bắc. Sau vụ hỏa hoạn lớn năm 1994, chợ Đồng Xuân được UBND TP Hà Nội xây dựng lại trên cơ sở bảo tồn nguyên vẹn kiến trúc cổ khu vực mặt tiền chợ. Nhằm thay đổi mô hình quản lý không còn phù hợp, năm 1996, UBND TP đã thay đổi mô hình quản lý, nâng cấp từ ban quản lý chợ lên Công ty CP Đồng Xuân. Việc đổi mới mô hình quản lý đã nhận được sự hưởng ứng của các hộ kinh doanh, đến nay, chợ Đồng Xuân đã thu hút 2.300 hộ kinh doanh, là nơi diễn ra hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ lớn, với khối lượng tài sản, hàng hóa luân chuyển trị giá hàng ngàn tỷ đồng.
Điểm đến của du khách
Sau hơn một thế kỷ hình thành phát triển, chợ Đồng Xuân đến nay vẫn giữ vai trò là trung tâm giao thương quan trọng của Hà Nội và Đồng bằng Bắc Bộ. Có được như vậy là do ngoài yếu tố chợ truyền thống, chợ Đồng Xuân còn có vai trò là trung tâm lưu chuyển sản phẩm hàng hóa bảo đảm cung - cầu không chỉ cho thị trường Hà Nội mà còn với các tỉnh, TP khu vực phía Bắc. Bà Nguyễn Thị Dung, chủ ki ốt giày dép tại số 371A1, chợ Đồng Xuân cho biết, gia đình bà đã 3 đời làm nghề buôn bán ở chợ Đồng Xuân. Đến nay, chợ đã trải qua rất nhiều biến cố và thay đổi nhưng buôn bán tại đây vẫn ổn định nên hoạt động kinh doanh giày dép của gia đình tại chợ Đồng Xuân đã trở thành truyền thống.
Chợ Đồng Xuân với lịch sử tồn tại, phát triển hơn 100 năm còn trở thành điểm thu hút du khách trong và ngoài nước, qua đó hỗ trợ ngành du lịch Hà Nội phát triển. Ông Nguyễn Ngọc Phan, chủ cửa hàng thủ công mỹ nghệ 37A1 tâm sự: Hàng ngày, chợ Đồng Xuân đón một lượng lớn khách quốc tế đến tham quan, tìm hiểu kiến trúc, lịch sử chợ, đồng thời mua sắm các mặt hàng lưu niệm, thủ công mỹ nghệ do các làng nghề, phố nghề Hà Nội sản xuất. Báo cáo của Văn phòng Du lịch Đồng Xuân (thuộc Công ty CP Đồng Xuân) cho thấy, trung bình mỗi tháng, chợ Đồng Xuân đón khoảng 7.600 khách du lịch nước ngoài.
Theo ông Đỗ Xuân Thủy - Tổng Giám đốc Công ty CP Đồng Xuân, sau gần 20 năm hình thành và phát triển, đơn vị đã không ngừng hoàn thiện mô hình quản lý và phát triển mở rộng thêm các hoạt động kinh doanh mới trên nhiều lĩnh vực như tổ chức hoạt động Chợ đêm Đồng Xuân; Tiếp nhận và quản lý tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân và triển khai Dự án thí điểm sử dụng phương tiện giao thông sạch đưa khách du lịch tham quan khu phố cổ và xung quanh hồ Hoàn Kiếm…, nhờ đó doanh thu của đơn vị liên tục tăng. Nếu như giai đoạn 2004 - 2008, tổng doanh thu chỉ đạt trên 56 tỷ đồng thì từ năm 2009 - 2013 đạt 270 tỷ đồng, nộp ngân sách gần 54 tỷ đồng; bên cạnh đó, bà con kinh doanh tại chợ Đồng Xuân còn nộp ngân sách 242,523 tỷ đồng, tăng 21,31% so với giai đoạn 2004 - 2008.
Mang trong mình một phần lịch sử của Hà Nội, chợ Đồng Xuân hôm nay vẫn tiếp tục là trung tâm phân phối, lưu chuyển hàng hóa lớn của Hà Nội và khu vực phía Bắc, tiếp tục cùng các DN sản xuất, bán lẻ trong nước giữ vững thị trường nội địa, từng bước đáp ứng yêu cầu thương mại hiện đại, cạnh tranh lành mạnh trong quá trình hội nhập.
Chợ Đồng Xuân là một trong những trung tâm giao thương quan trọng của Hà Nội. Ảnh: Thanh Thảo
|