Chờ được vạ thì má đã sưng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối cùng thì Tổng cục TDTT đã có kết luận về nghi án hối lộ của hai quan chức hàng đầu của nền bóng đá.

Sẽ còn ý kiến này khác xung quanh kết luận này, nhưng nó có thể giúp cho nền bóng đá bớt chao đảo, người trong cuộc không phải đối diện với sự hồ nghi của dư luận. Nhưng, sự việc không đơn giản như vậy.

Phanh gấp vì một lá đơn

Cách đây 2 tháng, lá đơn của ông Nguyễn Văn Chương, nguyên quyền Giám đốc Trung tâm đào tạo trẻ Việt Nam tố cáo hai lãnh đạo VFF “nhận hối lộ” đã khiến làng bóng đá chao đảo. Sự kiện này diễn ra ngay sau thất bại của U23 Việt Nam tại SEA Games nên càng được dư luận chú ý. Người ta nhìn VFF như một con bệnh cần sớm được đại phẫu. Thậm chí, ai đó còn ví ông Nguyễn Văn Chương như một anh hùng dám chống tiêu cực trong làng bóng đá. Tất nhiên, cũng có nhưng ý kiến tỏ ra dè chừng, bởi xét về luật, ông Chương đang đi một nước cờ mạo hiểm. Thứ nhất, dù nội dung tố cáo đúng thì ông này cũng mắc tội hối lộ. Nếu tố cáo sai, ông này trở thành kẻ vu khống. Đáng nói, trong cả hai trường hợp, ông Chương đối diện với nguy cơ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Nhưng, hãy khoan bàn về vấn đề của ông Chương, mà chú ý đến những tác động của lá đơn tố cáo tiêu cực. Nhiều người thắc mắc, tại sao lá đơn ấy lại xuất hiện sau thất bại của SEA Games chứ không phải thời điểm khác? Và, càng rất ít người biết rằng, trước khi có lá đơn của ông Chương, ông Trần Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch VFF - nhân vật chính trong vụ lùm xùm này được cơ cấu vào Thường vụ Đảng ủy Tổng cục TDTT. Trước đó, ông này cũng được quy hoạch làm Tổng cục Phó Tổng cục TDTT. Nếu vào Thường vụ Đảng ủy, con đường quan lộ với ngôi sao ngành thể thao sẽ rộng mở. Nhưng, sau lá đơn của ông Chương, cơ hội thăng tiến của ông Trần Quốc Tuấn đã chấm dứt. Lúc này, khi mà Tổng cục TDTT đưa ra kết luận về vụ việc thì mọi việc đã an bài. Cái chỗ mà ông Tuấn có thể ngồi đã có người khác thế vào. Thế nên, ngay cả khi được xác định là không tiêu cực thì vị Phó Chủ tịch VFF cũng chịu tổn hại không thể đong đếm.

Tổn hại cho nền bóng đá

Cùng một thời điểm, hai vị lãnh đạo cao nhất của nền bóng đá bị tố cáo tiêu cực. Điều đó khiến cho uy tín của ngôi nhà VFF bị ảnh hưởng rất nhiều. Sức ép từ dư luận đối với VFF là rất lớn. Có ý kiến đòi hỏi phải tiến hành đại hội bất thường để tìm ra những nhà lãnh đạo mới uy tín hơn. Đáng nói hơn, vụ tố cáo này không chỉ làm rúng động nền bóng đá mà còn lan ra cả nước ngoài, đến những đối tác truyền thống của VFF. FIFA, AFC, đặc biệt là Liên đoàn bóng đá Nhật Bản, nơi có những đối tác thường xuyên hỗ trợ về tài chính, nhân sự cho bóng đá Việt Nam liên tục gửi thư, gọi điện sang hỏi về vụ việc. Với các DN, họ không muốn tài trợ cho một tổ chức có dính dáng đến tiêu cực. Trước áp lực từ các đối tác, VFF buộc lòng phải có những động thái phản hồi. Họ khẳng định rằng đây là những vấn đề mang tính cá nhân và không ảnh hưởng đến các hoạt động của nền bóng đá. Bây giờ, khi đã có kết luận của Tổng cục TDTT, áp lực với VFF sẽ phần nào giảm đi. Nhưng chắc chắn một điều, với cơn sóng gió và biến động vừa qua, thương hiệu của nền bóng đá sẽ bị ảnh hưởng. Mà, ai cũng biết, bóng đá Việt Nam, đặc biệt là các ĐTQG chủ yếu sống bằng nguồn hỗ trợ tài chính từ các đối tác quốc tế và nhà tài trợ. Thế nên, không nói thì ai cũng biết, sau sự cố vừa qua, nguồn tiền được bơm vào nền bóng đá sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng.