Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Chợ người" thời ế ẩm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Vật vờ hít bụi, khói xe đã 2 ngày đường, anh Minh vẫn không được ai thuê làm. Không hiểu lắm về suy thoái kinh tế nhưng anh Minh cảm thấy rất rõ rằng miếng cơm manh áo của những người lao động ngoại tỉnh như anh đang bị ảnh hưởng trực tiếp.

Đứng hít bụi, khói xe đã 2 ngày ở khu vực đường Giảng Võ, Hà Nội, anh Lê Minh Hoàng, 35 tuổi, quê ở Thanh Hóa vẫn chưa được ai thuê đi làm việc. Chiếc xe đạp cùng những món đồ nghề của anh nằm chỏng chơ bên vệ đường. Trước đây anh đi theo các đoàn xây dựng phụ việc tại các công trình xây dựng như nấm phát triển khắp thành phố, nhiều lúc việc không làm hết. Nhưng từ đầu năm 2012 đến nay, thị trường bất động sản đóng băng, hàng loạt chủ đầu tư hết tiền, dừng công trình. Những người lao động như anh theo đó mất việc.

"Chợ người" thời ế ẩm - Ảnh 1
"Chợ người" thời ế ẩm

Tại một cây cầu nhỏ khu vực đường Phạm Ngọc Thạch, một nhóm lao động ngoại tỉnh gần chục nam giới cũng đang ngáp dài. Vừa thấy xe máy của khách táp vào lề đường ngay lập tức cả nhóm người thần lao ra, nhao nhao hỏi. Một người trong số đó may mắn thỏa thuận được công việc khuân vác đồ cho đợt chuyển nhà. Số người còn lại trở về vị trí thẫn thờ nơi góc đường và nhìn theo những chiếc xe chạy rà rà qua tiếp  tục tìm kiếm hy vọng có việc làm.

Đã đến trưa, dù có khách hay không cũng phải ăn, anh Thắng, quê Ninh Bình thở dài sượt khi mở ví đếm tiền,  nở nụ cười méo xệch, anh rầu rĩ: “Đợt này ít việc lắm, ngày hôm kia còn có người thuê đi chở đồng xỉ, kiếm được 150.000 đồng, hai ngày hôm nay chả có ai thuê mà vẫn phải ăn ngày hai bữa và trả tiền nhà trọ, nên tiền kiếm được cũng tiêu gần hết”. Đưa cánh tay quệt ngang khuôn mặt vì bụi và nắng, anh Thắng nhẩm tính, dịp này ở đây ít người chờ việc vì vào ngày mùa họ về quê gặt lúa, anh cùng một số người ở lại với hy vọng sẽ có nhiều việc làm hơn bởi sự cạnh tranh giảm đi nhưng vẫn không có việc…

Ngồi bên cạnh đó, chị Mai Thanh Bình, quê huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) đang ăn dở chiếc bánh mỳ cũng quay sang góp chuyện. Cách đây 3 năm chị bỏ lại quê nhà 3 đứa con nhỏ cùng chồng ra Hà Nội làm công nhân may cho một doanh nghiệp ở Hải Dương. Từ cuối năm 2010 công ty không tìm kiếm được đơn hàng nào nên đành đóng cửa, chỉ một vài xưởng may gia công cho đối tác hoạt động cầm chừng và những lao động như chị phải ra đường tìm việc mới. Chị lăn lộn đủ nghề từ rửa bát thuê, dọn vệ sinh cho các gia đình... nhưng vẫn không đủ sống. Giờ đây mỗi tuần chị được một gia đình ở trên đường Nghi Tàm thuê đến dọn vệ sinh 1 buổi, còn những ngày khác chị đi bán sức lao động nơi “chợ người”. Tuy nhiên, phận nữ yếu đuối, nên công việc mang vác chị không đủ sức làm, chỉ phụ giúp những người ở đây khi có việc. Nhưng việc giờ hiếm, mà không có việc đồng nghĩa với những bữa ăn của những người bán sức lao động ở đây phải “hạ giá”. Chị Hương thật thà, ngày trước bữa trưa của chị là ở trong quán cơm bình dân góc đường, vừa nói chị vừa chỉ vào một quán cơm nhỏ nằm đầu dốc Bưởi. Bữa cơm ngày còn nhiều việc làm cũng chỉ 15.000 đồng/suất thôi, đến nay ít việc làm thu nhập giảm nên mỗi ngày chỉ dám ăn 1 bữa. Trong câu chuyện với chị Hương chúng tôi được biết, sau khi rời công ty may vì không có việc chồng chị đã theo đám thợ xây cùng quê lên tận Lai Châu tìm việc, cả năm chỉ về nhà có một lần vào dịp Tết vì không có tiền.

3 giờ sáng, khu nhà trọ nằm trong ngõ nhỏ đường Trương Định bắt đầu ồn ào. Những cư dân còn lại của khu trọ đang chuẩn bị cho những chuyến hàng rong của ngày mới. Anh Thực, quê Hưng Yên than thở, gần một năm nay hàng hóa bán kém hẳn. Trước đây, mỗi ngày rong ruổi bán hàng anh còn kiếm được khoảng 200 - 300 nghìn đồng, nay thì ngày cao nhất cũng chỉ được khoảng 100 nghìn đồng, ngày nào mà bị ốm không đi bán được là lỗ. Số tiền lời lãi  kiếm được những ngày còn lại cũng không đủ tiền ăn, tiện trọ không đủ nên anh Thực tính toán sẽ bán cho hết số hàng còn lại để về quê.

Cuộc mưu sinh đầy vất vả của những người phụ nữ nông thôn lên thành phố.

Cuộc mưu sinh đầy vất vả của những người phụ nữ nông thôn lên thành phố.

Cũng xóm trọ với anh Thực còn có  vợ chồng anh Mạnh chuyên nghề thợ xây. Năm kia, khi thị trường bất động sản đang sôi động, aanh Mạnh cùng đám bạn đủ các quê tập trung lại thành một đội thầu xây dựng dân dụng. Nhóm thợ của anh còn nhiều việc làm, thậm chí còn có cả hợp đồng xây dựng nhà. Có thời điểm việc làm không hết phải liên kết với nhiều nhóm thợ khác để san việc. Nhiều việc, nhiều tiền, đời sống khá thoải mái, anh Mạnh còn ấp ủ sẽ tậu được ngôi nhà nhỏ nơi thành phố, đón con lên học và nhập cư.

Nhưng từ hơn một năm trở lại đây, mọi chuyện trở nên khó khăn, thi thoảng mới có được một công việc nhỏ như sửa chữa, cơi nới nhà tập thể. Nhóm thợ của anh cũng như nhiều nhóm thợ khác không có được một công việc nào đáng kể. Nhiều người đã bỏ về quê, chỉ còn một số ít người như anh cố bám trụ với hy vọng sẽ có việc làm. Quê ở Nam Định, anh Huy lại có may mắn hơn những người cùng xóm trọ này vì anh mưu sinh bằng nghề xe ôm. Vừa lau chiếc xe máy vốn là cần câu cơm, anh cho biết, thời buổi khó khăn, nhiều người chọn xe ôm thay cho taxi nên anh cũng khá đắt hàng. Dù vậy, đã không dưới hai lần anh bị khách ăn quỵt tiền, thậm chí bị hành hung với ý định cướp xe. “Về quê thì không còn ruộng để làm nên đành phải bám trụ nơi thành phố. Giá như tìm được công việc ổn định, tôi sẽ bỏ nghề xe ôm đầy bất trắc này”- anh Huy tâm sự

Cuộc mưu sinh đang ngày một khó khăn do những tác động của nền kinh tế và  những người lao động ngoại tỉnh đang đối mặt với miếng cơm, manh áo hàng ngày. Giấc mơ bám sống nơi thành phố ngày càng xa mờ. Rất nhiều trong số đó đã lựa chọn về quê hoặc bỏ đi vùng đất khác, nhưng cho dù đi đâu thì hy vọng kiếm được một công việc cho thu nhập ổn định vẫn là điều quá khó khăn đối với họ, những người lao động chân tay nơi thành thị thời khó khăn.