70 năm giải phóng Thủ đô

Chớ nóng giận mất khôn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có một điểm tương đồng giữa Premier League (giải Ngoại hạng Anh) và V.League, đó là sự khắc nghiệt của nghề cầm quân.

Ở đó, sự thành bại chỉ là một khoảng cách mong manh. Ở đó, công thần hôm nay, ngày mai có thể thành tội đồ.

Sự nghiệp cầm quân của HLV trưởng Chelsea - ông Mourinho đang có nhiều điểm tương đồng với đồng nghiệp Miura - HVL trưởng Đội tuyển (ĐT) Việt Nam. Ông Mourinho đang có thành tích kém tệ hại cùng Chelsea. Đương kim vô địch Premier League hiện mới có được 4 điểm sau 5 vòng đấu và đứng thứ 17 trên bảng xếp hạng. Đây là thành tích mà đến trong mơ cũng không ai dám nghĩ đến. Bởi lẽ, chẳng thể tin một Chelsea giàu có, hào hùng mà thua đến 3/5 trận đã đấu. Thành tích ấy khiến giới chuyên môn nhanh chóng đi đến kết luận, cuộc đua đến ngôi vô địch sẽ không có tên Chelsea.

Thất bại dù là tạm thời của Chelsea được quy do lỗi của Mourinho. “Người đặc biệt” đã bỗng chốc trở nên tầm thường sau khi đưa Chelsea lên đến đỉnh cao. Hay nói đúng hơn, sự ngạo mạn và coi thường đối thủ của Mourinho thông qua cách nghĩ đơn giản về đối thủ đã khiến Chelsea phải trả giá đắt.

Như đã nói, Mourinho đã có người bạn đồng hành tại Việt Nam - ông Miura. Mặc dù thành tích của ĐT Việt Nam ở vòng loại World Cup không đến nỗi tệ, nhưng sự tẩy chay ông Miura vẫn được đẩy lên đến đỉnh điểm. Lý do người ta muốn loại bỏ ông là ĐT Việt Nam đã thắng nhọc Đài Loan (Trung Quốc). ĐT không thể hiện được sự lấn lướt trước đối thủ được đánh giá là yếu hơn. Và quan trọng hơn, người ta quả quyết rằng, ông Miura đã thất bại trong việc xây dựng lối chơi mang tính bản sắc cho ĐT.

Xem ra, gió đổi chiều quá nhanh. Mới ngày nào dư luận còn tung hô ông Miura lên đến tận mây xanh bởi tư duy làm việc lý tính. Nhà cầm quân này được ví là “đặc biệt” khi ông đưa ra những tiêu chí làm việc vốn khác hẳn so với các nhà cầm quân trong quá khứ. Nhiều người còn đặt niềm tin, ông Miura sẽ đưa ĐT Việt Nam đến đỉnh cao.

Vẫn biết là trong bóng đá, mọi đánh giá chỉ mang tính tương đối. Sự yêu ghét của giới chuyên môn, người hâm mộ đôi khi chẳng nhất quán. Hôm nay họ có thể yêu, ngày mai vì lý do lãng xẹt nào đó, dư luận sẽ trở nên mất lòng tin với HLV trưởng. Nhưng đứng trên góc độ quản lý, những người hữu trách phải có được cách đánh giá đúng để đưa ra quyết định phù hợp.

Hãy nhìn Chelsea và cách ứng xử với khủng hoảng của họ để thấy bản lĩnh, sự chuyên nghiệp trong quản lý. Khi mà sự thất vọng dành cho Mourinho lên đến đỉnh điểm thì người ta vẫn khẳng định, nhà cầm quân này phù hợp với Chelsea trong bối cảnh hiện tại. Và dù không hài lòng nhưng ông chủ Roman Abramovich vẫn phải cắn răng chịu đựng bởi sự xáo trộn ở thượng tầng có thể dẫn đến sụp đổ của cả hệ thống.

Trở lại với bóng đá Việt Nam và trường hợp của ông Miura. Những ngày qua, bầu Đức vẫn không chịu dừng chiến dịch công kích dành cho nhà cầm quân người Nhật. Ông chủ HAGL thậm chí còn sử dụng đòn bẩy tài chính nhằm đánh bật “đối thủ”. Sự quyết tâm của bầu Đức là có thật, nhưng nó lại đặt các nhà quản lý bóng đá trước những câu hỏi khó. Họ phải thay đổi để chiều lòng bầu Đức hay chấp nhận đối diện với sức ép để chứng tỏ nhãn quan chiến lược của mình? Chắc chắn nếu không có được một giải pháp phù hợp, bóng đá Việt Nam sẽ bị tổn thất nặng nề. Bởi vấn đề ở đây không chỉ là chiếc ghế mà ông Miura ngồi mà chính là tầm nhìn, cung cách quản lý của cả nền bóng đá.