"Chỗ ở cho công nhân - Từ thực tiễn đến chính sách"

Thịnh An - Ảnh: Ngọc Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Ngày 6/8, báo Kinh tế & Đô thị đã phối hợp với AAV và AFV tổ chức chuyến khảo sát thực tế đến khu nhà ở của công nhân ở xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Tiếp đó, các đại biểu cùng trao đổi toạ đàm “Chỗ ở cho công nhân - Từ thực tiễn đến chính sách".

Các diễn giả tham dự tọa đàm ngày 6/8
Các diễn giả tham dự tọa đàm ngày 6/8

Đây là các hoạt động nằm trong khuôn khổ các hoạt động của chương trình Những cống hiến thầm lặng mùa 3 năm 2023, là chương trình hợp tác giữa báo Kinh tế & Đô thị với Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV), Quỹ Hỗ trợ chương trình, Dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV).

Điều kiện thiết yếu của của người lao động chưa được đáp ứng

Qua thực tế tại khu nhà ở thuộc Dự án thí điểm xây dựng nhà ở cho công nhân thuê tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, khu nhà ở này được xây dựng trên diện tích đất 20ha, với thiết kế được phê duyệt bao gồm 28 đơn nguyên nhà. Cụ thể, có 24 đơn nguyên nhà cao 5 tầng (với 1.084 căn hộ phục vụ 9.168 chỗ ở thuê); 4 đơn nguyên nhà cao 15 tầng (với 448 căn hộ phục vụ 2.352 chỗ ở thuê).

Thực tế cho thấy hạ tầng kỹ thuật tại khu nhà ở CT1 (A-B) hiện đã xuống cấp
Thực tế cho thấy hạ tầng kỹ thuật tại khu nhà ở CT1 (A-B) hiện đã xuống cấp

Trong đó, nhà CT1(A,B) với 224 phòng phục vụ hộ gia đình với 896 chỗ ở; nhà CT2,CT3 với 224 Phòng phục vụ hộ độc thân với 1456 chỗ ở. Hiện khu nhà ở có khoảng 9.000 công nhân đang sinh sống, tỷ lệ lấp đầy khu nhà ở đạt khoảng 80%.

Thực tế cho thấy, hạ tầng kỹ thuật ở khu nhà ở hiện xuống cấp không được sửa chữa, bảo trì thường xuyên, đồng bộ gây mất mỹ quan và vệ sinh môi trường, cảnh quan khu nhà và ảnh hưởng đến việc đi lại công nhân sống trong khu nhà như: Bồn hoa, cây cảnh, sân, hệ thống thoát nước mưa, nước bẩn ngoài nhà.

Mặc dù có những cơ chế ưu đãi như giá thuê thấp có xét đến đặc thù đối tượng thuê là công nhân, người lao động có thu nhập thấp. Tuy nhiên, các điều kiện sinh hoạt thiết yếu của cuộc sống người lao động chưa được đáp ứng đầy đủ như đồng lương thấp, giá thành lại cao, trường học các cấp còn thiếu, trạm y tế thiếu thuốc men gây khó khăn, hạn chế cho công nhân trong cuộc sống hàng ngày. Hơn nữa, quỹ nhà công nhân là dự án thí điểm với mô hình kiến trúc cũ, đầu tư xây dựng thấp dẫn tới việc các Tòa nhà nhanh xuống cấp, thiết bị hư hỏng nhiều nhưng không được sửa chữa, thay thế kịp thời gây bất cập, bức xúc cho người sử dụng.

Để sống trong những căn phòng đạt tiêu chuẩn tối thiểu cho sinh hoạt, các hộ gia đình công nhân phải cố gắng cân đối mới đảm bảo chi tiêu
Để sống trong những căn phòng đạt tiêu chuẩn tối thiểu cho sinh hoạt, các hộ gia đình công nhân phải cố gắng cân đối mới đảm bảo chi tiêu

Đối với công nhân thuê nhà trọ tại các khu nhà ở do người dân xây dựng ở địa bàn thôn Bầu, xã Kim Chung, qua khảo sát đa số công nhân cho biết, với mức lương hiện tại thì họ phải cố gắng cân đối mới đảm bảo được chi phí thuê nhà, sinh hoạt, nuôi con... Công nhân mong muốn các công ty nơi họ làm có nhiều chính sách hỗ trợ hơn nữa về tiền thuê nhà, tiền lương để họ có thể đảm bảo đủ trang trải cuộc sống.

Nhà ở xã hội cho công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu

Tiếp theo chương trình, các nhà báo đã tham dự buổi toạ đàm  “Đảm bảo chỗ ở cho công nhân - Từ thực tiễn đến chính sách" diễn ra tại trụ sở UBND xã Kim Chung, huyện Đông Anh.

Quang cảnh buổi tọa đàm
Quang cảnh buổi tọa đàm

Buổi toạ đàm có sự tham gia của các diễn giả, chuyên gia, nhà quản lý gồm: PGS.TS Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP Hà Nội; bà Nguyễn Thị Tám Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh; ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội; ông Bùi Dũng, Trưởng phòng quản lý tái định cư và nhà xã hội, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội; bà Lê Thị Minh Hường, Giám đốc xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà ở xã hội, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội.

Về phía Ban tổ chức có ông Nguyễn Xuân Khánh – Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị, Thành viên Ban tổ chức. Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Anh Đức cùng dự và chỉ đạo.

Cùng dự toạ đàm có hơn 20 đại diện đến từ các báo Trung ương và Hà Nội. Đặc biệt, chương trình có sự tham gia của gần 50 công nhân lao động đang làm việc tại các công ty trong khu công nghiệp Thăng Long.

Ông Nguyễn Xuân Khánh, Phó Tổng biên tập báo Kinh tế & Đô thị phát biểu tại buổi tọa đàm
Ông Nguyễn Xuân Khánh, Phó Tổng biên tập báo Kinh tế & Đô thị phát biểu tại buổi tọa đàm

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Xuân Khánh, Phó Tổng biên tập báo Kinh tế & Đô thị cho biết, theo số liệu báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay cả nước có 3,78 triệu công nhân lao động trực tiếp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong số đó có khoảng 1,8 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở. Tuy nhiên, kết quả phát triển nhà ở xã hội cho công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu do hiện mới hoàn thành việc đầu tư xây dựng 126 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 62.700 căn hộ. Với tổng diện tích 3.135.000 m2 đáp ứng được gần 30% nhu cầu của công nhân lao động.

Tại Hà Nội có gần 170 nghìn công nhân nhưng thực tế mới đáp ứng được hơn 22 nghìn chỗ ở cho công nhân (khoảng 13% nhu cầu về nhà ở xã hội cho công nhân).

Thực tế hiện nay cho thấy, với mức lương (trung bình 6-9 triệu đồng/người/tháng), hầu hết các gia đình công nhân không có nhiều khả năng tích lũy tài chính để mua nhà ở xã hội. Do thiếu quỹ nhà ở dành cho công nhân, tại nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, công nhân phải thuê nhà trọ của người dân trong khu vực lân cận, điều kiện sống tạm bợ, diện tích phòng ở chật hẹp, không có không gian vui chơi, giải trí...

Để giúp các cơ quan báo chí có cái nhìn khách quan và đầy đủ hơn về nhà ở cho người lao động, Ban tổ chức chương trình lựa chọn chủ đề “Đảm bảo chỗ ở cho công nhân - từ thực tiễn đến chính sách".

Công nhân lao động làm việc tại các công ty trên địa bàn xã kim Chung, huyện Đông Anh tham dự toạ đàm
Công nhân lao động làm việc tại các công ty trên địa bàn xã kim Chung, huyện Đông Anh tham dự toạ đàm

Ban tổ chức mong muốn thông qua các ý kiến của chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, đại diện đơn vị vận hành khu nhà ở xã hội, đại diện chính quyền cơ sở cũng như tiếng nói của công nhân lao động sẽ phản ánh được rõ nét hơn về thực trạng nhà ở cho công nhân. Tính khả thi từ chính sách đến thực tiễn, cũng như có các đề xuất về chính sách, giải pháp hỗ trợ phù hợp, thiết thực, từ đó góp phần thúc đẩy sự tiếp cận của công nhân với những khu nhà ở đảm bảo điều kiện sinh hoạt "đạt chuẩn" - nghĩa là được đáp ứng các tiện nghi sinh hoạt cơ bản, đảm bảo an toàn, an ninh, tạo điều kiện để công nhân lao động được nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động một cách tốt nhất.