“Chợ tiền lẻ” vẫn nhộn nhịp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày đầu xuân, cùng với sự tấp nập của mùa lễ hội, "chợ" đổi tiền lẻ phục vụ nhu cầu đi lễ của người dân cũng nhộn nhịp không kém.

Dù dịch vụ đổi tiền lẻ tại các đình, chùa, điểm di tích văn hóa… đã bị cấm, cơ quan chức năng đã tăng cường tuyên truyền, vận động nhưng vẫn có không ít điểm đổi tiền hưởng chênh lệch công khai mọc lên.

San sát các điểm đổi tiền lẻ

Ngày 7/2 (tức mùng 8 âm lịch), tại nhiều đình, chùa… trên địa bàn Hà Nội, các điểm giao dịch đổi tiền lẻ vẫn tấp nập người mua, kẻ bán. Ngay trước cổng chùa Trấn Quốc (đường Thanh Niên), một ki ốt đổi tiền lẻ với đủ mệnh giá liên tục có người vào giao dịch. Các loại tiền mệnh giá 500 đồng, 2.000 đồng, 1.000 đồng và cả 2USD được bày công khai ngay trên một mẹt gỗ. "Giá" đổi tiền ở đây là "10 ăn 6" cho tiền mệnh giá 500 đồng; tiền 2.000 đồng thì "10 ăn 8". 
Những ngày đầu xuân, cùng với sự tấp nập của mùa lễ hội, "chợ" đổi tiền lẻ phục vụ nhu cầu đi lễ của người dân cũng nhộn nhịp không kém.
 
Cách đó không xa, trước Đền Quán Thánh, các xấp tiền lẻ đủ mệnh giá cũng được đặt cạnh các loại đồ lễ khác để bày bán. Nếu như những năm trước, tiền lẻ tại khu vực này được bày trong các tủ kính nhỏ, đặt ngay cạnh đường thì năm nay, các cửa hàng bán đồ lễ kiêm luôn dịch vụ đổi tiền lẻ. 

Tấp nập nhất phải kể đến Phủ Tây Hồ. Các "cửa hàng" đổi tiền lẻ san sát nhau. Cứ cách 1 - 2m lại có một sạp đổi tiền lẻ với đủ mệnh giá từ 500 đồng đến 10.000 đồng. Đặc biệt, giá đổi tiền tại các điểm này đều tương tự nhau là: Tiền mệnh giá 1.000 đồng thì "10 ăn 7"; tiền 2.000 đồng là "10 ăn 8". Dù giá đổi đắt nhất nhưng mệnh giá 500 đồng vẫn được nhiều người lựa chọn vì đồng tiền này màu đỏ, tượng trưng cho sự may mắn. 

Ngoài các địa chỉ quen thuộc, hoạt động đổi tiền trên internet cũng diễn ra nhộn nhịp không kém. Các trang web đua nhau đăng tin quảng cáo về dịch vụ đổi tiền. Một số cá nhân còn đăng tải lên các trang web rao vặt như enbac, muare... nhận đổi tiền lẻ. Để tránh bị phát hiện, các đối tượng này "giới thiệu", chỉ dư một chút tiền lẻ mới, sẽ đổi cho bằng mức chi phí mà họ đã bỏ ra để có số tiền trên. 

“Mạnh tay” với những vi phạm

Để hạn chế tình trạng đổi tiền trái phép, UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 726/UBND-KT về việc tăng cường quản lý và chấn chỉnh việc lưu thông, sử dụng đồng tiền Việt Nam mệnh giá nhỏ trên địa bàn TP. Theo đó, UBND TP giao UBND các quận, huyện, thị xã chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chi nhánh TP Hà Nội, Sở VHTT&DL, Sở Công Thương, Công an TP Hà Nội kiểm tra, hướng dẫn hoạt động tại các di tích, lễ hội, tín ngưỡng trên địa bàn theo đúng quy định pháp luật về việc sử dụng, lưu thông đồng tiền Việt Nam; bảo đảm an ninh kinh tế, trật tự an toàn xã hội tại các di tích, nơi tổ chức các lễ hội, tín ngưỡng trên địa bàn quản lý. Việc tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát hoạt động dịch vụ đổi tiền không đúng quy định pháp luật trên địa  bàn…

Hiện, NHNN Chi nhánh TP Hà Nội cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành. "Chúng tôi sẽ chú trọng tuyên truyền để người dân hiểu và hạn chế các hoạt động đổi tiền lẻ trái phép mà không nặng về bắt giữ. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là NHNN và các cơ quan liên ngành không có biện pháp xử lý. Các hoạt động kinh doanh tiền tệ đều phải có phép. Nếu đổi tiền lẻ không phép là sai quy định và sẽ bị xử lý nghiêm khắc" - bà Nguyễn Thị Mai Sương - Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hà Nội cho biết.