Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chợ tiền tỷ bỏ hoang, xuống cấp

Thành Luân - Hồng Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay trên địa bàn Hà Nội, nhiều khu chợ dân sinh xây dở dang hoặc đã hoàn thành nhưng không hoạt động, bỏ hoang, gây lãng phí trong khi tiểu thương phải buôn bán ở các chợ tạm. Thực trạng trên cần sớm có lời giải.

Chợ dân sinh “đắp chiếu”

Tình trạng vừa thừa, vừa thiếu chợ dân sinh đang là một thực tế trên địa bàn Hà Nội. Trong khi tại nhiều khu dân cư, một loạt khu đô thị mới, khu tái định cư vẫn khó có một khu chợ để họp thì tình trạng chợ bỏ hoang, tiểu thương lại tập trung buôn bán ngoài con đường cách chợ chỉ vài trăm mét đang là vấn đề bức xúc.

Tính riêng tại quận Nam Từ Liêm, đang có 2 chợ vẫn nằm "đắp chiếu". Đó là chợ dân sinh phường Phú Đô, thuộc địa bàn phường Phú Đô. Chợ được phê duyệt chủ trương đầu tư theo Quyết định số 3551/QĐ-UBND ngày 12/11/2014. Sau đó khởi công xây dựng từ năm 2016, tổng vốn đầu tư 18 tỷ đồng, sau gần 10 tháng thi công, dự án này cơ bản đã được hoàn thành. Tuy nhiên, từ đó đến nay, công trình vẫn không được đưa vào sử dụng. Vì thế, nhiều hạng mục đã xuống cấp, máy móc, trang thiết bị bên trong chợ có dấu hiệu bị hư hỏng do lâu không sử dụng.

Chợ Tây Mỗ bỏ hoang, xuống cấp. Ảnh: Thành Luân
Chợ Tây Mỗ bỏ hoang, xuống cấp. Ảnh: Thành Luân

Chung hoàn cảnh là chợ Tây Mỗ (phường Tây Mỗ). Chợ được đầu tư với quy mô 3.600m2 với hạ tầng gồm nhà chợ chính, nhà Ban quản lý và các công trình phụ trợ. Tổng kinh phí xây dựng 22,5 tỷ đồng, được chấp thuận vào ngày 7/5/2013 nhưng đến nay, công trình này vẫn dở dang.

Theo ghi nhận thực tế, khu chợ này vẫn chỉ xây dựng được hệ thống nhà quản lý, bảo vệ, tường rào và 1 cầu chợ, sau một thời gian dài đã xuống cấp, hoen gỉ, cây dại bao phủ toàn bộ hạ tầng. Phần cửa vào trở thành nơi tập kết các loại vật liệu xây dựng, phía bên trong sân la liệt kim tiêm nằm giữa đường đi, trong gốc cây, sàn nhà...

Ngoài ra, còn rất nhiều chợ dân sinh khác trên địa bàn Hà Nội cũng đang trong tình trạng trên. Có thể kể đến chợ Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) được xây dựng từ năm 2016 đến nay cũng không thể đi vào hoạt động. Điều đáng nói, việc xây mới chợ để phục vụ nhu cầu tiêu dùng, giảm tình trạng phát sinh chợ cóc, chợ tạm gây mất mỹ quan đô thị, mất an toàn giao thông... Tuy nhiên, khi nào đi vào hoạt động thì vẫn chờ!

Mong mỏi sớm được tháo gỡ vướng mắc

Với số tiền đầu tư lớn nhưng tới nay, nhiều chợ dân sinh vẫn chưa được đưa vào sử dụng khiến cho các tiểu thương, người dân sinh sống tại đây chỉ biết "lắc đầu". Nhu cầu giao thương, vận chuyển lớn khiến cho các chợ cóc, chợ tạm mọc lên.

Ông Đỗ Trọng Đức (trú tại Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) cho biết, nếu chợ dân sinh Tây Mỗ được đi vào hoạt động, không chỉ đáp ứng nhu cầu giao thương riêng của khu vực mà còn cả các vùng giáp ranh. "Thực tế việc chợ sớm được đi vào hoạt động là cần thiết, giúp giải tỏa chợ tạm hiện nay đang buôn bán lấn chiếm phần sân của đình làng đồng thời giúp người dân yên tâm về an ninh khu vực, tránh mất vệ sinh" - ông Đức cho hay.

Còn về phần chợ Phú Đô, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Đô Lê Văn Chư cho biết, hiện nay, UBND quận Nam Từ Liêm đang rất rốt ráo tiến hành giải quyết, gỡ vướng dự án này. Phường cùng Nhân dân rất mong mỏi dự án sớm được bàn giao và đưa vào sử dụng.

Theo các chuyên gia quản lý đô thị, thời gian qua, trên địa bàn Thủ đô có hàng trăm dự án chậm triển khai, mặc dù tình trạng này đã diễn ra hàng chục năm nay nhưng trên thực tế việc xử lý không hề đơn giản. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do trong quá trình rà soát, UBND quận, huyện báo cáo chưa đầy đủ về thông tin, tính pháp lý của dự án; chưa nghiêm túc trong công tác giám sát đầu tư, thiếu chế tài xử phạt chủ đầu tư không hợp tác. Ngoài ra, một phần do thay đổi chính sách đất đai, quy hoạch, chính sách giải phóng mặt bằng...

Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội Nguyễn Thế Điệp nhìn nhận, quá trình đô thị hóa phát triển nhanh, trong khi đó cơ chế, chính sách lại không theo kịp với tiến trình phát triển nên đã nảy sinh nhiều bất cập.

"Nếu do khách quan thì cần phải tháo gỡ để dự án tiếp tục thực hiện. Bởi giai đoạn này nền kinh tế rất khó khăn, nếu thu hồi lại mà không có chủ đầu tư khác để giao đất thì nghĩa là đất vẫn bị bỏ hoang. Đối với trường hợp những chủ đầu tư cố tình giữ đất để tăng lợi ích thì chính quyền phải kiên quyết thu hồi" - ông Nguyễn Thế Điệp cho hay.

Nhiều ý kiến cho rằng, để giải bài toán đối với những khu chợ bị bỏ hoang, các cấp chính quyền cần bắt tay sớm tháo gỡ vướng mắc, đưa chợ vào hoạt động đúng mục đích. Và để ngăn tình trạng chợ xây dựng xong rồi bỏ không, gây lãng phí, trước khi lập dự án, chính quyền cấp cơ sở cùng các ngành liên quan phối hợp chặt chẽ đưa ra những nghiên cứu kỹ việc xây dựng chợ ở địa phương như thế nào cho phù hợp, phát huy được hết công năng. Đồng thời có quy chế gắn trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân trong quy hoạch, xây dựng và đưa chợ vào hoạt động.

 

Theo Sở Công Thương Hà Nội, trên địa bàn TP hiện có 453 chợ, trong đó 15 chợ hạng 1 (chiếm 3,31%), 58 chợ hạng 2 (chiếm 12,8%), 348 chợ hạng 3 (chiếm 76,82%). Trong tổng số 453 chợ có 89 chợ kiên cố (chiếm 19,64%); 248 chợ bán kiên cố (chiếm 54,74%); 116 chợ lều lán tạm (chiếm 25,62%).