Nhiều trường hợp đã chịu cảnh tiền mất tật mang, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Suýt chết vì thầy lang
Mới đây nhất, trên các diễn đàn mạng xã hội đã chia sẻ câu chuyện của một người mẹ tên Tr. có con trai là B.L bị u nguyên bào thần kinh đang điều trị tại Bệnh viện K cơ sở 3 chờ chết vì tin vào thầy lang. Theo chia sẻ của mẹ B.L, cách đây hơn 2 tháng, bé B.L được chẩn đoán bị u nguyên bào thần kinh và được các bác sĩ chỉ định truyền hóa chất, lúc đó khối u đã to 8cm và đã di căn sang các bộ phận khác. Thế nhưng, thay vì tin lời bác sĩ, gia đình chị Tr. lại nghe người quen “mách nước” đi lấy thuốc của một thầy lang ở tận Hà Giang. Hơn 5 triệu đồng tiền thuốc với thành phần đủ các loại lá, rễ cây, sau 2 tháng sử dụng, bệnh tình của bé B.L ngày càng trầm trọng. Khi quay lại viện, khối u đã to chiếm hết ổ bụng, vượt quá đầu dò siêu âm nên không thể đo được kích thước, bé B.L suy kiệt chỉ còn da bọc xương, cuộc sống chỉ có thể cầm cự theo ngày. Lúc ấy, cả gia đình mới ân hận nhưng đã quá muộn.
Theo chia sẻ của nhiều bác sĩ, không ít bệnh nhân ở bệnh viện điều trị đã ổn định và trong thời gian chờ truyền hoá chất, đợt điều trị mới lại loay hoay tìm các thầy lang khác để mua thuốc uống chữa bệnh. Có những bệnh nhân chữa thầy lang mỗi tháng hết 14 – 15 triệu đồng, hậu quả bị suy thận phải lọc máu. Lúc ấy, bệnh vô cùng nguy hiểm vì đã có bệnh trên nền của tế bào ác tính. Thậm chí, nhiều bệnh nhân khi phát hiện bị ung thư liền xin ra về chữa thầy lang rồi vài tháng sau quay lại trong tình trạng nặng hơn, qua mất giai đoạn vàng để chữa được bệnh. Không chỉ với bệnh ung thư, nhiều trường hợp mắc các bệnh xương khớp cũng tìm đến thầy lang để đắp lá, tiêm thuốc. Không ít trường hợp bị nhiễm trùng lan rộng, hoại tử sâu do tiêm không đúng kỹ thuật hay bị bỏng, phồng rộp da diện rộng do đắp ủ thuốc lâu ngày.
Đặt niềm tin đúng chỗ
Ông Nguyễn Xuân Hướng – nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho rằng, hiện cả nước có khoảng hơn 70.000 hội viên là lương y nhưng tỷ lệ được cấp phép hành nghề còn khá ít. Bởi theo quy định, để được cấp phép thì lương y phải được học tại các trường đại học theo hệ đào tạo của Bộ Y tế. Do đó, ngay cả với những lương y đã được học bài bản, nếu không đáp ứng được quy định này thì cũng không được cấp phép. Vì vậy, nhiều lương y không được cấp phép vẫn hoạt động “chui” và nhiều người không có trình độ chuyên môn cũng tự nhận mình là “lương y”. Về phía quản lý, theo quy định của Sở Y tế Hà Nội, 100% các phòng khám đông - tây y trên địa bàn sẽ do phòng y tế quận, huyện chịu trách nhiệm kiểm tra. Thanh tra Sở Y tế xây dựng kế hoạch kiểm tra theo chuyên đề, siết chặt việc quản lý. Thế nhưng, theo ông Nguyễn Việt Cường - Chánh Thanh tra Sở Y tế, đối với những thầy lang chữa bệnh không treo biển hiệu, không mở phòng khám, người dân đến bắt bệnh bốc thuốc giống như người quen đến hỏi thăm nhau thì lại rất khó kiểm soát.
Trước những “lỗ hổng” trong kiểm soát hoạt động khám chữa bệnh đông y như trên, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần đặt niềm tin đúng chỗ khi lựa chọn phương pháp điều trị bệnh bằng đông y. Cần phải xác nhận đó là lương y đã được cấp chứng chỉ hành nghề. Không nên tin vào những lời truyền miệng hay những quảng cáo “thổi phồng” của các cơ sở đông y, nhất là trong điều trị ung thư. Bên cạnh đó, người dân cần cân nhắc kỹ khi lựa chọn tiêm truyền tại các nhà thầy lang. Bởi lẽ, hầu hết thầy lang đều chưa học về giải phẫu, dược lý, tiêm truyền mà chỉ học về dược lý của các thuốc đông y, châm cứu, thủy châm, bấm huyệt… nên rất có thể tiêm vào vùng nguy hiểm hoặc không đảm bảo vô trùng dẫn đến nhiễm trùng vết tiêm, chưa kể đến việc liều thuốc sử dụng có thể không chính xác. Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, công tác kiểm soát, thanh tra các thầy lang đang hành nghề cần phải thực hiện thường xuyên nhằm loại trừ những thầy “băm” để đưa nền đông y phát triển đúng hướng, góp phần tạo hiệu quả trong công tác khám chữa bệnh.