Cho vay hơn 85% tổng mức đầu tư Dự án BOT: Các ngân hàng đang “giỡn” với rủi ro?

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc các chủ đầu tư BOT phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn vay ngân hàng được đánh giá là tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Thời gian cho vay kéo dài trong khi ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn, nhiều chủ đầu tư “tay không bắt giặc”, hoạt động thu hồi vốn để trả nợ cho các khoản vay của nhà đầu tư chủ yếu từ việc thu phí khiến hệ số trả nợ thấp… là thực tế của nhiều khoản vay nghìn tỷ tại các Dự án BOT. Vốn ngân hàng đổ vào các dự án này chiếm từ 85% - 90% tổng mức đầu tư, trong khi năng lực tài chính một số nhà đầu tư yếu kém, cộng thêm những rủi ro pháp lý, tiến độ… đã khiến ngân hàng thêm nặng gánh rủi ro.

Vốn lớn

Thời gian qua, ngành ngân hàng đã dành nguồn vốn lớn cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, chiếm từ 85- 90% tổng mức đầu tư của ác dự án BOT có tài trợ vốn của ngân hàng. Theo số liệu của Bộ GTVT, trong số 45 dự án BOT giao thông đã hoàn thành và đi vào khai thác giai đoạn từ năm 2000 - tháng 6/2016, số vốn mà các dự án đã vay tại ngân hàng là 94.106 tỷ đồng, chiếm 85,3% tổng mức đầu tư.
 TPBank đồng ý cấp tín dụng 700 tỷ đồng cho dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.
Trừ Ngân hàng Phát triển (VDB), đến ngày 30/6/2016, chỉ tính riêng các ngân hàng thương mại, tổng mức cam kết cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông là 159.204 tỷ đồng. Tổng số dư cấp tín dụng là 83.611 tỷ đồng, tăng 12,43% so với cuối năm 2015. Mức tăng này cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng 6 tháng đầu năm. Riêng 3 ngân hàng BIDV, Vietinbank và SHB… có tổng hạn mức cấp tín dụng chiếm 85,64%, dư nợ chiếm 85,3% so với toàn ngành.

Trong số các dự án đã hoàn thành, nhiều cái tên như BIDV, Vietinbank, Vietcombank, SHB… đã tích cực góp vốn vào các dự án BOT. Một số dự án điển hình như Dự án Quốc lộ 1 đoạn Nam Bến Thủy - TP Hà Tĩnh được BIDV cho Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 làm chủ đầu tư vay 2.053 tỷ đồng; Vietinbank Chi nhánh Nhơn Trạch cho Dự án Quốc lộ 1 đoạn tránh TP Biên Hòa Đồng Nai vay số tiền 1.067 tỷ đồng (85% tổng mức đầu tư); SHB cho chủ đầu tư dự án Quốc lộ 1 đoạn km1063+877+km1092+577 đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi do liên doanh Thiên Tân và Thành An làm chủ đầu tư vay 1.850 tỷ đồng (86,5% tổng mức đầu tư).

Đối với các dự án đang triển khai, một số dự án đã ký hợp đồng tín dụng với các ngân hàng với số tiền hàng chục nghìn tỷ đồng. Một số dự án lớn bắt đầu triển khai như Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn với tổng vốn đầu tư 12.188 tỷ đồng cũng đang được thẩm định xem xét với mức đề nghị vay ngân hàng là 10.894 tỷ đồng, trong đó, Vietinbank cho vay 4.000 tỷ đồng, TPBank cho vay 700 tỷ đồng, phần còn lại BIDV làm đầu mối để thu xếp cho vay khoảng 30 - 50% tổng nhu cầu vay của dự án.

Rủi ro cao

Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, việc tăng trưởng nguồn vốn tín dụng đầu tư vào các dự án BOT góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư. Tuy nhiên, việc các chủ đầu tư BOT phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn vay ngân hàng được đánh giá là tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Theo thống kê, vốn ngân hàng đang đổ vào các dự án BOT rất lớn, chiếm 85 - 90% tổng đầu tư. Như vậy, mặc dù tham gia với tư cách nhà đầu tư nhưng thực chất, họ chỉ có nguồn vốn tự có rất khiêm tốn.
Theo đại diện NHNN, đơn vị nào khá thì tỷ lệ vốn tự có trên dự án là 15%, còn lại phần lớn chỉ 10 - 11%. "Một số nhà đầu tư còn không đủ khả năng góp vốn đủ số vốn như đã cam kết dẫn đến phải dừng thực hiện. Nhiều dự án bị chậm tiến độ do năng lực thi công của nhà thầu không đáp ứng yêu cầu, tiến độ GPMB chậm. Nhiều dự án trong quá trình thực hiện bị tăng tổng mức đầu tư, ảnh hưởng đến hiệu quả dự án cũng như khó khăn trong việc tìm nguồn vốn bổ sung để tiếp tục trả nợ thực hiện dự án và trả nợ ngân hàng"- đại diện NHNN cho hay.

Mặt khác, các dự án BOT có tổng hạn mức đầu tư lớn, nhu cầu nguồn vốn dài hạn khoảng 20 - 25 năm trong khi vốn tín dụng của các ngân hàng vẫn chủ yếu là ngắn hạn, tiềm ẩn rủi ro thanh khoản. Tài sản đảm bảo cho dự án BOT chủ yếu hình thành từ tương lai nên khó định giá, rủi ro cao.
Bên cạnh đó, rủi ro pháp lý khi có sự thay đổi về các quy định, chính sách làm ảnh hưởng đến tính hiệu quả về mặt tài chính của các dư án BOT. Đơn cử, dự án Quốc lộ 1 đoạn tránh TP Biên Hòa - Đồng Nai có tổng mức đầu tư 1.255 tỷ đồn, thời gian hoàn vốn dự kiến là hơn 22 năm, vay vốn tại Vietinbank 1.067 tỷ đồng, thời gian vay 14 năm, chủ đầu tư được khai thác Trạm thu phí Sông Phan (Bình Thuận) để thu hồi vốn. Tuy nhiên, khi đi vào khai thác, đường bị hư hỏng nhanh chóng và chủ đầu tư chưa khắc phục xong nên Trạm thu phí Sông Phan chính thức bị Tổng cục Đường bộ Việt nam yêu cầu dừng thu phí từ 12giờ ngày 21/5/2016.
Theo tính toán của Thanh tra Bộ KH&ĐT, trong 5 tháng đầu tiên thu phí của Dự án, doanh thu bán vé trung bình khoảng 15 tỷ đồng/tháng. Như vậy, việc phải tạm dừng thu phí có thể khiến nhà đầ tư hụt thu hàng tỷ đồng. Ngoài ra, theo kết luận của cơ quan quản lý sau hi tiến hành thanh tra, doanh thu thực tế của dự án thấp hơn trong phương án tài chính khoảng 25,4 tỷ đồng môi năm, dẫn đến thời gian hoàn vốn sẽ không như dự kiến. Với những bất lợi này, nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn trong thu hồi vốn và hoàn trả nợ cho Vietinbank đúng hạn.

Để hạn chế các rủi ro này, các chuyên gia cho rằng, ngân hàng cần thực hiện tốt công tác tẩm định dự án, quản lý, kiểm soát tốt rủi ro, chọn lọc chủ đầu tư tốt, chặt chẽ khi giải ngân, kiểm soát dòng tiền. Đối với các dự án có tổng mức đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài, các ngân hàng nên thực hiện cho vay hợp vốn để chia sẻ rủi ro, tăng cường giám sát vốn vay…
Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, trông tổng số 150 dự án BOT, BT giao thông ngân hàng tài trợ vốn hiện nay, có 22 dự án bị chậm tiến độ với tổng hạn mức cấp tín dụng là 20.122,6 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do giải phóng mặt bằng tăng tổng mức đầu tư hoặc không đủ vốn chủ sở hữu tham gia vào dự án.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần