Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2022)

Chọn cán bộ có phẩm chất, bản lĩnh

Trần Hà (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã ghi thêm dấu ấn mới trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và tổ chức cán bộ.

Những quy định, kết luận mới được ban hành đã bổ sung thêm công cụ để lấp các lỗ hổng, bịt khe hở, ngăn ngừa vi phạm. Đó là nhận định được PGS.TS Nguyễn Văn Giang - nguyên Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh trong cuộc trò chuyện với báo Kinh tế & Đô thị vào đầu năm mới 2022.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội tháng 11/2021. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội tháng 11/2021. Ảnh: TTXVN

Phù hợp với sự vận động của xã hội

Từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, nhiều quy định, kết luận về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được ban hành. Đây thực sự là những bước quan trọng trong việc hoàn thiện các quy định của Đảng để phù hợp thực tiễn, thưa ông?

- Đúng thế. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Trong những năm tới, phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”. Quan điểm, chủ trương này đã được chứng minh bằng thực tế, từ sau Đại hội XIII, nhiều quy định, chỉ thị, kết luận để tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về nhiều mặt đã được ban hành.

Một số quy định nổi bật có thể điểm ra như Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành T.Ư về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; Quy định số 37-QĐ/TW của Ban Chấp hành T.Ư về những điều đảng viên không được làm; Quy định 41- QĐ/TW về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ…

Những quy định, kết luận mới của Đảng có thể hiểu là cập nhật, bổ sung công cụ để lấp các lỗ hổng, bịt các khe hở, ngăn ngừa các vi phạm phát sinh. Đó là sự tất yếu và rất cần thiết cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phù hợp với sự vận động không ngừng của xã hội. Qua đó, thể hiện quyết tâm cao hơn, tập trung cao hơn, chỉ đạo quyết liệt hơn, kiên quyết ngăn chặn suy thoái và xử lý nghiêm cán bộ vi phạm. Đồng thời, không chỉ chống suy thoái trong nội bộ Đảng mà còn mở rộng ra cả hệ thống chính trị, đây là yêu cầu phù hợp với thực tế.

Với những quy định mới liên quan đến công tác cán bộ này vừa được bổ sung, theo ông, có lấp đầy được các khoảng trống, nâng cao chất lượng cán bộ và ngăn ngừa vi phạm?

- Trước đây, nói xây dựng Đảng là xây dựng 3 mặt truyền thống: Xây dựng Đảng về chính trị, về tư tưởng và về tổ chức. Đại hội XII có bổ sung thêm xây dựng Đảng về đạo đức. Đến Đại hội XIII xác định xây dựng Đảng về 5 mặt: Chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.

Theo tôi, khâu đột phá, mấu chốt là vấn đề cán bộ. Các quy định của Đảng được ban hành thời gian qua tổng thể đã bao phủ cả 5 mặt xây dựng Đảng, tuy nhiên trọng tâm mấu chốt vẫn tập trung vào cán bộ. Điển hình như Quy định số 41 về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ hay Kết luận 14 - KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Tôi rất quan tâm đến những điểm mới trong Quy định số 41, thể hiện rõ tinh thần mới về chỉnh đốn Đảng. Trong đó, quy định lại những căn cứ về miễn nhiệm đối với cán bộ và những căn cứ để xem xét cho từ chức đối với những cán bộ chưa đủ năng lực, phẩm chất. So với Quy định số 260-QĐ/TW trước đây, việc xem xét miễn nhiệm cán bộ trong quy định lần này gọn hơn nhưng rõ hơn.

Chẳng hạn, trong đó nêu ra vấn đề miễn nhiệm cán bộ có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định. Đây là điểm mới rất mạnh, thể hiện tinh thần mới của Đảng về đổi mới công tác cán bộ, về kiểm soát quyền lực, thay thế cán bộ yếu kém. Đối với những cán bộ bị kỷ luật thì đã rõ rồi nhưng đối với những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ hoặc phẩm chất không còn đủ uy tín nhưng chưa đến mức phải kỷ luật thì căn cứ vào quy định mới này có thể kịp thời thay thế, không phải đợi đến hết nhiệm kỳ.

Không dung thứ, bao che cho bất cứ vi phạm nào

Vừa qua, T.Ư đã ban hành một hệ thống văn bản về kỷ luật Đảng và Nhà nước ngày càng chặt chẽ, đồng bộ. Ông đánh giá thế nào về việc này?

- Việc xử lý kỷ luật cán bộ lâu nay luôn được Đảng ta thực hiện một cách thận trọng, nghiêm minh, công tâm và rất khách quan. Với việc hàng loạt cán bộ cả đương chức, nghỉ hưu, trong đó có nhiều người giữ các cương vị lãnh đạo cao bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị truy tố đã thể hiện rõ quyết tâm của Đảng trong việc làm trong sạch đội ngũ.

Song, thực tế thời gian qua cho thấy vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên và đây cũng là vấn đề lớn đặt ra trong thời gian tới. Bởi thực ra có những sai phạm không phải mới xảy ra, nhiều việc xảy ra từ nhiều nhiệm kỳ trước, đó chính là kết quả của việc thiếu kiểm tra, giám sát, thiếu đôn đốc. Do đó, đã tới lúc không chỉ tiến hành đồng bộ giữa kỷ luật Đảng với kỷ luật về mặt Nhà nước và kỷ luật của các đoàn thể mà cần phải đồng bộ trong thực hiện từ T.Ư tới cơ sở.

Với các quy định mới được bổ sung, trong đó có Quy định số 22-QĐ/TW về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng, đã thể hiện rõ tinh thần không khoan nhượng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Qua đó góp phần quan trọng vào việc đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Việc hoàn thiện thể chế trong Đảng rất quan trọng nhưng quan trọng hơn là tổ chức thực hiện. Vấn đề này Đảng ta cũng đã xác định rõ và chỉ ra những khâu yếu, cần khắc phục.

Theo tôi, đầu tiên phải quán triệt sâu để đảm bảo mỗi cán bộ, đảng viên đều nhận thức một cách sâu sắc những quy định đó. Cùng với đó, đề cao trách nhiệm thực hiện, thay vì chỉ đối phó. Nếu cán bộ chủ chốt không quan tâm, nắm vững, tổ chức thực hiện không nghiêm, cũng phải xử lý. Tiếp đó, các cấp ủy phải cụ thể hóa vào từng chương trình hành động; trong chỉ đạo, lãnh đạo phải giữ được sức nóng.

Gần 40 năm đổi mới thành công, đất nước ta đã đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế, lòng dân phấn khởi, tin và ủng hộ Đảng. Đây là cơ sở quan trọng để chúng ta tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng để Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Xin cảm ơn PGS.TS!