KTĐT - Gần 4 giờ sáng, chúng tôi đến chợ rau đầu mối tại đường Lê Đức Thọ kéo dài (quận Cầu Giấy). Cảnh mua bán đông đúc như ban ngày. Hàng trăm người buôn rau từ các huyện ngoại thành như: Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn… đổ dồn về chợ.
Sau đợt xăng tăng giá, giá nhiều thực phẩm tại chợ cóc ở Hà Nội tăng đột biến, nên không ít người chọn cách đi chợ lúc nửa đêm
Gần 4 giờ sáng, chúng tôi đến chợ rau đầu mối tại đường Lê Đức Thọ kéo dài (quận Cầu Giấy). Cảnh mua bán đông đúc như ban ngày. Hàng trăm người buôn rau từ các huyện ngoại thành như: Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn… đổ dồn về chợ.
Các mặt hàng: su hào, bắp cải, khoai, cà chua… được bày la liệt trên đoạn đường dài gần 100m. Một tiểu thương bán rau tại chợ cho biết: “Chợ họp từ 12 giờ đêm đến 6 giờ sáng nhưng tầm nào khách đến mua cũng đông. Trước 3 giờ bán cho khách mua buôn về bán lại tại các chợ cóc Hà Nội, còn sau 3 giờ là bán lẻ cho người dân nội thành. Khoảng một tháng nay, dân mình đi chợ sáng sớm mua rau tăng đột biến”.
Ông Nguyễn Quốc Hưng (Ban quản lý chợ rau đầu mối) cho biết, giá rau, củ tại các chợ đầu mối tăng khoảng 10%, trung bình mỗi ngày có hàng nghìn người tham gia mua bán tại chợ. Do giá tại chợ bán lẻ tăng cao nên chợ đầu mối là lựa chọn hàng đầu cho những người có thu nhập thấp.
Đã nhiều tuần nay, chị Chu Ánh Tuyết (huyện Cầu Diễn) đều dậy khi trời còn tối om, rồi lọ mọ đến chợ đầu mối. Chị Tuyết chọn những loại rau để được lâu như: su hào, su su, khoai tây, mỗi loại 5 cân. Chị tâm sự: “Tôi làm công nhân may mũ có chi nhánh tại Nhổn. Lương chỉ 1,7 triệu đồng/tháng, trong khi thứ gì cũng tăng giá nên chỉ còn cách chịu khó đi chợ nửa đêm để mua được rau giá gốc. Mất công dậy nửa đêm đi chợ nên tôi mua rau cho cả tuần và chọn những loại rau, củ để được lâu”.
Giống chị Tuyết, chị Đỗ Thu Hương (sinh viên Trường Đại học Thương mại Hà Nội) chia sẻ: “Giá cả thực phẩm tăng chóng mặt từng ngày, nhất là sau khi giá xăng, điện đều tăng. May chợ rau gần chỗ mình trọ nên hầu như ngày nào mình cũng dậy sớm ra chợ. Tuy giá rau chợ đêm có tăng đôi chút nhưng vẫn rẻ hơn một nửa so với chợ cóc ban ngày”.
Không chỉ lọ mọ mua rau, 2 giờ sáng, khi chúng tôi có mặt tại lò mổ Minh Anh (Từ Liêm), nhiều người dân đã chực chờ tại đây mua thịt. Ông Nguyễn Văn Cự (Quản lý tại lò mổ) cho biết: “Trước đây, tại lò mổ chỉ giết mổ bán móc hàm cho những tiểu thương bán lẻ. Trung bình một ngày mổ bán 50 - 60 con. Nhưng khoảng nửa tháng nay, khi giá cả mọi thứ đều tăng thì lò mổ chúng tôi bán lẻ cho cả người dân đến mua. Lượng bán ra tăng gấp đôi so với tháng trước”.
Người ghi sổ sách lò mổ cho hay: “Khách mua lẻ đến lò mổ của chúng tôi chủ yếu mua thịt ba chỉ cho rẻ. Họ mua với số lượng lên đến chục cân. Họ thường tập trung nhiều hộ gia đình trong xóm, phân công nhau đến mua từ lúc nửa đêm”.
Nhìn bảng danh sách khách hàng lẻ của lò mổ thấy họ chủ yếu là người làm việc trong các khu công nghiệp Hà Nội, sinh viên khu Nguyễn Trãi - Hà Đông và công nhân tại các công trường xây dựng quanh Hà Nội.
Ông Cự cho biết, có những khách hàng làm việc tại khu công nghiệp Gia Lâm cũng sang tận bên này mua thịt. Cứ cách ba ngày, các công nhân chung tiền thay nhau qua mua thịt về chia cho cả xóm trọ. “Họ đạp xe hơn 20 cây số sang đây nên nhiều lúc còn những bộ lòng thừa chúng tôi cho thêm họ”.
Thực phẩm đua nhau làm giá
10 giờ sáng, trong vai trò của người đi chợ, chúng tôi đến chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy) mua rau và thịt. Giật mình khi các sạp thịt, rau ở đây đồng loạt lập bảng giá mới sau hai ngày giá xăng tăng. Một tiểu thương bán thịt nói: “Tại lò mổ bây giờ cũng tăng hơn 10.000 đồng/cân móc hàm lên 120.000 đồng/cân, giá xăng tăng nên chi phí vận chuyển cũng tăng theo thì làm sao mà thịt về đến đây không tăng được”.
Nếu so sánh giữa giá tại các lò mổ với giá tại chợ thì thấy, các tiểu thương tại đây đang đua nhau làm giá. Tại lò mổ, thịt ba chỉ 80.000 đồng/cân, về chợ cóc lên 110.000 đồng/cân; nạc thăn 87.000 đồng/cân ra chợ là 117.000 đồng/cân; các loại thịt khác khi về chợ cóc đều được đẩy lên từ 20.000 đến 30.000 đồng/cân.
Giá rau từ chợ đầu mối về chợ cóc cũng được đẩy lên gấp đôi, thậm chí gấp ba lần so với chợ đầu mối. Dạo qua một số chợ cóc như: Cống Vị, Thái Hà, Đống Đa, Bách Khoa…, giá rau, thịt cũng bị đẩy lên cao từ 3.000 - 5.000 đồng sau khi giá xăng tăng và tăng 10.000 - 30.000 đồng so với giá tại nơi cung cấp.
Một số thực phẩm lập bảng tăng giá mới như: gà công nghiệp: 75.000 đồng/cân (tăng 5.000 đồng), gà ta 140.000 đồng/cân (tăng 20.000 đồng), thịt bò loại ngon 200.000 đồng/cân (tăng 30.000 đồng)…
Lượn một vòng, từ chợ đầu mối đến chợ cóc, thấy đường đi của giá thật nhẫn tâm. Chỉ khổ cho người nghèo, lo miếng ăn đã khó, lại vất vả muôn phần khi phải dậy từ lúc nửa đêm.