Chọn giải pháp tối ưu để xử lý dứt điểm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi báo Kinh tế & Đô thị cùng một số cơ quan báo chí có nhiều bài phản ánh về...

Kinhtedothi - Sau khi báo Kinh tế & Đô thị cùng một số cơ quan báo chí có nhiều bài phản ánh về việc 12 hộ dân (với gần 60 nhân khẩu) sống tại khu nhà 146 Quán Thánh (phường Quán Thánh, quận Ba Đình) đang phải sống chung với úng ngập của nước thải trong suốt một thời gian dài, mới đây, Sở Xây dựng và các cơ quan chức năng đã chính thức khẳng định nguyên nhân gây úng ngập cho các hộ dân tại khu nhà 146 Quán Thánh là do cống thoát nước bị tắc bất thường dưới nền nhà số 5 Đặng Dung bởi gạch vụn và giẻ rách đùn kín.

Sống chung với nước thải suốt 3 năm

Khu nhà 146 Quán Thánh có nguồn gốc là một biệt thự rộng hơn 300m2, được xây dựng từ thời Pháp. Nhà có một đường cống thoát nước chạy từ sân chung dưới nền nhà của 3 gia đình rồi đổ thẳng vào cống thoát nước lớn ở phố Đặng Dung. Qua nhiều năm sử dụng, hệ thống thoát nước vẫn hoạt động ổn định, không bao giờ xảy ra tình trạng ứ đọng. Tuy nhiên, từ tháng 7/2013, khu dân cư ở đây bất ngờ chìm trong nước thải chỉ sau trận mưa nhỏ. Theo tường trình của người dân, kiểm tra sơ bộ, các hộ dân phát hiện cống thoát nước từ khu nhà 146 Quán Thánh ra phố Đặng Dung, đoạn qua nhà ông Nguyễn Xuân Minh (số 5 Đặng Dung) có dấu hiệu bị chặn lại. Phát hiện dấu hiệu bất thường, các hộ dân đã có đơn gửi UBND phường Quán Thánh và quận Ba Đình đề nghị kiểm tra, xử lý.
Điểm cống tắc nghẽn gây ứ đọng được công nhân phát hiện xử lý.  	Ảnh: Tuấn Nguyễn
Điểm cống tắc nghẽn gây ứ đọng được công nhân phát hiện xử lý. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Trước những kêu cứu của người dân, UBND quận Ba Đình lựa chọn phương án xây dựng hệ thống thoát nước mới giải quyết tình trạng ứ đọng nước thải tại đây. Tuy nhiên, các hộ dân sinh sống trong số nhà tiếp tục gửi đơn tới UBND TP Hà Nội và các cơ quan chức năng kiến nghị cần làm rõ nguyên nhân dẫn đến ngập úng, ô nhiễm trước khi xây dựng phương án giải cứu cụ thể.

Hé lộ nguyên nhân

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội và Giấy phép đào đường do Sở GTVT Hà Nội cấp ngày 26/6/2015 về việc phục vụ kế hoạch kiểm tra kết cấu hạ tầng hệ thống cống thoát nước. Mới đây, UBND quận Ba Đình phối hợp với Sở Xây dựng Hà Nội, Công ty Thoát nước Hà Nội huy động lực lượng và các phương tiện dò tìm hiện đại nhất để nhằm xác định nguyên nhân gây tắc, cũng như định vị khu vực cống bị tắc để từ đó báo cáo TP và lên phương án xử lý.
Chọn giải pháp tối ưu để xử lý dứt điểm - Ảnh 1
Khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra hiện trạng hệ thống cống thoát nước tại khu nhà 146 Quán Thánh cho thấy: Khi đào hố ga G3 trong số nhà 146 Quán Thánh (thuộc hộ bà Lê Tuyết Băng, liền kề với nhà số 5 Đặng Dung) đến độ sâu khoảng 0,8m gặp đường cống xây gạch cũ kết nối với cống D200 bằng nhựa có hướng chảy vào trong nền nhà số 5 Đặng Dung (đây là hệ thống thoát nước duy nhất của khu nhà 146 Quán Thánh - PV). Tiến hành sử dụng biện pháp thủ công kết hợp với cơ giới để thông tắc cống, lực lượng chức năng đã moi ra được rất nhiều giẻ được nút trong cống, thông từ miệng cống nhựa D200 sâu 0,8m thì tắc không thông được.

Tiếp tục kiểm tra tại vị trí hố đào trước nhà số 5 Đặng Dung (dưới đường nhựa, cách tường nhà số 5 Đặng Dung khoảng 2,4m), khi đào đến độ sâu 1,5m gặp đường cống bê tông cũ D300 được kết nối với cống D800 trên phố Đặng Dung. Tuyến cống D300 có hướng chảy qua nhà số 5 Đặng Dung. Sử dụng dàn xe cơ giới để thông tắc, lực lượng chức năng lại moi ra được nhiều gạch vụn trong cống. Thông từ miệng cống D300 vào sâu 6m thì không thông được. Vị trí tắc được xác định nằm trong nền nhà số 5 Đặng Dung...

Dựa trên kết quả khảo sát và kiểm tra hiện trạng hệ thống thoát nước tại khu nhà 146 Quán Thánh, Công ty Thoát nước Hà Nội và Sở Xây dựng sẽ có báo cáo gửi UBND TP Hà Nội, đồng thời xin ý kiến chỉ đạo việc xử lý tình trạng ô nhiễm, xú uế để sớm có biện pháp giải cứu cho các hộ dân đang sinh sống tại khu nhà 146 Quán Thánh.

Liên quan đến vụ việc trên, một lãnh đạo UBND quận Ba Đình cho biết, sau khi xác định rõ nguyên nhân gây ngập úng, Sở Xây dựng sẽ có báo cáo gửi UBND TP Hà Nội và gửi văn bản thông báo đến cơ quan chức năng liên quan. Dựa trên kết quả kiểm tra, Sở Xây dựng và UBND quận Ba Đình sẽ làm việc với các đơn vị liên quan để bàn thảo, thống nhất và lựa chọn giải pháp tối ưu để xử lý dứt điểm vụ việc này trong thời gian sớm nhất.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần