Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chốn linh thiêng dưới hàng ngói đỏ phủ rêu trên núi Vệ Linh

Bài và ảnh: Hồng Hạnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sở hữu vẻ đẹp sơn thủy hữu tình, chốn linh thiêng dưới những hàng ngói đỏ phủ rêu, trên núi Vệ Linh – Quần thể di tích đền Sóc (hay còn gọi là núi Sóc, thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) sẽ mang đến cho du khách cảm giác yên bình, thư thái.

 Quần thể di tích đền Sóc nằm trong một vùng rừng núi bao la, bốn mùa cây cối xanh tươi và những khóm tre ngà vàng óng.
 Mái đền ngói đỏ phủ rêu ẩn mình dưới tán cổ thụ hàng trăm năm tuổi như tô thêm vẻ đẹp chốn tôn nghiêm, cổ kính.
 Đền Gióng Sóc Sơn là nơi gắn với truyền thuyết anh hùng thánh Gióng bay về trời sau khi đánh thắng giặc Ân và được xếp hạng di tích quốc gia năm 1962.
 Đền khởi nguồn từ một ngôi miếu nhỏ trong thôn có tên là Đổng Thiên Vương và chùa Non Nước được xây dựng từ thời Đinh Tiên Hoàng – nơi tu hành của Quốc sư Khuông Việt.
 Trong một lần Lê Hoàn (Lê Đại Hành) cùng các tướng sĩ trên đường hành quân chống giặc Tống xâm lược, vua tôi nhà Tiền Lê đã vào làm lễ cầu thánh Gióng phù hộ.
 Trong trận chiến, quân ta thắng lớn, khi quay về vua Lê Đại Hành vào lễ tạ rồi sai người tìm gốc trầm hương làm tượng thần và xây dựng thành khu đền uy nghi. Đồng thời phong tên thành Phù Đổng Thiên Vương.
 Khu di tích đền miếu Sóc Sơn nổi tiếng với 6 công trình kiến tạo có giá trị lịch sử và nghệ thuật cao: Đền Trình, đền Mẫu (nơi thờ mẹ Thánh Gióng), chùa Đại Bi, đền Thượng, hòn đá Trồng và lăng bia đá ghi lại lịch sử và hội đền Sóc, tạo thành một tồng thể hài hòa, sống động.
 Tất cả những công trình này được xây dựng và trùng tu từ giai đoạn tiền Lê, nhiều lần tôn tạo, tu bổ qua các triều đại phong kiến khác góp phần làm cho khu di tích ngày càng to đẹp.
 Trong đó, nơi có niên đại xưa nhất đó là đền Thượng, là nơi thờ Đức Thánh Gióng.  
 Đền Thượng có nhà Đại Bái và Hậu cung.  Nhà Đại Bái được trang trí bằng nhiều câu đối, lọng vàng, lọng tía, đôi hạc… Hậu cung thờ Thánh Gióng là một bức tượng khá lớn bằng gỗ trầm hương, khoác áo bào đỏ, khuôn mặt phương phi. Bên cạnh là 6 vị công thần đã giúp ông đánh thắng giặc.
Đền có hai tầng mái, các mái đều uốn cong và chạm trổ hình rồng rất đẹp mắt. 

 Còn đền Hạ hay còn gọi là đền Trình thờ sơn thần thổ địa, là các vị thần cai quản núi Sóc.
 Đền Mẫu là nơi thờ bà mẹ sinh ra Thánh Gióng. Đền Mẫu và đền Hạ tuy có diện tích nhỏ hơn đền Thượng nhưng lại mang những nét trạm trổ rất tinh tế, mang hơi hướng kiến trúc cổ Việt Nam.
  Cách đền Trình không xa là chùa Đại Bi. Ngôi chùa nhỏ có lối kiến trúc độc đáo từ mái vòm uốn cong hai đầu, đến những cánh cửa còn nguyên màu sơn son. Bên trong đền được trang trí bởi hoành phi, câu đối đẹp lộng lẫy và uy nghiêm.
 Nằm ở độ cao hơn 110m so với với chân núi, đó là chùa Nước Non (tên chữ là Sóc Thiên Vương Thiền Tự). Tọa lạc ở trên cao nên không gian của chùa trở nên khoáng đạt, không khí xung quanh chùa rất trong lành, tinh khiết. Du khách đến nơi đây sẽ được tận hưởng cảm giác sảng khoái khi hít hà hương vị của thiên nhiên, không gian yên bình, trong lành với mùi hương thoang thoảng hòa quyện cùng gió trời.
  Rời chùa Non Nước, du khách có thể tiếp tục leo lên những bậc đá để lên tận đỉnh của ngọn núi Vệ Linh cao chót vót để thưởng thức thêm vẻ đẹp của núi non hùng vĩ.
Cuối cùng, du khách có thể đến thăm khu nhà bia Sóc Sơn. Nhà bia này hoàn toàn khác với các nhà bia ở các đình chùa khác, hoàn toàn được xây dựng bằng đá phiến, phần thân nhà vững chãi gắn liền với đỉnh hình chóp nón, trông xa giống như chiếc mũ sắt của Thánh Gióng năm xưa.

  Ngay cạnh nhà bia là Hòn đá trồng. Tương truyền, đây chính là áo giáp của Thánh Gióng để lại trước khi bay về trời.
 Sở hữu vẻ đẹp sơn thủy hữu tình, chốn linh thiêng dưới những hàng ngói đỏ phủ rêu, trên núi Vệ Linh – Quần thể di tích đền Sóc (hay còn gọi là núi Sóc, thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) sẽ mang đến cho du khách cảm giác yên bình, thư thái.
 Nơi đây chắc chắn là một địa điểm du lịch cuối tuần lý tưởng cho gia đình hay nhóm bạn bè.