Chọn lối đi riêng

Thục Trinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thành phố nghìn năm tuổi mang trong mình ký ức về một chốn kinh kỳ đô hội cùng kho báu văn hóa, văn hiến chẳng đâu sánh bằng, chưa bao giờ khiến người giữ Hà Nội trong tim nghi ngờ về tiềm năng gọi mời và giữ chân du khách bốn phương.

Dõi theo hành trình người làm du lịch Thủ đô đi và chạm chân vào những dấu mốc thời gian, chợt vỡ òa: Hà Nội đã chọn được một lối đi riêng để làm du lịch và quảng bá hình ảnh Hà Nội ra thế giới…

1. Kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5 vừa kết thúc, ông bạn già của tôi đã khấp khởi qua điện thoại: “Người ta thống kê và công bố chiều nay luôn rồi, trong 5 ngày nghỉ lễ (từ 27/4 đến hết ngày 1/5), có khoảng 737,9 nghìn lượt khách đến Hà Nội du hí, vậy là tăng 4% so với thời điểm này năm ngoái, trong đó có 87,9 nghìn lượt khách du lịch quốc tế. Hết Covid-19 rồi, người ta lại sẵn lòng đến Hà Nội. Thủ đô mà! Đầy dấu ấn và nhiều ký ức để khám phá và tìm hiểu!”.

Máu nghề của một nhà quản lý du lịch khiến ông bạn tôi cứ dõi theo các con số “biến thiên” của tình hình du lịch Thủ đô dù thời gian hưu của ông đã tính bằng hai con số. Cùng với đó là nỗi niềm của một người sinh ra và lớn lên ở chốn này, nên ông luôn vui buồn theo từng nhịp bước đi và đến của Thủ đô trên hành trình hội nhập thế giới.

Ông ấy nói đúng! Dịp nghỉ lễ Giải phóng miền Nam và ngày Quốc tế lao động năm nay là một dấu mốc đáng ghi nhận của du lịch Thủ đô sau chuỗi ngày lao đao chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và chuỗi ngày hết mình để kéo du khách trở lại.

Tính chung trong tháng 4/2024 thôi, tổng khách du lịch đến Hà Nội đã đạt 2,52 triệu lượt, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 638 nghìn lượt, tăng 60% với 450 nghìn lượt có lưu trú, khách du lịch nội địa khoảng 1,89 triệu lượt, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 10.347 tỷ đồng, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Người dân vui chơi tại khu vui chơi giải trí Tuần Châu (Quốc Oai) dịp nghỉ lễ 30/4/2024. Ảnh: Phạm Hùng
Người dân vui chơi tại khu vui chơi giải trí Tuần Châu (Quốc Oai) dịp nghỉ lễ 30/4/2024. Ảnh: Phạm Hùng

Từ con số đó, ngành du lịch Thủ đô dự kiến, trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 9,25 triệu lượt, tăng 14,2%. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 2,22 triệu lượt, tăng 58,4% (1,56 triệu lượt khách quốc tế có lưu trú), khách du lịch nội địa ước đạt 7,033 triệu lượt, tăng 5%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 37.237 tỷ đồng, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Đáng nói là năm nay, công suất sử dụng phòng tại các khu nghỉ dưỡng ngoại thành và khu căn hộ cao cấp, loạt khách sạn 3 - 5 sao đạt 60,4%, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023. Các trung tâm thương mại, dịch vụ mua sắm và ăn uống đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, lượng khách và doanh thu cũng tăng cao, ước đạt khoảng 62%, tăng 5% so với cùng kỳ, trong đó chủ yếu là dịch vụ ăn uống. Có nghĩa là người làm du lịch Thủ đô đã đầu tư đúng hướng, xác định đúng nhu cầu của thị trường để phát triển du lịch đúng trọng điểm.

2. Như để minh chứng thêm cho việc chọn một lối đi đúng của du lịch Hà Nội, ông bạn tôi còn “bồi” thêm không gian Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024 với chủ đề đậm đà hương sắc Hà thành: “Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô quyến rũ”. “Đúng là cần đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, tôn vinh và kết nối các di sản, di tích lịch sử - văn hóa, phát triển các sản phẩm du lịch hướng tới du khách, thông qua đó thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Thủ đô Hà Nội và các địa phương liên kết” - ông bạn tôi tỏ ra tâm đắc.

Thế nên, lễ hội năm nay mở ra với rất nhiều điểm mới, ấn tượng để quảng bá điểm đến du lịch văn hóa - lịch sử hấp dẫn tại Thủ đô như: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khu Phố Cổ, khu vực Ba Vì, Sóc Sơn, Đường Lâm - Sơn Tây... Tại đây, các doanh nghiệp đưa ra các sản phẩm kích cầu du lịch để du khách có cơ hội được sử dụng dịch vụ tốt mà “vừa túi tiền”.

Các doanh nghiệp còn công bố một số tour độc lạ mang lại trải nghiệm mới được xây dựng trên cơ sở những điểm di tích lịch sử văn hóa của Hà Nội và các địa phương. Thêm vào đó, trong các ngày diễn ra lễ hội, du khách còn được trải nghiệm các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đương đại và nghệ thuật truyền thống như: giải đấu Street dance; nhảy Flashmob; biểu diễn nghệ thuật múa rối nước “Hoàng thành Thăng Long”; múa rồng nghệ thuật; biểu diễn nhạc cụ dân gian “Thủ đô hào hùng”; show trình diễn áo dài “Vàng son lịch sử Tràng An”; hoạt động vẽ tranh “Cảm xúc trong em”…

Rõ là sự kiện xúc tiến quảng bá du lịch lớn nhất được tổ chức thường niên của TP Hà Nội mỗi năm mỗi khác, chứng tỏ người làm du lịch Thủ đô đã đi đúng đường.

3. Không phải ngẫu nhiên mà ngành du lịch Hà Nội xác định kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và du lịch hè 2024 là một trong những “mùa vàng”, một cơ hội để xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn, tăng sức hút và giữ chân du khách.

Không phải ngẫu nhiên mà Sở Du lịch Hà Nội đã tự tin lên kế hoạch xây dựng sản phẩm du lịch, xúc tiến, quảng bá, tổ chức sự kiện để thu hút du khách trong dịp này. Là bởi con đường đi đã chọn thích ứng được với tình hình hiện tại, tạo ra những thành quả bước đầu và niềm tin vào tương lai.

Trên con đường đó, người làm du lịch Thủ đô đã xác định sẽ kích cầu du lịch ngoại thành, thu hút đa dạng các nguồn khách du lịch quốc tế. Các hoạt động kích cầu du lịch vì thế đều hướng tâm vào đây, từ hơn 50 sự kiện du lịch được kích hoạt từ đầu năm 2024 đến chương trình quảng bá, xúc tiến được thực hiện bài bản.

Sản phẩm du lịch “Con đường di sản Nam Thăng Long” kết nối tuyến du lịch Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức đã ngả mũ chào du khách, các điểm đến ở ngoại thành như: Ba Vì, Sóc Sơn, Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây), Di tích Cổ Loa (Đông Anh), làng tăm hương Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa), khu vui chơi giải trí Tuần Châu (Quốc Oai)... đã được đón nhận nồng nhiệt…

Hình như, những than vãn của du khách về một Hà Nội nghèo tour, tuyến đã vơi bớt, sản phẩm du lịch cũng từng bước được định hình bằng các sản phẩm truyền thống, chất lượng được bảo đảm, mẫu mã có cải tiến hơn để phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của khách. Nói cách khác, người làm du lịch ở Thủ đô đã biết “sửa mình” để thích ứng với cách làm du lịch theo hướng thị trường với những lợi thế, tiềm năng riêng có của Thủ đô văn hiến dày đặc các di sản văn hóa.

Người yêu Hà Nội có quyền cậy tin vào con đường mà du lịch Hà Nội đã chọn vì lãnh đạo ngành du lịch đã khẳng định sẽ tập trung cho một số nhóm sản phẩm chủ lực, tạo điểm nhấn riêng biệt của du lịch Thủ đô. Ở đó, tiếp tục ưu tiên phát triển và làm mới các sản phẩm du lịch văn hóa, phát triển các tour đêm; xây dựng các tuyến du lịch đường sông kết nối điểm đến làng nghề, di tích văn hóa.

Ở đó sẽ phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch homestay; phát triển các sản phẩm du lịch thể thao gắn với các giá trị tài nguyên sông, núi, hồ… Ở đó, Hà Nội sẽ tập trung vào các thị trường quốc tế trọng điểm và thị trường mới nổi như: Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Mỹ, Ấn Độ, Trung Đông, Australia…

Ông bạn tôi “như đinh đóng cột”: “Chắc chắn mục tiêu đón khoảng 27 triệu lượt khách, trong đó có 5,5 triệu lượt khách quốc tế mà Hà Nội xác định trong năm 2024 không xa vời!”.