Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Dự án hạ tầng tầm cỡ quốc gia

“Chọn mặt gửi vàng”

Kinhtedothi - Mới đây, một DN tư nhân đã đề xuất với Chính phủ được thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Tuy nhiên, đề xuất đó cần được xem xét kỹ lưỡng, đặc biệt là những điều kiện cần và đủ để DN có thể tham gia siêu dự án có tầm ảnh hưởng quốc gia và lâu dài này.

Đề xuất táo bạo

Những ngày gần đây, thông tin về một DN tư nhân mới thành lập với vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng, đăng ký đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam gây xôn xao dư luận. Đề xuất này không chỉ gây choáng ngợp về quy mô mà còn tạo ra những tranh luận sôi nổi về những điều kiện cần và đủ của DN tư nhân trong các dự án hạ tầng chiến lược quốc gia.

Đặt giả thiết những nội dung DN nêu trên đề xuất hoàn toàn chính xác, thì đây quả thực là một động thái “dám nghĩ, dám làm” đầy táo bạo của một DN tư nhân còn non trẻ. Trong bối cảnh T.Ư và Chính phủ không ngừng khẳng định vai trò động lực của kinh tế tư nhân, sự xuất hiện của những chủ thể sẵn sàng dấn thân vào các dự án lớn là một tín hiệu tích cực, cho thấy niềm tin vào môi trường đầu tư đang dần được củng cố.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận, nhiệt huyết và tinh thần tiên phong là điều kiện cần, nhưng chưa đủ đối với những dự án hạ tầng tầm cỡ quốc gia, có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển của đất nước trong nhiều thập kỷ tới. Có thể khẳng định, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là một siêu dự án với chiều dài 1.541km, tốc độ thiết kế 350km/h và tổng mức đầu tư sơ bộ lên đến hơn 1,5 triệu tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD).

Tính chất phức tạp, độ khó và tầm ảnh hưởng của dự án khiến việc “chọn mặt gửi vàng” cho nhà đầu tư đòi hỏi Chính phủ phải cân nhắc thận trọng, thẩm định năng lực một cách nghiêm túc và ngặt nghèo để tránh mọi rủi ro. Năng lực của DN thực hiện dự án không chỉ giới hạn ở tiềm lực tài chính, mà còn bao gồm kinh nghiệm triển khai các dự án tương tự, khả năng tổ chức thi công, quản trị rủi ro, năng lực công nghệ và đặc biệt là cam kết trách nhiệm lâu dài sau khi dự án đi vào vận hành.

Trong trường hợp chúng ta đang nói đến, DN đề xuất làm Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam nói trên mới được thành lập, chưa từng có bất kỳ dấu ấn nào trong lĩnh vực đường sắt tốc độ cao và sở hữu một nguồn vốn điều lệ vỏn vẹn 6.000 tỷ đồng. Con số này, khi so sánh với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 1,5 triệu tỷ đồng, thật sự quá nhỏ bé, chỉ chiếm chưa đến 0,4%. Một sự chênh lệch quá lớn giữa “gã khổng lồ” dự án và “chàng tí hon” năng lực tài chính.

Qua đó có thể thấy đề xuất táo bạo này lại càng cần phải xem xét kỹ lưỡng. Rõ rằng Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam mang rất nhiều sứ mệnh, ảnh hưởng sâu rộng đến cả kinh tế - xã hội lẫn đời sống chính trí, văn hóa của cả nước. “Nhất cử, nhất động” của dự án đều được Nhân dân cả nước chú ý. Đó là động lực nhưng cũng là áp lực không nhỏ, đòi hỏi mỗi quyết sách phải hết sức chắc chắn và chính xác.

Không có cơ hội thử nghiệm

Không ai phủ nhận vai trò quan trọng của DN khu vực tư nhân trong sự phát triển kinh tế - xã hội. Sự tham gia của tư nhân, nếu được quản lý và kiểm soát chặt chẽ, có thể mang lại sự năng động, hiệu quả và nguồn lực dồi dào cho các dự án hạ tầng.

Tuy nhiên, hạ tầng quốc gia, đặc biệt là những công trình như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, không phải là nơi để thử nghiệm lòng tin hay trao cơ hội cho những “tay mơ” mà phải được “chọn mặt gửi vàng”. Bởi tuyến đường sắt này không đơn thuần là một dự án giao thông, mà còn là trục xương sống kết nối Bắc - Nam, có ý nghĩa chiến lược về an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế vùng, chủ quyền công nghệ và định hình tương lai của đất nước. Việc giao phó một dự án có tầm quan trọng sống còn như vậy cho một DN chưa chứng minh được năng lực thực tế có thể tiềm ẩn những rủi ro khôn lường, thậm chí gây ra những hệ lụy lâu dài và khó khắc phục.

Trước đề xuất của các DN chưa từng có kinh nghiệm làm dự án như tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam luôn có nhiều câu hỏi lớn cần lời giải đáp thỏa đáng. Những cam kết trên giấy, dù có đẹp đẽ đến đâu, cũng không thể thay thế được bằng chứng thực tế về năng lực và trách nhiệm.

Trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào, cần có một quá trình đánh giá minh bạch và toàn diện, trả lời được những câu hỏi cốt lõi như: DN có thực sự đủ năng lực tài chính để đảm đương phần vốn đối ứng và các rủi ro phát sinh trong quá trình triển khai dự án hay không? DN có kinh nghiệm thực tế trong việc xây dựng và quản lý các dự án đường sắt tốc độ cao với quy mô và công nghệ tương tự hay không? DN có làm chủ được công nghệ đường sắt tốc độ cao tiên tiến, bảo đảm an toàn và hiệu quả vận hành trong dài hạn hay không? Cơ chế giám sát và kiểm soát dự án như thế nào để bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước? Quan trọng nhất, trách nhiệm pháp lý và tài chính của DN trong trường hợp xảy ra rủi ro, sự cố hoặc không đạt được các mục tiêu đề ra là gì?

Điều đáng nói hơn nằm ở cơ cấu tài chính được đề xuất. Theo đó, DN chỉ góp 20% tổng mức đầu tư, trong khi phần còn lại - một con số khổng lồ là 80% - lại được đề nghị vay từ ngân sách Nhà nước hoặc do Nhà nước đứng ra bảo lãnh với mức lãi suất ưu đãi 0% trong suốt 35 năm. Thêm vào đó, DN còn mong muốn được miễn toàn bộ thuế nhập khẩu thiết bị, miễn thuế thu nhập DN và đặc quyền khai thác tuyến đường sắt trong gần một thế kỷ (99 năm).

Đây có thể được xem là một mô hình đầy rủi ro tài chính và gánh nặng phần lớn dồn lên vai Nhà nước cũng như người dân, trong khi lợi ích lại tập trung chủ yếu vào DN trong một thời gian dài kỷ lục. Một DN với vốn điều lệ hạn chế, không có tài sản thế chấp tương xứng, vậy ai sẽ chịu trách nhiệm nếu dự án gặp rủi ro, đội vốn, hoặc vận hành không hiệu quả; ai sẽ đứng ra bù đắp những tổn thất tiềm tàng cho quốc gia?

Việc thu hút nguồn lực tư nhân vào phát triển hạ tầng là một hướng đi đúng, nhưng cần được thực hiện một cách bài bản, minh bạch và dựa trên sự đánh giá năng lực thực tế. Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là một dự án mang tầm quốc gia, đòi hỏi sự tham gia của những chủ thể có đủ tiềm lực, kinh nghiệm và trách nhiệm, bảo đảm lợi ích tối thượng của đất nước và người dân. Những đề xuất táo bạo cần được xem xét kỹ lưỡng, nhưng sự thận trọng và trách nhiệm vẫn phải là kim chỉ nam trong quyết định cuối cùng.

Hà Nội: tai nạn giao thông giảm sâu

Hà Nội: tai nạn giao thông giảm sâu

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: tai nạn giao thông giảm sâu

Hà Nội: tai nạn giao thông giảm sâu

16 May, 04:01 PM

Kinhtedothi - Trong quý I/2025, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 306 vụ tai nạn giao thông, làm 177 người chết, 199 người bị thương. So cùng kỳ năm 2024 giảm 81 vụ, tương đương giảm 20,93%.

Xây dựng lộ trình kiểm định xe máy theo từng giai đoạn

Xây dựng lộ trình kiểm định xe máy theo từng giai đoạn

16 May, 11:34 AM

Kinhtedothi - Bộ Nông nghiệp và Môi trường lấy ý kiến đối với dự thảo áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy. Lộ trình được ban hành theo giai đoạn để người dân làm quen dần với hoạt động kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ