Chọn sách giáo khoa: Tăng giám sát để bảo đảm chất lượng

Điệp Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Càng gần năm học mới, vấn đề lựa chọn sách giáo khoa (SGK) càng được dư luận quan tâm bởi hiện có nhiều bộ SGK cùng song song tồn tại.

Công tác giám sát chọn SGK làm “nóng” nghị trường Quốc hội mấy ngày gần đây cho thấy, xung quanh vấn đề SGK theo chương trình mới còn rất nhiều khoảng trống cần lấp đầy.

Bộ SGK lớp 10 sẽ đưa vào sử dụng trong năm học 2022 - 2023. Ảnh: NXBGD Việt Nam
Bộ SGK lớp 10 sẽ đưa vào sử dụng trong năm học 2022 - 2023. Ảnh: NXBGD Việt Nam

Lãng phí vì học nhiều bộ SGK

Nếu chương trình cũ chỉ có một bộ SGK thì với chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới có nhiều bộ SGK được chọn lựa và sử dụng. Các trường khác nhau có thể sử dụng bộ sách khác nhau và năm học trước, năm học sau của cùng một trường học cũng có thể chọn bộ SGK không giống nhau. Điều này khiến mỗi cuốn SGK có tuổi thọ ngắn hơn và không còn tình trạng cho nhau mượn SGK, xin SGK hay học lại SGK nữa.

“Trước ra hiệu sách chỉ cần nói con học lớp mấy là có thể mua được SGK ở bất cứ tỉnh, thành nào nhưng giờ muốn mua được bộ sách đúng, phụ huynh cần quan tâm xem lớp của con học SGK thuộc bộ nào. Trong khi đó, nếu nhân viên nhà sách hỏi tên bộ sách mà con học thì không phải phụ huynh nào cũng nắm được” - chị Ngô Mai Lan, phụ huynh thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ.

Được biết, để triển khai chương trình GDPT mới, năm 2020, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã phê duyệt, cho phép sử dụng 46 cuốn sách thuộc 5 bộ SGK lớp 1 (gồm Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục, Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Cánh diều) của 3 nhà xuất bản (NXB) để các địa phương, cơ sở giáo dục lựa chọn, đưa vào giảng dạy.

Trong 5 bộ này, NXB Giáo dục Việt Nam cho ra mắt 4 bộ SGK lớp 1 gồm: Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục, Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo. Tuy nhiên, đến lớp 2, NXB này chỉ còn làm 2 bộ (Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo).

Đại diện NXB cho hay, mỗi cuốn SGK dù thuộc bộ nào đều bám sát và cụ thể hoá các yêu cầu cần đạt, nội dung dạy học được quy định trong chương trình GDPT 2018 và dù có sự khác biệt cũng đều thể hiện quan điểm xuyên suốt của đơn vị trong việc biên soạn SGK nhưng việc xáo trộn này cũng gây nhiều ảnh hưởng đến công tác chọn SGK của các trường học trên cả nước. Và với các gia đình, việc sử dụng SGK cũ hầu như không có cơ hội được thực hiện, gây nhiều lãng phí, chưa kể SGK hiện đắt hơn trước khá nhiều.

Phải thực hiện minh bạch, khách quan

Bày tỏ về vấn đề trên, theo một số chuyên gia giáo dục, việc đánh giá bộ SGK sẽ có 2 mặt: Mặt khoa học do hội đồng thẩm định quyết định và mặt xem xét sự ưng ý do giáo viên trực tiếp đang giảng dạy quyết định. Hai mặt cơ bản này khó tương đồng với nhau; do đó, Bộ GD&ĐT cần công bố đánh giá của hội đồng thẩm định với từng cuốn sách.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, việc triển khai Chương trình GDPT 2018 là một trong những khâu quan trọng nhất của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ/TƯ. Đây cũng là lần tiến hành đổi mới rất sâu sắc, rất toàn diện, chuyển đổi về cả cách tiếp cận, định hướng và triết lý giáo dục.

Liên quan đến lựa chọn SGK, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT lưu ý: Tinh thần chung là cố gắng đảm bảo sự lựa chọn chuyên môn từ các cơ sở giáo dục, phát huy được tiếng nói của người trực tiếp dạy học. Đồng thời phát huy được ý nghĩa của việc có nhiều bộ SGK thông qua việc giáo viên chọn một bộ để sử dụng nhưng có thể tham khảo nhiều sách. Bộ trưởng cũng mong muốn, các cơ sở giáo dục, đội ngũ giáo viên trong quá trình lựa chọn sách và dạy học SGK mới nếu phát hiện vấn đề cần sớm có ý kiến chính thống một cách chủ động về Bộ GD&ĐT.

Thêm nữa, việc lựa chọn SGK phải được thực hiện minh bạch, khách quan; bảo đảm công bằng trong tiếp cận các bộ sách. UBND cấp tỉnh, TP phát huy tinh thần trách nhiệm để lựa chọn SGK theo đúng tinh thần Thông tư 25 của Bộ GD&ĐT. Cụ thể, các tỉnh, TP phải thành lập hội đồng lựa chọn SGK; mỗi hội đồng TP tối thiểu có 15 thành viên gồm các cán bộ quản lý của Sở, phòng chuyên môn, chuyên gia lĩnh vực, giáo viên trực tiếp giảng dạy cùng nghiên cứu từng cuốn sách, tham khảo sự lựa chọn của các nhà trường để đưa ra danh mục SGK của TP. Mỗi cuốn sách, tất cả các thành viên đều có ý kiến nhận định đánh giá, sau đó hội đồng sẽ bỏ phiếu kín. Cuốn sách nào có 50% số thành viên trong hội đồng bỏ phiếu nhất trí lựa chọn thì cuốn sách đó sẽ được đưa vào danh mục để Hội đồng TP lựa chọn.

Vấn đề SGK cũng được khá nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đề cập tại kỳ họp thứ 3 đang diễn ra. Chiều 23/5, trình bày dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát. Trong đó Chuyên đề 3 là việc thực hiện Nghị quyết số 88 năm 2013 và Nghị quyết số 51 năm 2017 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Kim Thúy cho rằng, trong 8 năm qua, ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng, vượt qua nhiều khó khăn để triển khai các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, dư luận cũng còn nhiều ý kiến khác nhau về một số kết quả triển khai. Có những vấn đề báo chí và đại biểu Quốc hội đã đặt ra suốt từ kỳ họp trước đến kỳ họp này nhưng chưa được giải quyết như những sai sót trong cả 3 bộ SGK lớp 1, lớp 2, lớp 6 của NXB Giáo dục Việt Nam hay những bất cập trong Thông tư số 25 của Bộ GD&ĐT về lựa chọn SGK dẫn đến việc bỏ qua quyền lựa chọn dân chủ của cơ sở giáo dục.

Bên cạnh đó, là vai trò hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra của Bộ GD&ĐT trong việc lựa chọn SGK để bảo đảm khách quan, công bằng, minh bạch, không ảnh hưởng xấu đến chủ trương xã hội hóa việc biên soạn SGK. "Qua giám sát, Quốc hội có thể khẳng định những việc ngành giáo dục đã thực hiện đúng, đồng thời chỉ ra những hạn chế, những điều cần khắc phục để hỗ trợ ngành thực hiện tốt nhiệm vụ. Qua giám sát, Quốc hội cũng có thể điều chỉnh các nghị quyết của mình hoặc bổ sung chính sách, nếu cần thiết" - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Kim Thúy nhấn mạnh.

 

Cử tri rất bức xúc vì nhiều chương trình giáo dục không phù hợp, nhiều bộ SGK còn in sai, hình ảnh không chuẩn mực, có quá nhiều bộ sách được đề nghị lựa chọn gây lúng túng cho nhà trường cũng như phụ huynh.

Đặc biệt, SGK không được sử dụng lại gây khó khăn cho nhiều gia đình nghèo. Vì thế, chúng ta cần phải giám sát tối cao đối với chuyên đề này, xem đâu là mặt được, chưa được để từ đó có những kiến nghị sửa đổi cho phù hợp.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội)