Chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi tiến bộ: Đừng để doanh nghiệp đơn độc

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giống cây trồng, vật nuôi tiến bộ có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với phát triển sản xuất nông nghiệp.

Dù vậy, việc triển khai thực hiện công tác chọn tạo các giống tiến bộ trong 10 năm qua vẫn còn không ít bất cập. Đặc biệt, vai trò của các DN vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Doanh nghiệp tích cực vào cuộc
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, sau gần 10 năm thực hiện Đề án “Phát triển giống cây nông lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020”, đã có khoảng 1.000 giống cây trồng, vật nuôi tiến bộ được đưa vào sản xuất. Nhờ đó, năng suất nhiều nông sản tăng vượt mục tiêu của Đề án (15%). Đơn cử như cam tăng 25%, nhãn tăng 26%, cá tra tăng 22%, tôm nước lợ tăng 82%...
 Chăn nuôi bò thịt tại xã Minh Châu, huyện Ba Vì. Ảnh: Lâm Nguyễn
Tỷ lệ sử dụng giống cấp tiến bộ kỹ thuật (hoặc tương đương) trong sản xuất một số cây trồng, vật nuôi cũng đạt hoặc vượt mục tiêu Đề án đề ra (70%). Điển hình là ngô đạt 95%, sắn đạt 75%, cây lâm nghiệp 80%; chè, chuối, nhãn, vải, thanh long đạt 100%; lợn 93%; tôm thẻ chân trắng 100%...
Đáng chú ý, công tác chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi trong 10 năm qua đã thu hút được mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia, đặc biệt là các DN. Hàng năm, các DN cả nước đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để sản xuất giống nông nghiệp gồm cả trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

"Bên cạnh đầu tư cho nghiên cứu, chọn tạo, các bộ, ngành cần tăng cường kiểm định, kiểm nghiệm giống và hỗ trợ một phần kinh phí kiểm nghiệm, kiểm định cho các đơn vị sản xuất nhằm quản lý chặt chẽ hơn chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, tránh tình trạng giống kém chất lượng, gây tổn hại cho DN và người sản xuất." - Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long Trần Ngọc Thạch

Đơn cử như trong trồng trọt, khoảng 65 – 70% giống ngô lai sử dụng hàng năm do DN sản xuất. DN cũng tạo ra 70% lượng giống cây lâm nghiệp phục vụ trồng rừng kinh tế mỗi năm. 100% giống tôm thẻ chân trắng và 90% cá tra là do DN sản xuất. Bên cạnh đó, toàn bộ lợn giống thương phẩm hiện nay và 90% giống gà nuôi cũng đang có “bàn tay” của các DN
Liên kết thiếu chặt chẽ
Dù đóng vai trò hết sức quan trọng, tuy nhiên, việc thu hút các DN tham gia vào chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi gặp không ít bất cập. Thực tế hiện nay, vẫn còn tình trạng mất cân đối giữa khu vực Chính phủ và tư nhân. Thời gian qua, các DN mới chỉ tập trung chọn tạo giống lúa, ngô. Trong khi, các giống khác chủ yếu do viện, trường nghiên cứu. Sự liên kết giữa DN với các viện, trường trong chọn tạo giống còn thiếu chặt chẽ.
Để hỗ trợ các DN tham gia chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi tiến bộ, Tổng Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình Trần Mạnh Báo cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành cần có cơ chế chuyển giao giống giữa viện, trường và các DN. Hỗ trợ các DN tham gia sản xuất giống gốc, giống siêu nguyên chủng…
Ở một khía cạnh khác, đại diện một số tỉnh, TP đề nghị cần phân định rõ trách nhiệm chọn tạo giống của 3 nhóm: DN – hiệp hội và viện, trường, tránh tình trạng Nhà nước và tư nhân "dẫm chân lên nhau”, cùng làm nhưng hiệu quả không cao.
Nhấn mạnh trong bối cảnh thị trường thay đổi, nếu cứ khư khư giữ phương thức sản xuất cũ thì sẽ không thể đáp ứng mục tiêu tăng trưởng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, yêu cầu đặt ra là công tác chọn tạo giống phải đi trước một bước. Đối với nhiệm vụ này, các thành phần kinh tế cần thay đổi định hướng nghiên cứu, thích ứng với biến đổi khí hậu ngày một phức tạp. Trong đó, chú trọng nhiều hơn đến vai trò của các DN.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm, trên cơ sở đánh giá hiệu quả Đề án 10 năm qua, Bộ sẽ thành lập nhóm xây dựng đề án phát triển giống cho giai đoạn 2021 – 2030, trình Chính phủ phê duyệt. Đề án giai đoạn mới sẽ bao hàm nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế, nhất là các DN, đầu tư vào lĩnh vực sản xuất giống.
Trước mắt, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước đề xuất Chính phủ cho phép các DN sản xuất giống được hưởng một số ưu đãi như giao đất, khi vay vốn, thuê đất và sử dụng dịch vụ công ích thủy lợi để nghiên cứu, chọn tạo giống.