Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chọn tiền hay sự nhân văn?

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mấy ngày qua khi các phụ huynh tất tả lo chọn trường học cho con em mình còn kèm thêm nỗi lo đòi tiền phí giữ chỗ ở các trường ngoài công lập.

Tiếc tiền là một chuyện, mặt khác là sự bất bình khi chỉ trót nộp hồ sơ mà vẫn phải chịu các loại phí từ 6 – 10 triệu đồng cho các khoản: Tiền đồng phục, tiền sách vở, tiền xây dựng trường… dù con em mình không theo học.
 Hình minh họa.
Không chỉ chốt chặt mức phí giữ chỗ như trường THPT Lương Thế Vinh, trường THPT Nguyễn Siêu… trường THPT Tạ Quang Bửu còn ưu tiên cộng 1 điểm cho các trường hợp đăng ký sớm. Có nghĩa là, điểm vào trường của mỗi học sinh phụ thuộc vào sự nhanh hay chậm trong các “quyết sách” mất tiền hay không mất tiền của phụ huynh. Vẫn biết, các trường ngoài công lập phải thực hiện cơ chế tự chủ, nhưng cũng không thể cho mình cái quyền muốn thu sao thì thu. Môi trường giáo dục không phải là nơi dùng đồng tiền để đánh giá năng lực học sinh và sự tin tưởng lựa chọn của phụ huynh. Trường tốt dù phụ huynh có bỏ thêm tiền cũng sẽ cố gắng trong khả năng, chất lượng trường không đạt thì dù có tiếc cũng nhiều người lắc đầu coi như mình ra đường đánh rơi dù đó là tiền triệu. Đặc biệt, ở nơi dạy người nhưng lại “cò kè bớt một thêm hai” thì sẽ nhà trường sẽ dạy gì và con trẻ học được gì, là câu hỏi lớn đặt ra?.
Các trường đang viện dẫn để tự đặt “luật chơi” riêng của mình, thì khoản tiền mà phụ huynh phải đóng khi nộp hồ sơ phải gọi là “tiền đặt cọc”, phải có hợp đồng đặt cọc; còn việc tự đặt ra và gọi khoản tiền đó là “phí giữ chỗ”, “phí ghi danh” là không đúng. Khi đã không đúng thì phải trả lại phụ huynh. Nhưng đến bây giờ chưa có trường nào định trả và muốn trả cho dù Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu chấn chỉnh. Vì quy định vô lý nên người đứng đầu TP Hà Nội đã phải chỉ đạo các cơ quan liên quan phải giải quyết triệt để vụ việc trên. Đáng lý ở nhà trường, nơi mà sự nhân văn được đặt lên hàng quan trọng thì không cần những chỉ đạo mang tính gay gắt của các cơ quan chức năng cũng có thể phân biệt được trái – phải. Chờ lắm người làm kinh doanh giáo dục thấm nhuần 2 chữ Nhân văn.