Chọn trường cho con

Thành Thực
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày nay, phụ huynh lại xôn xao chuyện chọn trường, chọn lớp cho con. Người thì con chuẩn bị vào lớp 1, người con vào lớp 6, rồi lớp 10…

Tâm lý ai cũng mong con mình được học trường tốt, lớp tốt, chọn được thầy giỏi. Đây là ước muốn chính đáng của những bậc phụ huynh: Ai mà chẳng mong con mình được học giỏi, rồi học cao lên bậc đại học, sau đại học?

Tuy nhiên, nhìn nhận đúng vấn đề thì việc chọn trường cho con chỉ xảy ra quyết liệt ở những TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… Còn ở nông thôn, miền rừng núi…, có trường, có lớp để học là tốt rồi. Ở đó, chỉ có duy nhất trường công để lựa chọn nên phụ huynh gần như không băn khoăn gì đến việc con sẽ học ở đâu nếu còn có thể học lên được nữa.

Thế nhưng, lo trường cho con đến mức phải rải tiền vào các trường tư “đặt cọc”, giữ chỗ học cho con lên hàng chục triệu đồng như báo chí nêu những ngày gần đây quả là hiện tượng mới lạ. Thông thường, trường công là ưu tiên hàng đầu cho các bậc phụ huynh, sau đó mới đến trường tư có thương hiệu nổi tiếng. Thế nhưng, phụ huynh vì lo cho con có trường tốt đã mang tiền đến nộp tiền giữ chỗ cho con ở trường tư, dưới danh nghĩa là lệ phí thi tuyển và các khoản khác, nếu con đậu trường công thì sẽ chấp nhận mất số tiền này.

Cũng thật lạ, trong kinh doanh, rất ít thương hiệu nào hút khách đến nỗi phải đặt cọc, giữ chỗ như vậy, trừ một số thương hiệu về xe hơi, xe máy, điện thoại.

“Cuộc đua” nào rồi cũng kết thúc, phụ huynh và học sinh rồi sẽ có chỗ học của mình dù ưng ý hay chưa thực sự ưng ý. Ngoài hệ thống trường công sẽ có những trường tư nhận dạy dỗ các em.

Điều đó có nghĩa, chuyện ở các TP lớn, phụ huynh đua tìm trường cho con em mình là chuyện bình thường? Việc cũng có gì mới lạ vì đã xảy ra nhiều năm nay. Người ta còn nhớ vụ việc phụ huynh vì tranh nộp hồ sơ vào một trường học mà đã làm đổ cả tường rào nhà trường.

Tuy nhiên, đằng sau chuyện “đua trường”, đặt tiền giữ chỗ học cho con của các phụ huynh “có điều kiện” ở những TP lớn đang đặt ra vấn đề rất được nhiều người dân quan tâm: Sự bình đẳng trong giáo dục.

Hệ thống trường học hệ phổ thông đã được Nhà nước quan tâm xây dựng về cơ sở vật chất, lo về đội ngũ giáo viên. Ở các TP lớn cũng được lo như vậy. Nhưng như “nước vào chỗ trũng”, ngoài hệ thống công lập, các TP lớn còn có hệ thống trường tư hùng hậu. Đặc biệt, số giáo viên giỏi cũng tìm về các trung tâm lớn để giảng dạy vì sẽ có mức thu nhập cao hơn rất nhiều lần. Điều đó có gì lạ?

Điều đó không có gì lạ cả nhưng như nhiều vấn đề khác của xã hội cần quan tâm: Sự hưởng thụ về giáo dục đang chênh lệch rất rõ từ các vùng miền mà phần thua thiệt là ở nông thôn và miền rừng núi. Đương nhiên, từ đó, các em sẽ có xuất phát điểm khác nhau để vào đời. Nói như doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ - cà phê Trung Nguyên là “bệ phóng” của các em do cha mẹ chuẩn bị sẽ rất khác nhau.

Nói điều này, chúng tôi không có ý định than vãn gì cả. Bởi vì, giáo dục ở các TP lớn tốt về cơ sở vật chất, mạnh về đội ngũ chuyên môn thì không có gì đáng phàn nàn cả. Tuy nhiên, nhìn sự chênh lệch đó để chúng ta đầu tư nhiều hơn nữa, thậm chí gấp nhiều lần, cho vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nhằm xóa bỏ phần nào khoảng cách thụ hưởng giáo dục như đã nói ở trên.