Chống buôn lậu, hàng giả: Vướng cơ chế, yếu phối hợp

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Muốn đẩy mạnh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đòi hỏi sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng, giữa Hà Nội với các tỉnh bạn phải tăng cường hơn.

Đó là ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả (BCĐ 389) Hà Nội chiều 3/1.

Liên kết lỏng lẻo

Số liệu của BCĐ 389 Hà Nội cho thấy, trong năm 2016, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 24.000 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách gần 3.900 tỷ đồng. Mặc dù đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, song công tác đấu tranh chống buôn lậu phải đối mặt với nhiều khó khăn do hệ thống văn bản, chính sách pháp luật chưa đồng bộ, còn chồng chéo. Thực tế cho thấy, vào thời điểm áp Tết Nguyên đán, hoạt động buôn lậu pháo liên tục xuất hiện, nguyên nhân là do trước ngày 1/1/2017, hành vi buôn lậu này chỉ bị xử phạt hành chính, không đủ sức răn đe đối tượng buôn lậu.

Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội Đinh Văn Toản cho biết: Để đối phó với lực lượng chức năng, dân buôn lậu thường tập kết hàng lậu tại các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Hưng Yên…, chia nhỏ vận chuyển về thị trường Hà Nội, từ đó đưa về các tỉnh, thành tiêu thụ. “Đó là lý do Hà Nội trở thành điểm trung chuyển hàng lậu lớn của các tỉnh phía Bắc. Hiện, Hà Nội tồn tại một số tụ điểm tàng trữ hàng lậu với số lượng lớn như chợ Đồng Xuân, Ninh Hiệp, Hà Vĩ…. Điều đó cho thấy rất cần sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các lực lượng chức năng Hà Nội, cũng như giữa Hà Nội với các tỉnh lân cận trong hoạt động chống buôn lậu” - ông Toản phân tích.
 Quản lý thị trường Hà Nội thu giữ rượu lậu tại Bến xe Giáp Bát. Ảnh: Lê Nam

Thực tế, trong quá trình chống buôn lậu, nhất là những mặt hàng liên quan đến vệ sinh ATTP giữa các đơn vị đôi lúc chưa có sự phối hợp đồng bộ, kịp thời dẫn đến thực phẩm “bẩn” vẫn xuất hiện trên thị trường. Đại diện Sở Y tế than phiền: Theo quy định hiện hành, hiện việc đảm bảo vệ sinh ATTP do 3 Bộ quản lý gồm Y tế, NN&PTNT, Công Thương dẫn đến sự chồng chéo. Khi nói về vấn đề này, nhiều chuyên gia kinh tế thường lấy hình ảnh 3 Bộ cùng quản lý một chiếc bánh Trung thu: Vỏ bánh là tinh bột do ngành Công Thương quản lý; nhân bánh là thịt, trứng do ngành Nông nghiệp kiểm soát, còn ngành Y tế thì quản lý phụ gia phẩm màu tạo cho cái bánh Trung thu ngon, đẹp, bắt mắt người tiêu dùng.

Ngăn chặn phải từ đầu nguồn

Để khắc phục những khó khăn này, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, BCĐ 389 Hà Nội kiến nghị: BCĐ 389 Quốc gia chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn các tỉnh, thành, đặc biệt là các địa phương có cửa khẩu phối hợp với các lực lượng chức năng Hà Nội trong quá trình ngăn việc chặn vận chuyển hàng lậu ngay từ các cửa khẩu, trước khi về Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đề nghị: Thời gian tới cần đẩy mạnh việc phối hợp giữa các lực lượng chức năng T.Ư và địa phương trong đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả; Trong quá trình kiểm tra, xử lý phải đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, trước mặt chú trọng các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn - Trưởng BCĐ 389 Hà Nội nhấn mạnh, để làm tốt công tác đấu tranh chống buôn lậu trên địa bàn Hà Nội trong thời gian tới, đặc biệt dịp Tết Nguyên đán, lực lượng chức năng tập trung kiểm tra các mặt hàng phục vụ nhu cầu người dân trong dịp Tết như rượu, bia, thuốc lá, đồ may mặc, da giày, điện tử, điện lạnh, thực phẩm... Kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm tại các địa bàn trọng điểm như các chợ Đồng Xuân, Ninh Hiệp, chợ Hà Vĩ..., Ga đường sắt Hà Nội, Gia Lâm, Sân bay quốc tế Nội Bài... Phó Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu Sở Y tế và NN&PTNT xây dựng quy chế phối hợp trong việc kiểm tra, kiểm soát về vệ sinh ATTP trong năm 2017. “Đề nghị BCĐ 389 Quốc gia chỉ đạo các tỉnh, TP có cửa khẩu quốc tế ký quy chế phối hợp chống buôn lậu với Hà Nội, qua đó tạo điều kiện cho lực lượng chức năng trong việc triển khai ngăn chặn hàng lậu tại thị trường nội địa” - Phó Chủ tịch UBND TP nêu.

Thông tin từ BCĐ 389 Hà Nội, để đối phó với lực lượng chức năng, dân buôn lậu không chỉ sử dụng đường bộ mà còn sử dụng đường hàng không, tiếp viên hàng không, thậm chí cả giấy tờ ngoại giao để vận chuyển hàng lậu, đây là một trong những thủ đoạn mới nên lực lượng chức năng không dễ phát hiện.