Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chống chuyển giá: Sửa luật, tăng quyền cho ngành thuế

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Doanh thu nghìn tỷ, liên tục mở rộng kinh doanh, nhưng DN vẫn lỗ triền miên, đóng góp khiêm tốn cho ngân sách… Đó là thực tế đang diễn ra tại nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.

Doanh thu nghìn tỷ, đóng thuế nhỏ giọt

Thông tin từ Tổng cục Thuế, từ tháng 2/2014 đến nay, cả Grab và Uber đều lỗ, trong đó Grab có vốn pháp định 20 tỷ đồng nhưng lỗ lũy kế hơn 938 tỷ đồng. Cụ thể, tổng doanh thu các năm 2014, 2015 và 2016 là 1.755 tỷ đồng. Số thuế đã kê khai nộp là 9,535 tỷ đồng. Qua hoạt động thanh tra, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã xử lý 2,961 tỷ đồng, trong đó có 2,286 tỷ đồng truy thu thuế. Đối với Uber, tổng doanh thu các năm 2014, 2015, 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 là 2.706 tỷ đồng, số thuế Uber đã nộp thuế là 76,877 tỷ đồng. Qua quá trình thanh tra, cơ quan thuế đã xử lý tăng thu 66 tỷ đồng.

Big C là một trong những doanh nghiệp lớn liên tục báo lỗ.  Ảnh: Công Hùng

Số lượng xe và tài xế tăng từng ngày, tuy nhiên, 2 DN này lại liên tục thua lỗ. Điều đáng nói, đây không phải là thực tế riêng của Uber hay Grab, mà thời gian qua, các DN lớn khác như Lottle, Metro, BigC… cũng chung tình trạng doanh thu khủng nhưng lỗ triền miên.

Theo thống kê của Tổng cục Thuế, lũy kế 9 tháng năm 2017, cơ quan thuế các cấp thực hiện 57.935 cuộc thanh, kiểm tra tại các DN và kiểm tra 354.426 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Số thuế xử lý tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là hơn 11.597 tỷ đồng. Trong đó, tiền thuế kiến nghị thu hồi hơn 9.616 tỷ đồng; xử phạt hơn 1.980 tỷ đồng; số thuế đã nộp ngân sách Nhà nước hơn 6.553 tỷ đồng.

Cần tăng thời gian thanh tra, thêm chức năng điều tra thuế

Dù nỗ lực nhưng kết quả chống chuyển giá vẫn rất khiêm tốn, đặc biệt với khối DN FDI. Cụ thể, theo quy định hiện hành, thời gian một cuộc thanh tra thuế không quá 45 ngày làm việc, trường hợp phức tạp có thể kéo dài hơn nhưng không quá 70 ngày làm việc. Bộ Tài chính cho rằng, quy định này chỉ phù hợp với cuộc thanh tra thông thường, trong khi với một số DN FDI như Metro, BigC, thời gian này có thể mất trên một năm. Nhiều trường hợp, cơ quan chức năng phải thực hiện trao đổi thông tin với cơ quan thuế nước ngoài, nên trong quá trình làm việc, các đoàn thanh tra phải tạm dừng nhiều lần chờ cung cấp, trao đổi thông tin. Vì thế, tại Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi đang đưa ra lấy ý kiến lần này, Bộ Tài chính đề xuất, trường hợp thanh tra DN có giao dịch liên kết xuyên biên giới thời hạn thanh tra không quá 360 ngày làm việc tại trụ sở người nộp thuế.

Ngoài ra, theo đại diện ngành tài chính, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều nước như Nhật Bản, Israel… đã giao chức năng điều tra thuế cho cơ quan quản lý thuế như điều tra tố tụng hình sự. Cán bộ điều tra thuế có quyền chất vấn, kiểm tra, thu giữ hay khám xét, tịch biên các sổ sách giấy tờ có liên quan để bảo vệ những chứng cứ ban đầu. Qua đó, cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung một chương trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế. Cụ thể, thẩm quyền của cơ quan thuế là yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin, tài liệu để phục vụ việc kiểm tra, thanh tra, điều tra, xác minh hành vi vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế. Ngoài ra, cơ quan này cũng được yêu cầu người nộp thuế cung cấp hồ sơ, chứng từ để kiểm tra khi có căn cứ cho rằng người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế.

Tại Hà Nội, kết quả thanh tra một số chuyên đề tại 57 DN có giao dịch liên kết của Cục Thuế đã giảm khấu trừ 10,2 tỷ đồng; giảm lỗ 74,4 tỷ đồng; thuế truy thu, phạt và truy hoàn 56,8 tỷ đồng. Thanh tra, kiểm tra xác định giá thị trường đối với giao dịch liên kết 9 DN, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 4,4 tỷ đồng; truy thu thuế thu nhập DN và phạt 11 tỷ đồng; giảm lỗ qua thanh tra 26 tỷ đồng.