Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chống "giặc Covid-19'': Không thể nương tay

Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên tục trong suốt mấy tháng qua, các lực lượng công an cả nước cũng như Công an Hà Nội phối hợp với ban ngành “căng mình” phòng, chống dịch Covid-19.

Trong hoàn cảnh “chống dịch như chống giặc”, thực hiện giãn cách xã hội cũng như kiểm soát, cách ly… vai trò của công an vô cùng quan trọng. Thực tế, công an có mặt ở mọi điểm nóng trên mặt trận chống dịch. Ngoài nhiệm vụ bảo đảm an ninh, kiểm soát, xử lý vi phạm, công an còn đấu tranh trấn áp các loại tội phạm liên quan trong thời điểm dịch bệnh phức tạp.
Từ khi thực hiện lệnh cách ly xã hội (từ 0 giờ ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc) đến nay, sau hơn 10 ngày, các lượng lượng Công an Hà Nội không ngừng nghỉ với những trọng trách nặng nề. Ở các quận, huyện; phường, xã… trên địa bàn TP, lực lượng công an đã đồng loạt kiểm tra, xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm với các lỗi ra đường vì lý do không cần thiết, không đeo khẩu trang ở nơi công cộng…
Với tinh thần cương quyết, không nương tay với hành vi vi phạm Chỉ thị 16 của Thủ tướng về phòng, chống Covid-19; Ngày 11/4 vừa qua, Công an quận Hoàn Kiếm (Công an TP Hà Nội) đã ra Quyết định tạm giữ hình sự 15 đối tượng về hành vi tụ tập đua xe trái phép, gây rối an ninh trật tự và ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự gây rối trật tự công cộng để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật…
Còn trên không gian mạng, việc đấu tranh, xử lý vi phạm của lực lượng Phòng chống tội phạm công nghệ cao (Công an Hà Nội) cũng gặp không ít gian nan. Trong 3 tháng xảy ra đại dịch, có hàng trăm trường hợp đưa tin giả gây hoang mang dư luận, bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, nhiều ý kiến của luật sư, nhà quản lý và cả người dân cho rằng, đã đến lúc phải xử lý hình sự, pháp luật không thể nương tay trong xử lý tin giả, tin sai sự thật; nhất là đối với các thành phần được xác định là cố tình tung tin với dụng ý xấu, chống phá và có tác hại nghiêm trọng, tính chất nguy hiểm đến xã hội…
Dịch bệnh diễn biến phức tạp và kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó có vấn đề về an ninh trật tự. Đặc điểm “đói ăn vụng, túng làm liều” đã thể hiện rất rõ qua nhiều vụ án. Thủ phạm có thể không phải là những kẻ tội phạm chuyên nghiệp mà chỉ là do mất việc làm, thất nghiệp, túng quẫn… dẫn đến bất chấp luật, phạm tội để có tiền trang trải nợ nần, chi tiêu. Vì thế, xu thế gia tăng của tình hình tội phạm là điều có thể tiên liệu. Cùng với lực lượng chức năng, người dân trong thời gian tới cần đặc biệt cảnh giác, chấp hành nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid -19 của Thủ tướng Chính phủ. Mọi người hạn chế tối đa việc ra đường nhất là thời điểm buổi tối, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết.
Trên không gian mạng, người sử dụng internet cần chú ý đọc các thông báo phòng ngừa của cơ quan chức năng về các thủ đoạn lừa đảo đang diễn ra. Tuyệt đối không nên truy cập, không cung cấp thông tin ngân hàng điện tử hoặc click vào đường link lạ được đính kèm trong email… Bên cạnh nhiệm vụ phòng dịch, các lực lượng công an cần tiếp tục tăng cường triển khai kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm. Có sự “đồng tâm hiệp lực” của cả quân và dân chúng ta sẽ chiến thắng!