Thầy Trần Mạnh Tùng - giáo viên Toán trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội. Ảnh: NVCC. |
Thầy có nhận xét gì về 6 giải pháp chống gian lận thi THPT Quốc gia của Bộ GD&ĐT?
- Những cải tiến về thi cử vừa được Bộ GD&ĐT công bố đã thể hiện tinh thần cầu thị, có trách nhiệm và quyết tâm giải quyết tồn tại của năm 2018. Tuy nhiên, những cải tiến đó chưa làm cho mọi người cảm thấy yên tâm, vẫn còn đó những băn khoăn. Lo lắng nhiều nhất là khâu chấm bài thi tự luận môn Ngữ văn.
Tôi biết tính chất phức tạp khi tổ chức chấm thi môn này (yêu cầu số lượng giáo viên lớn, chấm trong nhiều ngày), thế nhưng Bộ GD&ĐT chưa cải tổ nhiều, vẫn giao cho các địa phương chấm theo quy trình hai vòng độc lập, nếu điểm vênh nhau thì ngồi đối chiếu, chấm lại 5% bài thi tự luận. Bộ nói thêm, bài nào điểm cao sẽ rút ra để chấm lại, tuy nhiên việc này chưa mang tính toàn diện bởi trường hợp có nhiều bài điểm cao ngang nhau thì không biết chấm kiểu gì.
Trước đó, tôi đã có đề xuất tăng cường kênh giám sát. Mỗi tỉnh chỉ có 1 - 2 điểm chấm bài thi tự luận thì Bộ đưa thêm cán bộ trường ĐH (không nhất thiết phải có chuyên môn về môn Văn) đóng vai trò thanh tra, giám sát thi hành các thủ tục chấm đảm bảo theo quy chế. Đây cũng là cách đề cao vai trò của các trường ĐH trong việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia mà lại tăng cường thêm tính nghiêm túc, Bộ nên xem xét.
Năm nay, Bộ GD&ĐT quy định khu vực bảo quản đề thi/bài thi, chấm thi đều có camera an ninh giám sát 24/24 giờ; còn trong phòng thi lại không. Thầy có ý kiến gì về nội dung này?
- Coi thi luôn là khâu làm mọi người lo lắng nhiều nhất. Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận muốn lắp camera nhưng chưa thể làm được vì cho rằng thí sinh chưa quen sẽ bị căng thẳng, lộ đề thi ra ngoài… Nhưng tôi thấy, nhiều trường phổ thông đã lắp camera. Tại trường THPT Lương Thế Vinh, mỗi phòng học đều có 2 camera và học sinh đã quen với việc này.
Theo tính toán của tôi, mỗi tỉnh chi từ 6 - 8 tỷ đồng là lắp đủ camera trong các phòng thi. Camera chỉ cần thẻ nhớ; không cần đi dây, wifi kết nối mạng nên Bộ chẳng phải lo lắng đề thi lộ ra ngoài. Học sinh khi vào phòng thi phải tập trung làm bài, camera được lắp tít trong góc lớp sẽ không ảnh hưởng đến tâm lý các em.
Quy rõ trách nhiệm người đứng đầu
Một cải tiến trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019, đó là túi đựng bài thi được niêm phong bằng tem dán dễ rách có phủ keo dính trong lên trên, liệu có hoàn toàn chống được gian lận?
- Với việc dán tem dễ rách, phủ keo dính lên túi đựng bài thi, nếu các đối tượng có ý định gian lận thì vẫn có thể làm được. Chẳng hạn, giám thị, phó điểm trưởng ký vào một khu vực trên túi đựng bài thi; nhưng đối tượng gian lận lại bóc ở chỗ khác rồi dán lại thì không ảnh hưởng đến chỗ có chữ ký. Do đó, những người đóng vai trò giám sát, bảo quản, trông coi đề thi nếu có thống nhất, đồng thuận thì vẫn có thể gian lận. Vì thế không nên quá tin tưởng vào tem dán phủ keo đảm bảo mọi can thiệp đều bị phát hiện.
Một băn khoăn nữa, đó là năm ngoái những tiêu cực xảy ra ở địa phương thì năm nay Bộ GD&ĐT đẩy tin cậy sang trường ĐH. Chưa có gì khẳng định tiêu cực không xảy ra ở trường ĐH chấm bài thi trắc nghiệm. Đây vẫn là câu chuyện bị động, chỗ này sang chỗ kia, chắc chắn xã hội chưa hoàn toàn yên tâm.
Để tránh tính trạng tiêu cực xảy ra như năm 2018, Bộ nên quy định những người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu địa phương có vấn đề?
- Nghiên cứu kỹ 6 giải pháp của Bộ GD&ĐT đưa ra để chống gian lận, tôi thấy đây chỉ là vấn đề kỹ thuật, còn khâu con người lại chưa có cải thiện. Khâu con người bao gồm lựa chọn người vào các khâu (ra đề thi, vận chuyển đề thi, trông thi, rọc phách, chấm bài, ra điểm) rất quan trọng nên rất cần chú trọng. Năm ngoái, tiêu cực xảy ra đều từ khâu con người. Thậm chí, bên đáng để tin tưởng như công an thì đã có đồng chí "nhúng chàm" và bị bắt.
Tôi nghĩ, trong trường hợp chưa có giải pháp nào tốt hơn trong khâu con người, Bộ GD&ĐT nên có văn bản quy trách nhiệm cho người đứng đầu (Bí thư, chủ tịch tỉnh; giám đốc sở GD&ĐT; hiệu trưởng trường ĐH) để có sự tuyển chọn nhân sự tham gia vào kỳ thi THPT Quốc gia 2019 cho phù hợp và đảm bảo.
Trong trường hợp khó làm, Bộ có thể nhờ Chính phủ để quy rõ trách nhiệm của người đứng đầu một cách rõ ràng, minh bạch thì lúc đó mới hy vọng nhân lực – khâu khó khăn nhất sẽ được cải thiện. Nếu không làm tốt khâu này thì 6 cải tiến kỹ thuật của Bộ GD&ĐT đều không mang lại hiệu quả.
Xin cảm ơn ông!
a