Chống hàng lậu, hàng giả trên sàn thương mại điện tử: Lỗ hổng pháp luật làm khó lực lượng chức năng

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 giúp mua hàng hóa bằng hình thức online tại các sàn thương mại điện tử (TMĐT) "lên ngôi". Tuy nhiên, nhiều đối tượng đã lợi dụng sàn TMĐT để bán hàng giả, hàng nhái. Để ngăn chặn tình trạng này, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng còn đòi hỏi cơ quan quản lý sửa đổi quy định pháp luật phù hợp thực tế.

Lợi dụng để bán hàng giả
Thực tế công tác chống hàng lậu, hàng giả của lực lượng chức năng thời gian qua cho thấy, nhiều đối tượng lợi dụng mạng xã hội, sàn TMĐT để tiêu thụ hàng lậu, hàng kém chất lượng.
QLTT Hà Nội kiểm tra cửa hàng kinh doanh thiết bị điện nhập lậu.

Mới đây, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội qua kiểm tra đã phát hiện Nguyễn Thu Huyền trú tại phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy) tàng trữ 26.000 viên thuốc điều trị Covid-19 do nước ngoài sản xuất không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Trước đó Đội QLTT số 7 (Cục QLTT Hà Nội) đã phát hiện Nguyễn Thúy Hường trú tại xã Ngũ Hiệp (huyện Thanh Trì) tàng trữ, buôn bán 4.300 viên thuốc điều trị Covid-19 không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Các chủ hàng khai nhận mua các loại thuốc này trên mạng xã hội sau đó livestream bán hàng trên facebook.
Đây không phải là vụ việc đầu tiên lực lượng chức năng phát hiện các đối tượng buôn lậu, hàng giả lợi dụng TMĐT để tiêu thụ hàng hóa. Vừa qua Tổ công tác về TMĐT và Cục Nghiệp vụ QLTT (Tổng cục QLTT) phối hợp với Cục QLTT Hà Nội triệt phá kho hàng lậu quy mô lớn tại huyện Ba Vì. Chủ kho hàng khai nhận trung bình mỗi ngày cơ sở này nhân hơn 3.000 đơn hàng thông qua mạng xã hội facebook.
Thông tin về một số thủ đoạn tiêu thụ hàng lậu, hàng giả thông qua TMĐT, Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Trần Việt Hùng cho biết, để qua mắt lực lượng chức năng các đối tượng buôn bán mặt hàng này lập nhiều tài khoản facebook không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung, khi khách hàng hỏi mua hàng thì chỉ nhận inbox (nhắn tin riêng). Một số đối tượng lợi dùng tính năng livestream (phát trực tiếp) để chốt đơn mua hàng.
“Chỉ tính riêng trong tháng 9/2021 lực lượng chức năng TP Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 725 vụ buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại qua đó khởi tố 2 vụ đối với 5 đối tượng”, ông Trần Việt Hùng nêu ví dụ.
Chống hàng lậu, hàng giả trên sàn thương mại điện tử: Lỗ hổng pháp luật làm khó lực lượng chức năng - Ảnh 2
QLTT Hà Nội kiểm tra, bắt giữ hàng lậu tại điểm vận chuyển hàng hóa trên địa bàn quận Đống Đa.

Cần tăng nặng mức xử phạt
Cục trưởng Cục QLTT TP Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, mặc dù đã quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn, song việc lợi dụng TMĐT bán hàng lậu, hàng giả ngày càng phức tạp. Khó khăn lớn nhất là các đối tượng không có cửa hàng, chỉ thông qua các website, mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, sau đó chuyển hàng và thanh toán trực tiếp. Đặc biệt đa phần địa điểm hoạt động kinh doanh trực tuyến nằm trong nhà dân nên lực lượng chức năng khó tiếp cận kiểm tra, xử lý.
Quan trọng hơn cả là hành lang pháp lý để xử lý vi phạm TMĐT chưa theo kịp thực tế. “Thực tế chống hàng lậu, hàng giả cho thấy mặc dù lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ quy mô lớn nhưng số vụ truy tố xử lý hình sự rất ít, không đủ sức răn đe. Vì vậy cơ quan lập pháp cần xem xét bổ sung thêm những quy định trách nhiệm hình sự những pháp nhân có hành vi buôn lậu, sản xuất hàng giả, lợi dụng sàn TMĐT, mạng xã hội để tiêu thụ hàng hóa”, ông Chu Xuân Kiên kiến nghị.
Đồng tình với ý kiến này, Phó Chủ tịch Hội chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu TP Hà Nội Phạm Bá Dục nêu rõ, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP (ngày 26/8/2020) của Chính phủ về xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cá nhân kinh doanh hàng lậu bị phạt 500.000 đồng đến 50 triệu đồng, tùy thuộc giá trị hàng hóa; Tổ chức vi phạm kinh doanh hàng lậu sẽ bị phạt từ 1 - 100 triệu đồng.
Mức phạt này mặc dù tăng so với trước đây, song chưa đủ sức răn đe so với lợi nhuận mà đối tượng vi phạm thu được. “Để tạo điều kiện cho các lực lượng chức năng trong hoạt động chống hàng lậu, hàng  giả đòi hỏi cơ quan lập pháp cần hoàn thiện quy định pháp luật theo hướng tăng hình phạt, nâng cao tính răn đe”, ông Phạm Bá Dục kiến nghị.
Những thách thức này cho thấy trong thời gian tới cơ quan quản lý cần khắc phục lỗ hổng về chính sách quản lý các sàn TMĐT, mạng xã hội trong đó chú trọng tăng nặng hình thức xử phạt vi phạm hành chính qua đó răn đe các đơn vị và cá nhân kinh doanh bất hợp pháp.

Để ngăn chặn hàng lậu, hàng giả xuất hiện trên hình thức kinh doanh TMĐT đòi hỏi cần phải có cơ quan chuyên môn làm đầu mối điều phối cung cấp, chia sẻ thông tin phục vụ công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả trên môi trường TMĐT. Bên cạnh đó cần có quy định sàn TMĐT và người bán hàng phải thống kê, lưu giữ các giao dịch qua đó phục vụ việc truy xuất giao dịch, nguồn gốc hàng hóa. Đặc biệt, các sàn TMĐT phải ứng dụng triệt để việc sử dụng hóa đơn điện tử có kết nối với cơ quan thuế để lực lượng chức có thể tiến hành thẩm tra, xác minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.

Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT (Bộ Công thương) Trần Hữu Linh

Hiện việc thực hiện xử lý vi phạm đối những doanh nghiệp lợi dụng TMĐT để tiêu thụ hàng không hề dễ dàng, nguyên nhân là do việc truy tìm được những doanh nghiệp “ảo” không đơn giản. Có trường hợp lực lượng QLTT kiểm tra, phát hiện website ghi đúng địa chỉ, đúng mặt hàng kinh doanh nhưng chủ cơ sở không thừa nhận website đó do mình thiết lập, quản lý. Hoặc khi kiểm tra, chủ cơ sở cho dừng, đóng, khóa... website ngay tại thời điểm kiểm tra, gây khó khăn khi chứng minh vi phạm.

Cục trưởng Cục QLTT TP Hà Nội Chu Xuân Kiên

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần