Chống hàng lậu, hàng giả: Xây dựng quy chế chung cho lực lượng chức năng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong những năm qua vẫn không ngừng gia tăng, nhiều thủ đoạn buôn lậu tinh vi như lợi dụng hàng tạm nhập tái xuất để vận chuyển hàng lậu.

Ngày 21/2, tại Hội nghị trực tuyến về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại toàn quốc do Ban Chỉ đạo 127/T.Ư tổ chức, nhiều đại biểu cho biết, sự phối hợp giữa các ngành chức năng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại chưa thật chặt chẽ, còn chồng chéo.

Chưa ăn ý

Hoạt động buôn lậu, gian lậ
n thương mại, hàng giả trong những năm qua vẫn không ngừng gia tăng, nhiều thủ đoạn buôn lậu tinh vi như lợi dụng hàng tạm nhập tái xuất để vận chuyển hàng lậu. Lĩnh vực gian lận thương mại cũng không kém phần phức tạp, với các thủ đoạn quay vòng hóa đơn để hợp thức hóa hàng lậu, hàng giả, dùng công nghệ để gắn chíp điện tử, trộn dầu hỏa vào xăng, bán xăng A83 với giá xăng A92 cho khách hàng. Trong khi đó, lực lượng chức năng thiếu về số lượng, phương tiện nghiệp vụ; còn nhiều hạn chế về năng lực và trình độ chuyên môn. Ngoài ra, hệ thống chính sách pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả chưa được bổ sung cho phù hợp với tình hình mới; Chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, thiếu tính răn đe dẫn tới hiện tượng coi thường pháp luật của các đối tượng.

Mặc dù thủ đoạn dùng đường sắt, hàng không để vận chuyển hàng lậu không mới, nhưng việc ngăn chặn hiện tượng này đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do chưa có quy định phối hợp giữa các lực lượng thực hiện kiểm tra hàng lậu từ điểm xuất phát đến nơi giao nhận. Không chỉ vậy, công tác chống buôn lậu, hàng giả… được giao cho nhiều ngành, song lại chưa có sự quản lý thống nhất từ trên xuống dưới. Dẫn đến việc chỉ đạo thực hiện ở mỗi địa phương, mỗi ngành khác nhau, tạo nên tình trạng chống chéo, thiếu liên kết. Bà Nguyễn Thị Như Mai, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: Giải quyết một vụ buôn lậu, hàng giả có giá trị hiện nay là giải quyết các mối quan hệ trên dưới của nhiều cơ quan công quyền, nếu không có sự phối hợp chặt chẽ, việc xử lý sẽ gặp nhiều khó khăn.

Cần sự chung tay

Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, nhiều mặt hàng sẽ được giảm thuế. Những chính sách này, bên cạnh việc mang lại lợi ích tích cực cho doanh nghiệp trong xuất nhập khẩu hàng hóa nhưng sẽ tạo điều kiện cho hoạt động buôn lậu gia tăng.

Để chống tình trạng buôn lậu, nhất là những mặt hàng giá rẻ, chất lượng thấp "đổ bộ" vào thị trường Việt Nam, trong thời gian tới lực lượng chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác dự báo tình hình, từ đó có giải pháp đối phó, xử lý kịp thời, nhất là tình hình xuất nhập khẩu, biên mậu.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là các cơ quan chức năng từ T.Ư  đến địa phương cần tăng cường hoạt động phối hợp trong việc trao đổi thông tin chống buôn lậu, quản lý hàng hóa tạm nhập tái xuất. Bộ Công Thương sớm xây dựng quy chế phối hợp giữa các địa phương, BCĐ 127 các tỉnh thành theo từng tuyến giao thông nhất định có chỉ huy chung toàn tuyến. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cũng cần sớm thành lập hệ thống dữ liệu, thông tin liên quan đến hoạt động chống buôn lậu phục chung cho tất cả các lực lượng chức năng.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chỉ đạo, trong năm 2012, các bộ, ngành giải quyết dứt điểm các tồn tại về chính sách, văn bản không để kéo dài từ năm này sang năm khác. Bộ Công Thương xây dựng quy chế phối hợp giữa các lực lượng chức năng với nhau và với UBND các cấp trong hoạt động chống buôn lậu. Việc làm này còn có tác dụng ngăn chặn các hành vi lợi dụng chủ trương người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam để tiêu thụ hàng lậu, hàng kém chất lượng. Để chống hiện tượng buôn lậu xuyên quốc gia, lực lượng chức năng tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế trong việc phối hợp đấu tranh chống buôn lậu xuyên biên giới. Lập một số chuyên đề kiểm tra đối với hàng "nóng" như rượu, quần áo, hóa mỹ phẩm, điện thoại di động... Qua đó phát hiện, triệt phá những đường dây ổ nhóm buôn lậu lớn xuyên quốc gia.