Chống internet độc hại

Vũ Duy Thông
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, nhất là từ khi bùng nổ mạng xã hội, facebook, nhiều cá nhân bất mãn, bất đồng chính kiến, tổ chức thù địch, phản động đã lợi dụng để xuyên tạc, bóp méo thông tin, làm mất an ninh quốc gia, trật tự xã hội, chia rẽ dân tộc, tôn giáo, xói mòn lòng tin của dân đối với Đảng và Nhà nước.

Từ chỗ xúc phạm danh dự, uy tín cá nhân và tổ chức khiến nhiều nạn nhân trong cộng đồng phải điêu đứng, thậm chí không ít trường hợp phải tự tử, các thông tin trên mạng xã hội dần tiến đến lợi dụng internet để vi phạm pháp luật, chống đối Đảng và Nhà nước. 
 Ảnh minh họa
Họ kêu gào chống tham nhũng, nhưng khi Đảng và Nhà nước quyết liệt chống tham nhũng thì họ xuyên tạc là “đấu đá nội bộ”. Họ lợi dụng việc làm của Formosa để vu cáo chính quyền, vu cáo chính sách kinh tế quốc tế của Nhà nước bất chấp sự việc đã cơ bản được giải quyết, biển miền Trung đã trở lại trong lành, đồng bào đã yên tâm ra khơi vào lộng kiếm ăn. Họ giả làm “ta” để dễ bề kích dộng, chia rẽ quan hệ quốc tế. Họ dựng lên các mối quan hệ, sức khỏe của đồng chí này với đồng chí nọ để chia rẽ nội bộ lãnh đạo Đảng và Nhà nước…

Hay như hồi cuối năm 2016, nhiều tài khoản trên mạng xã hội rộ lên thông tin đổi tiền gây nhiễu loạn thông tin, bất ổn xã hội. Khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định không có việc đổi tiền, một vài cây bút thường được RFA, VOA, BBC,… tôn xưng là “bình luận gia” còn cố đăng bài, bịa tin vớt vát! Gần đây, nhân cơn áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào Nam Trung Bộ, một bloger đã đăng tin vỡ đập sông Tranh 2, một con đập ngay giữa vùng có động đất, khiến hàng nghìn người dân huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Ngãi) hoang mang. Bà con kéo lên huyện hỏi dò thông tin, sau mới biết là tin giả. Có thể kể ra đây rất nhiều, rất nhiều những thông tin thất thiệt, vu cáo có ý đồ như vậy trên các trang mạng xã hội, tuy nhiên điều đáng nói là trong khi khung pháp lý quản lý còn đang dần hoàn thiện thì thời gian qua những kẻ lợi dụng internet để chông phá ta còn tăng cường phối hợp giữa trong nước và nước ngoài. Nếu trước đây, lực lượng chống phá chủ yếu là bộ phận người gốc Việt lưu vong, thì nay lực lượng đã tập trung trong hàng trăm hội đoàn, đảng phái mà nổi lên là “Việt Tân”. Tổ chức này gần đây đã ngang nhiên tuyên bố sẽ công khai hoạt động ở Việt Nam! Một số người được RFA, VOA ưu ái dành tài khoản cá nhân riêng trên trang tiếng Việt để đăng các bài viết, bài phát biểu…

Ngoài ra, chúng còn cố tình đánh đồng các bloger, facebook với báo chí, lập cái gọi là “báo lề dân” để đối lập với báo chí chính thống, rồi lấy đó làm cơ sở để vu cáo Việt Nam vi phạm tự do ngôn luận. Các hoạt động này thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, từ đưa tin đến bình luận, đăng tải tài liệu ngụy tạo; hô hào ký các loại đơn thư kiến nghị để công bố trên internet, thậm chí tiến hành trên một số trang mạng mang danh nghĩa văn học, nghệ thuật… Bối cảnh và diễn biến phức tạp đó cho thấy ngày nay, việc đấu tranh chống các luận điệu sai trái phải bắt đầu và quan trọng nhất là công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho người dân nhận rõ âm mưu của kẻ thù. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở các bài viết bác bỏ, vạch rõ chân tướng, cung cấp thông tin, tiếp tục hiện đại hóa hạ tầng CNTT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng cần hoàn chỉnh hệ thống pháp luật của một nước có chủ quyền thông tin, liên hệ chặt chẽ với quốc tế. Điều này không chỉ xử lý kịp thời những vi phạm mà còn giúp ngăn chặn kịp thời khi những kẻ lợi dụng có những bước đi táo tợn, nguy hiểm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần