Chống lệch chuẩn văn hóa kinh doanh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ việc cho nhân viên mặc bikini quảng cáo sản phẩm tại siêu thị điện máy, hay rót bia, bưng đồ ăn phục vụ khách tại một nhà hàng hồi giữa tháng 5, nay vẫn chưa hết dư âm.

Không ai dám chắc văn hóa kinh doanh của người Hà Nội sẽ không bị ảnh hưởng bởi những nhân viên thích diện bikini.

Cách làm thiếu thiện cảm

Sau vụ việc một siêu thị điện máy ở Hà Nội cho nhân viên mặc bikini bán hàng, tiếp đến một nhà hàng cho nhân viên mặc bikini thoải mái đi lại, phục vụ, bưng bê… lập tức trên Facebook tràn ngập những lượt chia sẻ, bình luận về hình ảnh những cô gái trẻ mặc bikini tiếp thị, bưng bê. Chỉ cần lên Google gõ “nhân viên mặc bikini bán hàng” là sẽ ra hàng loạt bài viết, hình ảnh về hiện tượng “nóng” này. Ngay sau khi thanh tra Sở VH&TT Hà Nội ra quyết định xử phạt giám đốc marketing của siêu thị điện máy, ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở cũng lo lắng: Nếu nhà hàng nào cũng sử dụng "chiêu" mặc bikini để hút khách sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến văn hóa Hà Nội.
Nhân viên mặc bikini rót bia cho khách tại một nhà hàng ở khu vực Cầu Giấy (ảnh nguồn Facebook).
Nhân viên mặc bikini rót bia cho khách tại một nhà hàng ở khu vực Cầu Giấy (ảnh nguồn Facebook).
Nỗi lo của ông Tô Văn Động rõ ràng có căn cứ, bởi 2 tuần sau khi xảy ra sự việc tại siêu thị điện máy, chắc chắn không phải vô tình, cán bộ xây dựng hình ảnh của nhà hàng lại cho nhân viên mặc bikini phục vụ, bưng bê. Bày tỏ quan điểm về cách truyền thông sản phẩm của siêu thị điện máy và nhà hàng kinh doanh đồ ăn, chuyên gia xây dựng thương hiệu cá nhân - diễn giả Huỳnh Minh Thuận chia sẻ: “Tôi khá bất ngờ khi một DN điện máy dùng chiến lược PR mặc bikini để thu hút khách. Và càng bất ngờ hơn, khi những đơn vị khác lại có ý tưởng bắt chước. Không phải ông giám đốc marketing nào cũng dám “liều” như vậy. Có điều, nhìn vào những hình ảnh này, cảm xúc đầu tiên của phần lớn người tiêu dùng sẽ cảm thấy có gì đó không ổn. Tuy đây là sự lựa chọn chiến lược thu hút sự quan tâm của khách hàng, song DN chưa chính thức đầu tư cho ý tưởng của mình nên bị lệch chuẩn”.

Còn nhà văn Trần Thị Trường bày tỏ: “Tôi không ngờ cuộc sống vẫn còn có những người bất chấp tất cả để đạt mục đích xây dựng hình ảnh trong kinh doanh. Tuy nhiên, để nhân viên mặc bikini tiếp thị sản phẩm là hành động sẽ bị chính các DN khác lên án, chưa kể đến phản ứng của xã hội”.

Nhốn nháo không giống ai
Mức phạt 40 triệu cho hành vi ăn mặc phản cảm là không đủ, mà còn cần đến sự chỉ trích của cộng đồng. Có như thế mới vãn hồi được một nền văn hóa của chúng ta đang bị xuống cấp bởi những quan niệm nông nổi, những thị hiếu tầm thường lấn lướt.
Nhà văn Trần Thị Trường

Ở Phương Tây, cũng từng để người mẫu quảng cáo được mặc bikini khi ra mắt dòng ôtô thể thao. Ở Nhật cũng có trường hợp ăn susi trên cơ thể người. Thế nhưng, những hiện tượng này chỉ diễn ra trong phạm vi hẹp, không được phổ biến. Nếu đưa ra số đông công chúng chắc chắn sẽ bị phản ứng. Chính vì vậy, không có lý do gì để biện minh cho hành động mặc bikini quảng cáo ở Việt Nam là chấp nhận được trong xu thế hội nhập.

TS Khuất Thu HồngViện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội

Có không ít người bình luận cho rằng, việc mặc bikini tiếp thị, bán hàng hay bưng bê là chuyện bình thường, cũng như việc đi biển hay thi hoa hậu với phần thi áo tắm; rằng thế kỷ nào rồi mà còn cổ hủ, còn lấy “cớ” trái thuần phong mỹ tục để xử phạt. Thực tế, ở Italia và Chile cũng tồn tại những phố với cụm từ “café con piernas” (cà phê và những cặp đùi). Thế nhưng, người ta quy hoạch một con phố để chỉ dành cho những thực khách thích sự cuốn hút từ nhân viên nữ ăn mặc hở hang. Bản thân từ “bikini” với ý nghĩa “áo tắm 2 mảnh” đã khoanh vùng phạm vi sử dụng. Nhưng nơi cần sử dụng lại bỏ quên, còn ở nơi nếu mặc nó sẽ thành phản cảm lại được trở thành lựa chọn cho sự lạ mắt và cuốn hút.

Tự nhận mình là người không còn trẻ, nhưng cũng không mang tư tưởng cổ hủ, nhà văn Trần Thị Trường thừa nhận: “Mặc bikini không xấu, nếu mặc đúng chỗ như bãi biển, bể bơi, cuộc thi nhan sắc, còn ở quán ăn, nhà hàng, siêu thị thì ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục. Các em gái mặc bikini ở quán ăn, phục vụ đồ ăn, đồ uống cho khách, dù nhà hàng đó ở gần bãi biển cũng là không ổn nữa là ở nhà hàng ngay Hà Nội, những không gian văn hóa không dành cho người tắm biển thì không thể chấp nhận được”. Cũng giống như nhà văn Trần Thị Trường, không ai quy chụp bộ trang phục bikini là một sản phẩm thiếu văn hóa và phản cảm. Thế nhưng, khi không đặt trong một không gian đặc thù như bãi biển, việc sử dụng những bộ trang phục ấy sẽ không có tác động gì tích cực, nếu không muốn nói là phản cảm hoặc chỉ có tác dụng "tạo scandal dư luận".

Tại TP Đà Nẵng, cách đây hơn một năm, ngành du lịch địa phương đã khiến bạn đọc phải trăn trở về ý tưởng thành lập những bãi tắm riêng cho những du khách mặc bikini chỉ để chấn chỉnh việc vừa mặc đồ ngủ, vừa mặc đồ bikini đi tắm tại các bãi biển của Đà Nẵng. Thế mới thấy, rất nhiều người Việt quen với sự lộn xộn giữa đồ ngủ, đồ bikini, đồ dạo phố… tạo nên những bức tranh nhốn nháo không giống ai.

“Chuẩn” từ cộng đồng

TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) cho rằng: “Tôi cho rằng xã hội ngày càng cởi mở hơn, nhiều “sáng kiến” có cơ hội được thực hiện. Nền thương mại của Việt Nam đã có từ hàng ngàn năm trước, nhưng chưa bao giờ những chiêu thức tiếp thị tương tự được sử dụng cho dù cạnh tranh thì thời nào cũng có. Đây có thể coi là một chiêu thức kinh doanh nhưng nó có sống lâu hay không còn phụ thuộc vào công chúng. Nếu như nó không phù hợp thì công chúng sẽ phản ứng, tẩy chay”.

Theo TS Hồng, Việt Nam đang thiếu căn cứ pháp lý, quy định quảng cáo phải ăn mặc như thế nào, độ ngắn dài ra sao là vừa đủ. Đúng là luật không đạt “chuẩn” từng centimet của chiếc áo, chiếc quần, nhưng rõ ràng người Việt cần hướng đến cái gọi là văn hóa mặc. Nhiều du khách nước ngoài đến Việt Nam từng chia sẻ, bãi biển ở mảnh đất hình chữ S có phong cảnh đẹp hơn nhiều bãi biển nổi tiếng khác của thế giới. Nhưng người nước ngoài chuyên nghiệp trong cách mặc để tạo sự bắt mắt trong đúng hoàn cảnh. Lãnh đạo TP Đà Nẵng cũng chưa từng có ý tưởng cấm du khách mặc đồ ngủ đi tắm biển, nhưng để hướng đến “văn hóa tắm biển”, thì rõ ràng hướng đến thành lập bãi biển dành riêng cho du khách mặc bikini cũng là giải pháp. Ngoài ra, để ngăn chặn sử dụng hình ảnh gợi cảm làm chiêu quảng cáo câu khách, Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Tô Văn Động thừa nhận, mức phạt cao nhất 40 triệu đồng cho hành vi vi phạm sẽ không đủ sức răn đe, mà cần tiếng nói chung của cộng đồng, tạo ra những quy ước ngầm về trang phục chuẩn cho từng trường hợp.

Ở Hà Nội mới cộm lên 2 trường hợp dùng bikini để câu khách, nhưng cũng không thể coi đó là chuyện nhỏ. Bởi, nếu những việc làm này trở nên phổ biến với ý nghĩ là việc bình thường; thì có nghĩa một bộ phận đạo đức xã hội đã cần báo động. Dù là hội nhập, dù là xã hội đã phát triển, hiện đại hơn, nhưng rõ ràng những hành vi sử dụng hình ảnh quảng cáo trái với thuần phong mỹ tục, xét về luật đã không đúng, xét về lý lại càng sai.