Để đạt hiệu quả hơn nữa, việc siết chặt kỷ luật Đảng, chống tha hóa trong cán bộ, đảng viên vẫn là nhiệm vụ quan trọng được đặt ra. Đó là nhận định của PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng trong cuộc trò chuyện với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2023).
“Chống” để thực hiện hiện “xây” tốt hơn
Năm 2023, Đảng ta kỷ niệm tròn 93 năm thành lập. Là nhà nghiên cứu về lịch sử Đảng, trên chặng đường vẻ vang ấy, theo ông bài học quan trọng nhất trong công tác xây dựng Đảng là gì?
- Là người nghiên cứu về lịch sử Đảng, tôi vô cùng tự hào về vai trò lãnh đạo của Đảng. Tính đến nay, Đảng ta đã trải qua chặng đường dài 93 năm, đó là quá trình phát triển không ngừng và cho đến thời điểm này, đúng như Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII đã đánh giá, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Đây chính là cơ sở quan trọng để thúc đẩy đất nước phát triển nhanh hơn trong thời gian tới. Có được điều đó, do nhiều nguyên nhân, như sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, sáng tạo của các lĩnh vực; phát huy được nội lực; nhưng nổi bật là sự lãnh đạo của Đảng, quyết định cơ đồ, vị thế đất nước.
Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng có được là nhờ xây dựng Đảng và lấy cán bộ là then chốt. Xuyên suốt lịch sử hình thành và phát triển của Đảng, có thể thấy, cán bộ trước hết phải có lý tưởng cách mạng trong sáng, đó là suốt đời phấn đấu vì nước, vì dân. Cán bộ có lý tưởng thì mới có bản lĩnh vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách; mới dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung như Đại hội XIII đã xác định. Cùng với đó, cán bộ phải có năng lực, trình độ, hay còn gọi là trí tuệ và đặc biệt quan trọng, cán bộ phải có đạo đức. Từ đảng viên trở thành cán bộ là cả quá trình phấn đấu, rèn luyện, thế thì cán bộ phải làm gương trong Đảng và làm gương trong xã hội về mặt đạo đức, phẩm chất cách mạng.
Vậy nhìn lại tiến trình hơn 35 năm đổi mới và thời gian qua, có thể thấy, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là công tác cán bộ ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết khi nạn tham nhũng, tiêu cực vẫn đang nhức nhối, thưa ông?
- Đúng thế, hiện nay, xây dựng, chỉnh đốn Đảng vẫn được xác định là nhiệm vụ trọng yếu, then chốt. Trong đó, công tác tổ chức, cán bộ vẫn được Đảng xác định là khâu "then chốt của then chốt". Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề cao xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, bảo đảm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Và trong các nhiệm vụ, giải pháp căn bản, tôi đặc biệt chú ý đến vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức, kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTN, tiêu cực.
Thực tiễn cho thấy, tham nhũng là thể hiện rõ nhất của sự suy thoái về đạo đức; những người vướng vào tham nhũng, tiêu cực nghĩa là làm những việc trái với chuẩn mực đạo đức và vi phạm pháp luật. Bởi thế, trong công tác cán bộ hiện nay, phải chú ý cả hai phương diện "xây" và "chống". Nếu cái gốc của "xây" là đạo đức thì trọng tâm của "chống" là chống suy thoái. Phải chống sự suy thoái cả trong tư tưởng chính trị, cả về đạo đức, lối sống. Đây cũng là điều được Đảng đang hết sức chú trọng và việc tập trung cuộc đấu tranh PCTN, tiêu cực chính là chống sự suy thoái.
Tạo hiệu quả răn đe
Hiện toàn Đảng đang đẩy mạnh PCTN, tiêu cực với quan điểm: Xây là chiến lược, căn bản, lâu dài, chống là bức thiết, cấp bách. Ông có nhận định thế nào trước những bước tiến quan trọng từ thực tiễn?
- Nếu tính từ dấu mốc 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo T.Ư về PCNT, tiêu cực (2013 - 2023), nhiều giá trị tổng kết thực tiễn lớn đã được chỉ ra, trong đó đặc biệt công tác PCTN, tiêu cực đã trở thành phong trào thực sự mang tính cách mạng, một xu thế trong Đảng, trong hệ thống chính trị và toàn xã hội, làm cho mọi người không thể đứng ngoài cuộc. Những kết quả đạt được cũng khẳng định Đảng đã nhất quán giữa nói và làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, càng không có chuyện “hy sinh đời bố củng cố đời con” hay “hạ cánh an toàn”. Gần đây nhất đã khởi tố mới, điều tra nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trong những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước; xử lý nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Đây cũng là minh chứng cho thấy Đảng có đủ khả năng và bản lĩnh để đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực nếu thực sự tôn trọng sự thật, tôn trọng công lý, biết dựa vào dân.
"Việc quyết liệt xử lý các đối tượng vi phạm, hay nói khác đi là “việc đã rồi” rất quan trọng, nhưng phòng ngừa cũng quan trọng không kém. Tôi nghĩ rằng, trong thời gian tới, các giải pháp cả phòng và chống đã được Tổng Bí thư nêu ra được tiến hành đồng bộ sẽ tiếp tục tạo ra sức mạnh tổng hợp, việc PCTN mới thực sự có gốc vững bền"- PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc
Tại các địa phương, mặc dù mới được hình thành và đi vào hoạt động, nhưng các ban chỉ đạo PCTN, tiêu cực cấp tỉnh đã chủ động đưa gần 400 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào theo dõi, chỉ đạo để tập trung xử lý. Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” đã giảm dần. Cùng với đó, công tác thu hồi tài sản tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực. Như con số được công bố, trong năm 2022, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản có giá trị hơn 160.000 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác; các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được gần 16.000 tỷ đồng (tăng 7.000 tỷ đồng so với năm trước)…
Chính việc tăng cường PCTN, tiêu cực đã củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, làm cho bộ máy trong sạch, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiệm vụ PCTN, tiêu cực hiện nay và sắp tới chắc chắn còn nhiều khó khăn, phức tạp, đòi hỏi quyết tâm cao hơn từ T.Ư đến địa phương, cơ sở và giải pháp đồng bộ, thiết thực, hiệu quả hơn thưa ông?
- Chắc chắn thế. Nhìn vào những con số hàng nghìn đảng viên bị xử lý kỷ luật mỗi năm, trong đó không ít cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý, tôi cũng như nhiều người, vừa vui vì Đảng đã loại trừ được những người “tha hóa”, nhưng cũng rất buồn. Tham nhũng gắn với quyền lực. Khi bố trí một cán bộ vào những vị trí có chức, có quyền mà lại thiếu kiểm soát, giám sát, người kém bản lĩnh sẽ dễ sa ngã, vi phạm, lợi ích nhóm, chưa nói đến việc con người vốn ham vật chất, tham danh vọng... Điều đó càng cho thấy xây dựng Đảng về đạo đức rất quan trọng, để ngăn chặn sự suy thoái.
Cùng với kịp thời các kẽ hở, lỗ hổng phát sinh tham nhũng, rất cần xây dựng và thực hiện nghiêm các chuẩn mực đạo đức, để cán bộ tránh xa cám dỗ, dẫn đến hư hỏng. Phải đề ra những tiêu chí để những người nắm chức vụ quyền hạn biết dừng đến đâu, tự kiểm soát quyền lực của bản thân mình. Đề cao tinh thần “tự soi”, “tự sửa” trong mỗi cán bộ, đảng viên, từng tổ chức đảng, chính quyền và các cấp trong hệ thống chính trị, coi đó là giải pháp mang tính tích cực, có hiệu quả thiết thực.