Chống thất thu thay vì tăng thuế

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến đề nghị tăng kịch trần thuế bảo vệ môi trường với nhiều mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết đã nhận được 60 ý kiến tham gia, trong đó, 40/60 ý kiến nhất trí hoàn toàn với sự cần thiết và nội dung của dự thảo Nghị quyết.

Chưa rõ 40 ý kiến “nhất trí hoàn toàn” đó thuộc những Bộ, ngành nào, song thực tế đa số các chuyên gia và người dân được hỏi, đều phản đối mức tăng này.
 Doanh nghiệp làm thủ tục hoàn thuế tại Cục Thuế TP Hà Nội. Ảnh: Hải Linh

Tại Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, địa phương và tổ chức, cá nhân về dự thảo Nghị quyết biểu thuế bảo vệ môi trường (BVMT), Bộ Tài chính đã đề nghị thuế BVMT đối với xăng tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít, tăng 1.000 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít, tăng 1.100 đồng/lít; nhiên liệu bay, dầu hỏa giữ như hiện hành là 3.000 đồng/lít đối với nhiên liệu bay (mức trần) và 2.000 đồng/lít đối với dầu hỏa…

Cụ thể, xăng dầu hiện đang gánh 4 loại thuế là thuế BVMT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT và thuế nhập khẩu. Số liệu mới nhất cho thấy, số thu từ xăng dầu chiếm 10% trong tổng số thu ngân sách, riêng thuế BVMT chiếm khoảng 4,1%. Nếu áp dụng mức đề xuất mà dự thảo đưa ra, con số này sẽ rất cao trong tổng thu ngân sách. Điều này tác động trực tiếp đến toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt là ảnh hưởng đến GDP. Lo ngại về việc tăng thuế khiến giá xăng tăng, kéo theo áp lực tăng giá lên những mặt hàng, dịch vụ khác, người dân thêm nặng gánh, DN giảm sức cạnh tranh là hoàn toàn có cơ sở.

Bên cạnh đó, thuế BVMT để chi phí cho các hoạt động nhằm giảm thiểu sự tác động từ việc sử dụng xăng dầu tới môi trường. Bởi thế, lý giải việc tăng mức thuế BVMT góp phần khuyến khích sản xuất và sử dụng xăng sinh học, hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường của Bộ Tài chính là hoàn toàn không thuyết phục. Thực tế, muốn BVMT, khuyến khích người dân sử dụng nhiên liệu ít gây ô nhiễm môi trường, DN, cơ quan quản lý phải tuyên truyền và có những giải pháp cạnh tranh để người tiêu dùng thấy hiệu quả và sử dụng chứ không phải dùng “gậy” hành chính.

Tương tự, lý do tăng thuế BVMT để bù đắp thu ngân sách khi thuế nhập khẩu giảm cũng không phải phương án tối ưu. Tăng thu ngân sách có nhiều cách như cắt giảm chi tiêu công, giải quyết vấn đề DN Nhà nước, đầu tư công có hiệu quả, xử lý thâm hụt ngân sách… Ngoài ra, cần có các biện pháp quản lý thuế đối với các loại hình kinh doanh mới trong bối cảnh công nghiệp 4.0 như Grab, Uber, kinh doanh thương mại điện tử… để chống thất thu ngân sách… thì sẽ tăng được thu. Nếu tăng thuế sẽ kéo theo giảm sức cầu của người dân, giảm sức cạnh tranh của DN, giảm nguồn thu ngân sách. Bởi thế, Bộ Tài chính cần cân nhắc trong quản lý thuế, chống thất thu hơn là thay vì việc nghĩ đến tăng thuế.