70 năm giải phóng Thủ đô

Chớp cơ hội từ CPH nhiều tổng công ty lớn ngành giao thông

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơ hội mua bán, sáp nhập (M&A) đang rộng mở cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) sẽ thoái vốn triệt để tại nhiều tổng công ty lớn trong 6 tháng cuối năm.

Thoái vốn sâu trên diện rộng

Việc Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vừa “bật đèn xanh” cho phép Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam - CTCP (Vinamotor) không tính lợi thế thuê đất dài hạn trả tiền hàng năm vào giá khởi điểm chào bán đã làm tăng đáng kể sức hấp dẫn của hơn 85 triệu cổ phần mà Nhà nước đang nắm giữ tại đây.

Đến thời điểm này, đã có ít nhất 4 nhà đầu tư sẵn sàng mua toàn bộ phần vốn trị giá khoảng 850 tỷ đồng, tương đương 97,7% vốn điều lệ (tính theo mệnh giá) mà Nhà nước đang nắm giữ tại Vinamotor.
Bộ GTVT sẽ thoái vốn sâu tại nhiều cảng biển trọng yếu, trong đó có Cảng Hải Phòng
Bộ GTVT sẽ thoái vốn sâu tại nhiều cảng biển trọng yếu, trong đó có Cảng Hải Phòng. 
Trên thực tế, cuộc đua sở hữu Vinamotor chỉ nóng lên sau khi Chính phủ “bật đèn xanh” cho Bộ GTVT tiến hành thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Vinamotor - đơn vị từng bị ế rất nặng trong đợt IPO công ty mẹ vào tháng 3/2014. Đây được coi là lý do chính dẫn đến việc cổ phiếu Vinamotor đột nhiên đắt hàng.

Được biết, trong suốt lịch sử 40 năm hoạt động, ngoại trừ giai đoạn 1999 - 2001, hoạt động sản xuất - kinh doanh của Vinamotor luôn lẹt đẹt và chưa bao giờ được lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá cao.

“Khi chấp nhận bỏ ra gần 1.000 tỷ đồng để mua hơn 97% cổ phần, chắc chắn cả 4 nhà đầu tư này đã thấy tiềm năng phát triển, khả năng sinh lời ngay cả khi kết quả kinh doanh hiện tại của Vinamotor chưa thực sự hấp dẫn”, ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT) cho biết.

Được biết, Vinamotor sẽ cùng với 3 tổng công ty xây dựng giao thông (cienco) là Cienco5, Cienc6, Cienco8 vừa được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tiến hành thoái vốn theo lô cổ phẩn theo hình thức đấu giá ngay trong quý III/2015.

Tương tự trường hợp Vinamotor, 3 cienco mà Nhà nước đang nắm giữ trên 51% vốn điều lệ đang được khá nhiều nhà đầu tư quan tâm. Các tổng công ty này bị ế rất sâu lượng cổ phần đem ra IPO, thậm chí có đơn vị không tìm được nhà đầu tư chiến lược (Vinamotor, Cienc6) có nguyên nhân không nhỏ từ việc chưa đưa ra phương án cổ phần hóa có tính thuyết phục cao, đặc biệt là lộ trình thoái vốn cho các nhà đầu tư.

Trước đó, Bộ GTVT đã thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Cienco1, Cienco4 hoặc chỉ nắm giữ dưới 36% tại các tổng công ty: Thăng Long; Tư vấn thiết kế GTVT; Vận tải thủy.

Trái với quan ngại của nhiều người, Cienco1 và Cienco4 hiện vẫn tập trung vào ngành nghề cốt lõi là xây dựng công trình giao thông ngay cả khi họ bắt đầu lấn sân trở thành các nhà đầu tư.

Cần phải nói thêm rằng, việc hàng loạt doanh nghiệp lớn trong ngành GTVT có bước chuyển lớn về sản xuất, kinh doanh sau khi nhà nước tiến hành thoái vốn triệt để đã tiếp thêm động lực để Bộ GTVT quyết thoái vốn một cách triệt để tại nhiều tổng công ty lớn trong 6 tháng cuối năm.

Tại Cienco1, lợi nhuận sau thuế năm 2014 đã tăng lên tới 145% so với năm 2013 chỉ sau khoảng nửa năm Bộ GTVT không còn bất kỳ đại diện phần vốn nhà nước tại đây.

“Sự xuất hiện của những thành viên hội đồng quản trị mới, trẻ, năng động gắn với cơ chế trả lương gắn với năng suất lao động đã cải thiện đáng kể hiệu quả sản xuất, kinh doanh”, ông Cấn Hồng Lai, Tổng giám đốc Cienco1 đánh giá.

Những mã hàng tốt

“Không một nhà đầu tư lớn nào bỏ vốn mua cổ phần doanh nghiệp giao thông mà không hướng tới mục tiêu giành quyền chi phối và Bộ GTVT sẵn sàng mở cửa cho các nhà đầu tư tham gia sâu hơn vào hoạt động quản trị doanh nghiệp tại các lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ”, Bộ trưởng Thăng cho biết.

Theo các nhà đầu tư, đây là lý do khiến công tác cổ phần hóa và thoái vốn của Bộ GTVT được đánh giá là đặc biệt thành công thời gian qua.

Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2015, Bộ này đã hoàn thành thoái phần vốn nhà nước tại 19 doanh nghiệp, tổng số tiền thoái vốn thu về là 1.487 tỷ đồng, bằng 139% giá trị mệnh giá, bao gồm: thoái 20% vốn điều lệ tại Tổng công ty Vận tải thủy và Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải thu về trên 120 tỷ đồng; thoái vốn tại 17 công ty cổ phần thuộc các Tổng công ty 1.367 tỷ đồng.

Hiện lộ trình cổ phần hóa và thoái vốn trong 6 tháng cuối năm nay cũng đã được lên kế hoạch và khó có thể lùi được sau khi Bộ trưởng Thăng phê duyệt.

Cụ thể, bên việc IPO với với khối lượng rất lớn từ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam; Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam; Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long và các nhóm cổ phiếu có tính đặc thù cao như Bệnh viện GTVT Trung ương… Bộ triển khai thoái vốn tại 80 doanh nghiệp (bao gồm Cảng Hải Phòng sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt), tổng giá trị thoái theo mệnh giá là 7.169 tỷ đồng. Trong số này, Bộ GTVT thực hiện thoái vốn nhà nước tại 8 công ty mẹ - tổng công ty và 11 công ty thuộc Bộ, tổng giá trị theo mệnh giá 2.411 tỷ đồng; 61 công ty thuộc các tổng công ty, tổng giá trị theo mệnh giá 4.758 tỷ đồng.

Theo yêu cầu của Bộ trưởng Thăng, việc thoái vốn phải được thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật, ưu tiên thoái vốn theo phương thức đấu giá công khai.

“Đối với một số doanh nghiệp nhỏ, quy mô vốn thấp có thể đề xuất hình thức bán cho người lao động”, ông Thăng chỉ đạo./.