Chốt trực xử lý nghiêm các vi phạm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để đảm bảo an ninh trật tự cho lễ hội chùa Hương 2014, Công an (CA) huyện Mỹ Đức đã chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết, đồng thời tăng cường cán bộ cảnh sát (CBCS) phối hợp với các phòng nghiệp vụ của Công an Hà Nội về chùa Hương "nằm vùng".

Qua hơn 1 tháng triển khai, các CBCS đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, các loại tội phạm ở chùa Hương đã cơ bản được khống chế.

 Phối hợp xử lý các vi phạm

Tại lễ hội chùa Hương, dư luận thường bức xúc là tình trạng giết mổ, treo móc thịt thú rừng giả. Để giải quyết việc này, Công an Hà Nội đã điều động một tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) vào chốt trực trong chùa Hương. Đại tá Doãn Hữu Châu - Trưởng phòng PC49 thường xuyên có mặt tại lễ hội chùa Hương để chỉ đạo các tổ công tác làm nhiệm vụ. Đó là, xử lý dứt điểm tình trạng bày bán thịt thú rừng trái phép, treo móc thịt động vật không đúng quy định... Ngoài PC49, CA huyện Mỹ Đức cũng kiên quyết xử lý các trường hợp kinh doanh động vật hoang dã quý hiếm và treo móc động vật nguyên con, thịt tảng tươi sống trước cửa các nhà hàng.
Ngày 13/2, Công an Hà Nội bắt giữ  7 “cò” chèo kéo du khách đi lễ hội chùa Hương.              Ảnh: Như Ý
Ngày 13/2, Công an Hà Nội bắt giữ 7 “cò” chèo kéo du khách đi lễ hội chùa Hương. Ảnh: Như Ý
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Thượng tá Lê Xuân Văn - Phó trưởng CA huyện Mỹ Đức cho biết: Tại lễ hội chùa Hương năm nay, tình trạng chèn ép khách đã giảm hẳn. Hiện tượng trộm cắp, móc túi, cờ bạc được đấu tranh kiên quyết. Việc bày bán thịt thú các loại đã cơ bản được khắc phục. Để có được kết quả trên, điểm mới trong việc bố trí các chốt trực mùa lễ hội chùa Hương 2014, là CBCS thường xuyên đổi vị trí chốt trực cho nhau đảm bảo yếu tố bất ngờ, hiệu quả. Bởi thực tế, đa phần các đối tượng có hành vi vi phạm là người địa phương, sau một vài lần tiếp xúc, quen mặt CBCS, họ sẽ có cách thức đối phó. Ngoài ra, gần 200 CBCS CA huyện Mỹ Đức và phòng nghiệp vụ của Công an Hà Nội đã tổ chức điều tra cơ bản, triển khai các biện pháp phòng ngừa, tổ chức gọi hỏi, răn đe số đối tượng có tiền án, tiền sự, từng vi phạm pháp luật trong các mùa lễ hội trước đây.

Các tuyến đường tới chùa Hương cũng được các lực lượng chức năng chốt trực đảm bảo an ninh trật tự. Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 10 đã phối hợp cùng công an, thanh tra giao thông các quận, huyện là Hà Đông, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức mở đợt ra quân, giải tỏa 32 điểm chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự giao thông trên tuyến, nhất là trong dịp diễn ra lễ hội. Sau khi giải tỏa, tại các khu vực này luôn có lực lượng chức năng cắm chốt, nhắc nhở, ngăn ngừa vi phạm tái diễn, nhất là vào giờ cao điểm. Những ngày qua, chúng tôi ghi nhận được không khí làm việc khẩn trương của các tổ CSGT trên QL 21B. Tại đây, các chiến sĩ luôn "căng mình" bám đường điều tiết dòng phương tiện đi lễ hội. Bên cạnh các chốt tuần tra cố định, các chốt tăng cường ở điểm lễ hội, lực lượng CSGT luôn bố trí hai tổ công tác tuần lưu.

“Cò mồi” hết đất sống

Với quyết tâm xóa "cò mồi" tại lễ hội chùa Hương, Giám đốc CA Hà Nội đã chỉ đạo công an các quận, huyện có tuyến QL 21B chạy qua chủ động nắm tình hình, lên danh sách số đối tượng có biểu hiện hoạt động "cò mồi" tại lễ hội, đang sinh sống trên địa bàn để có phương án xử lý. Ngoài ra, tăng cường, bố trí các trinh sát tuần tra, chống đeo bám.

Với sự vào cuộc quy mô, bài bản, ngày 13/2, lực lượng công an liên ngành đã phối hợp bắt giữ một số đối tượng cò mồi chuyên chèo kéo khách đi lễ hội chùa Hương. Các đối tượng này phần lớn đều sống tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, giả danh là những lái xe ôm, hoạt động ở Ba La (Hà Đông). Khi phát hiện các xe ô tô đi lễ hội chùa Hương, nhóm đối tượng đã bám theo trên QL 21B nhằm dụ dỗ, chèo kéo khách đi đò dẫn đến tình trạng mất an toàn giao thông trên toàn tuyến. Điều đáng nói, một số đối tượng đã nhiều lần bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, nhưng chỉ bị phạt xử lý hành chính nên đã tái diễn vi phạm.

Trong khi "cò mồi" chèo kéo khách đi đò cơ bản được đẩy lùi, tại lễ hội chùa Hương năm 2014 lại phát sinh một loại "cò" mới là "cò" vé cáp treo. Đó là khi số lượng khách sử dụng dịch vụ cáp treo gia tăng đột biến, nhiều người đã không mua được vé. Lợi dụng tình trạng này, nhiều người không chờ đợi được đã phải mua vé qua "cò". CA huyện Mỹ Đức đang  tổ chức nhận diện, xử lý số đối tượng "cò" vé cáp treo, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người dân không mua bán vé qua "cò".

Với sự vào cuộc quyết liệt, phối hợp nhịp nhàng của các lực lượng chức năng, tình hình an ninh trật tự tại lễ hội chùa Hương đã được đảm bảo, người dân đã an tâm hơn khi đi lễ hội.