Điều đáng nói, hai “ông chủ” của dự án này là công ty CP Đầu tư xây dựng Vinaconex – PVC thì đang khó khăn về tài chính và Tổng Công ty Dược Việt Nam (Vinapharm) dù hoạt động tốt nhưng dường như đã “bán cái” dự án cho Vinaconex – PVC. Vì vậy, dù đã triển khai và đang mở bán, PVV -Vinapharm vẫn bị rơi vào tình trạng nợ thuế sử dụng đất trên 90 ngày và phải sấp ngửa tìm cách trả nợ. Câu chuyện về tình hình tài chính của dự án này đang khiến nhiều người lo ngại. Vinaconex - PVC gặp khó? Đại diện Chi cục Thuế Thanh Xuân cho biết, vừa qua, chủ đầu tư dự án này đã thu xếp trả được hơn 1 tỷ đồng nợ thuế sử dụng đất. Hiện, chủ đầu tư dự án này đang thu xếp nguồn tiền vay ngân hàng để ngân hàng giải ngân trả nợ khoản nợ này.
Theo quyết định số 2191/QĐ-UBND ngày 15/5/2015, UBND TP Hà Nội đã cho phép Vinapharm chuyển mục đích sử dụng 2.670m2 đất tại số 60B Nguyễn Huy Tưởng để hợp tác với Vinaconex - PVC (mã chứng khoán PVV) thực hiện dự án đầu tư xây dựng tổ hợp thương mại, văn phòng và nhà ở chung cư PVV-Vinapharm. Dự án này được thiết kế 1 tầng hầm, 5 tầng dịch vụ thương mại văn phòng, 1 tầng kỹ thuật, từ tầng 6 là căn hộ để ở với diện tích căn hộ từ 55 – 97m2, giá khoảng 25 triệu đồng/m2. Theo báo cáo kiểm toán độc lập của Công ty TNHH Kiểm toán An Việt công bố thông tin trên cổng thông tin Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội ngày 29/3/2016, tình hình tài chính của công ty trong năm tài chính của Vinaconex-PVC tiếp tục gặp một số khó khăn. Cụ thể, tại ngày 31/12/2015, số dư nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn khoảng 167,204 tỷ đồng; lỗ lũy kế khoảng 126,769 tỷ đồng đã làm cho số dư vốn chủ sở hữu thấp hơn vốn điều lệ của công ty dù kết quả kinh doanh 2015 của công ty mẹ lãi với số tiền khoảng 6.109 tỷ đồng. Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc công ty đã cam kết tiếp tục tìm kiếm các dự án mới, đẩy nhanh tiến độ các dự án hiện tại, đồng thời làm việc với ngân hàng và các chủ nợ để gia hạn các khoản nợ đến hạn thanh toán, đảm bảo hoạt động của công ty ổn định và không phát sinh thêm các khoản nợ xấu trong các năm tiếp theo. Đạt nhiều thành tích vẫn nợ thuế đất Một chủ đầu tư khác của PVV - Vinapharm Tower là Vinapharm. Dù đạt nhiều thành tích, kết quả kinh doanh tốt nhưng có vẻ Tổng Công ty này đang “ngoảnh mặt làm ngơ” với những khó khăn của dự án. Mới đây, tại Lễ kỷ niệm 42 năm Ngày thành lập 1/4/1974 - 1/4/2016 và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, dược sĩ Nguyễn Quý Sơn - Chủ tịch HĐQT Vinapharm cho biết, các đơn vị sản xuất thuốc trong tổng công ty không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng công tác nghiên cứu sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là các sản phẩm thuốc biệt dược thay thế dần cho thuốc nhập khẩu, nâng cao giá trị thuốc Việt. Tính đến tháng 6/2015, các công ty con và các công ty có vốn góp của tổng công ty có 2.775 sản phẩm được cấp số đăng ký sản xuất, 44 sản phẩm đăng ký mới. 17 DN sản xuất của Tổng Công ty đã đầu tư hơn 100 dây chuyền sản xuất thuốc đạt GMP WHO. Tổng doanh thu sản xuất của các DN này đã chiếm khoảng 20% thị phần thuốc sản xuất trong nước. Trên trang web của Vinapharm, các thông tin về dự án đầu tư tại 60 B Nguyễn Huy Tưởng cũng rất khiêm tốn, gồm quy mô xây dựng tòa cao 22 tầng, diện tích khu đất: 2.670m2, tổng diện tích xây dựng 28.800m2. Thông tin trên trang web của Công ty bất động sản EZ Việt Nam- đơn vị tiếp thị và phân phối dự án, ngày 4/4/2016, chung cư này xây đến tầng 10 và dự kiến cất nóc vào ngày 30/6. Tuy nhiên, ngày 20/4, theo thực tế quan sát của Báo Kinh tế & Đô thị, dự án này vẫn giậm chân tại chỗ ở tầng 10. Theo hợp đồng, dự án này sẽ được bàn giao nhà cho khách hàng vào quý II/2017. Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin thêm về sự việc.
Hình ảnh thực tế dự án PVV - Vinapharm Tower ngày 19/4 Ảnh: Đinh Nguyễn |