Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị ra ngày 7/8 có bài "Tại phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy: Nhiều công trình xây sai phép" phản ánh việc Dự án cống hóa mương thoát nước Nghĩa Đô kết hợp làm bãi đỗ xe và dịch vụ phụ trợ (Dự án Nghĩa Đô) trên đường Nguyễn Khánh Toàn đã và đang bị biến tướng với hàng loạt công trình xây dựng làm địa điểm kinh doanh. Sau khi bài báo được đăng tải, phía chủ đầu tư Dự án là Công ty CP Đầu tư xây lắp thương mại và dịch vụ (Công ty dịch vụ) đã có văn bản giải trình về vụ việc.
Bãi trông giữ xe thuộc Dự án cống hóa mương thoát nước Nghĩa Đô. Ảnh: Phạm Hùng
|
Theo đó, Dự án Nghĩa Đô được đầu tư xây dựng từ năm 2007 đến nay sở dĩ chưa đưa vào sử dụng là do trong quá trình triển khai có nhiều đoàn thanh tra đến kiểm tra việc thực hiện, cộng thêm các chỉ đạo từ phía UBND TP nên doanh nghiệp (DN) chưa thể triển khai xong. Tuy nhiên, Dự án Nghĩa Đô là dự án xã hội hóa, khu vực này trước kia là mương thoát nước thải ô nhiễm môi trường khiến Nhà nước phải bỏ ra khá nhiều kinh phí để duy tu nạo vét, nay chủ đầu tư thực hiện dự án đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để cống hóa và tạo ra mặt bằng sạch cho TP, đồng thời cũng mở rộng đường 3,5 - 8m trước nhà dân (trước chỉ có 1m). Thêm vào đó, tiền cho thuê mặt bằng Dự án Nghĩa Đô với giá thương mại và dịch vụ mà TP đưa ra, cụ thể là 506.992.500đồng/năm (đối với hợp đồng cũ là bãi đỗ xe) và 8,72 tỷ đồng/năm (giá mới) tính từ năm 2012, chủ đầu tư đã nộp đầy đủ. Như vậy, suất đầu tư của dự án này còn cao hơn nhiều lần dự án tương tự nên chủ đầu tư gặp phải nhiều khó khăn và băn khoăn không biết kinh doanh đến bao giờ mới thu về được vốn đầu tư ban đầu và tiền thuê đất theo giá dịch vụ thương mại đã ký kết.
Cũng theo bản báo cáo thực tế và kiến nghị đề xuất của chủ đầu tư: Tại Văn bản số 6889/UBND ngày 5/9/2012, UBND TP Hà Nội cho phép kinh doanh dịch vụ KFC tại ô đất số 2. Vì có nội dung kinh doanh dịch vụ thương mại nên từ năm 2012 - 2017, chủ đầu tư nộp tiền thuê đất theo giá dịch vụ 670.680 đồng/m2/năm trên toàn bộ diện tích dự án không trừ bất kể mét vuông nào, kể cả xây xanh. Do vậy, lẽ ra DN phải được kinh doanh dịch vụ trên toàn bộ diện tích dự án để lấy tiền nộp đủ tiền thuê đất nhưng thực tế hiện nay, DN mới chỉ được phép kinh doanh dịch vụ ở diện tích xây dựng khu nhà 2 tầng và một phần diện tích sân trước. Phần lớn diện tích đất còn lại (8.500m2) là để trông giữ xe, nhưng do không có mái che nên khách mới gửi vào khoảng 50% diện tích, gây ra khó khăn trong việc hoạt động kinh doanh và thu hồi vốn. Để phù hợp với thực tế trên và để làm rõ cụ thể khu vực nào trông giữ xe, khu vực nào được làm dịch vụ, DN đã kiến nghị với TP cho sử dụng 6.200m2 của toàn bộ diện tích xây nhà 2 tầng cùng phần sân trước đã có mái làm dịch vụ.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Cù Đức Tố - Giám đốc Công ty Dịch vụ cho biết: "Hiện nay, khó khăn nhất của DN là sự minh bạch, rõ ràng của các cơ quan chức năng trong việc quy định cụ thể chỗ nào được kinh doanh thì cho kinh doanh, chỗ nào được trông giữ xe thì trông giữ xe chứ không thể để các văn bản ban hành ra chồng chéo lên nhau và mập mờ như kiểu cho làm dịch vụ thương mại nhưng không cố định địa điểm nào".
Cái khó của DN là vậy, song thực tế một phần khu đất thuộc Dự án Nghĩa Đô đã bị biến tướng khi chưa được sự chấp thuận của các cấp có thẩm quyền. Đề nghị các đơn vị liên quan vào cuộc thanh, kiểm tra và xem xét thực tế để có phương án giải quyết rõ giúp Công ty Dịch vụ yên tâm kinh doanh.