Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ doanh nghiệp mạnh tay mua cổ phiếu: Đầu tư, gom quyền lực hay làm giá?

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường chứng khoán liên tục chứng kiến nhiều pha đồng loạt chi tiền tỷ gom cổ phần của cá nhân chủ DN và người nhà.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc các chủ DN và người nhà vung tiền mua cổ phiếu (CP) trước hết với mục đích đầu tư, nâng tỷ lệ sở hữu tại DN.

Vung tiền gom lớn

Từ đầu tháng 10 đến nay, nhiều DN trên sàn chứng khoán đã công bố thông tin liên quan đến giao dịch lớn. Trong đó, hàng loạt người cầm trịch DN đã đăng ký mua vào CP đơn vị mình đang sở hữu, điều hành. Cụ thể, công ty Cổ phần Transimex (TMS), Thành viên HĐQT Bùi Minh Tuấn đăng ký mua 500.000 CP, giao dịch dự kiến thực hiện từ 18/10 - 16/11/2017. Tại Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại SMC, bà Nguyễn Ngọc Ý Nhi - thành viên HĐQT đăng ký mua 200.000 CP, giao dịch dự kiến thực hiện từ 19/10 - 17/11/2017.

Thời gian qua, Chủ tịch HĐQT VIB và người nhà của lãnh đạo này đã chi hàng trăm tỷ đồng mua cổ phiếu VIB. Ảnh: Linh Nguyễn

Trước đó, giao dịch mua vào gần 28 triệu CP của bà Trần Thị Thảo Hiền - vợ Chủ tịch HĐQT Đặng Khắc Vỹ tại VIB đã hoàn tất. Cũng tại ngân hàng này, một người thân khác của Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ là ông Đặng Quang Tuấn (con của ông Vỹ) lại vừa mới đăng ký mua vào 28,1 triệu CP VIB, tương đương 4,98% vốn điều lệ nhằm mục đích đầu tư. Với mức giá giao dịch 22.000 đồng/CP, dự kiến, ông Tuấn phải chi ra trên dưới 620 tỷ đồng. Hiện, ông Vỹ sở hữu hơn 28,16 triệu CP VIB (tương đương 4,99%), nếu giao dịch thành công, gia đình ông Vỹ sẽ nắm giữ gần 15% vốn với khoảng 84 triệu CP.

Trong 2 ngày cuối tháng 9, kết quả giao dịch của Chủ tịch HĐQT Dương Công Minh tại STB đã nâng tỷ lệ sở hữu của vị lãnh đạo này tại Sacombank lên gần 59,4 triệu CP, tương ứng 3,29% vốn. Ước tính số tiền ông Minh phải bỏ ra cho thương vụ này khoảng 225 tỷ đồng tại mức giá quanh 12.500 đồng/CP. Trước đó, trước thời điểm chào sàn, lãnh đạo và người nhà lãnh đạo LPB, VPB… cũng liên tục có động thái gom vào cổ phần, nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần của cá nhân và nhóm cổ đông tại các DN này.

Không loại trừ hiện tượng làm giá

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, việc lãnh đạo và người thân chi tiền khủng mua CP DN có nhiều nguyên nhân. Đó có thể đơn thuần nhằm mục đích đầu tư. “Những người này đang hướng đến giá trị gia tăng của CP DN. Do đó, những chủ DN cũng như người thân của họ khi có cơ hội là sẽ mua vào. Động thái liên tục mua vào có thể còn nhằm mục đích tập trung "quyền lực" của họ tại DN. Bởi bên cạnh yếu tố lợi nhuận đầu tư, việc gia tăng nắm giữ CP để trở thành cổ đông lớn, có vị trí nhất định tại DN là điều rất quan trọng với các chủ DN. TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích thêm, việc các chủ DN chi tiền khủng mua vào CP sẽ có tác động nhất định đến thị trường cả tích cực và tiêu cực. Bởi khi mua với số lượng lớn, một mặt sẽ giúp đẩy giá CP lên, nhưng cũng không loại trừ hiện tượng làm giá.